Những phụ nữ “vác tù và hàng tổng”

17/10/2020
Luôn năng nổ, nhiệt tình trong công việc, tích cực, chủ động và hết lòng với hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa phương, các chị được nhân dân yêu mến gọi với cái tên thân mật: Những người "vác tù và hàng tổng".
Chị Nguyễn Thị Minh Phượng (ngoài cùng bên trái) cùng CLB Chia sẻ yêu thương tặng quà những hoàn cảnh khó khăn.

Không lương, không phụ cấp, nhưng 5 năm qua, chị Nguyễn Thị Minh Phượng, xã Đồng Quế, huyện Sông Lô đã in dấu chân mình trên khắp nẻo đường phía Bắc Tổ quốc trong những chuyến đi làm từ thiện.

Đó là những chuyến đi trao quà tặng các em học sinh nghèo, trẻ em khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn…; là những ngày mưa, ngày nắng không quản ngại đi đến những gia đình khó khăn để khảo sát, vận động tài trợ. Chị cũng chính là chủ nhiệm CLB Chia sẻ yêu thương, trực thuộc Hội Chữ thập đỏ huyện Sông Lô.

Chị Phượng cho biết, trước đây chị công tác tại Trường tiểu học Đồng Quế. Ở đây có nhiều học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn. Thương học sinh, chị luôn mong muốn làm điều gì đó để giúp đỡ các em bớt khó khăn, có điều kiện học tập tốt hơn.

Vì thế, chị và một số thầy, cô giáo đã thành lập CLB Thiện nguyện giáo dục huyện Sông Lô. CLB có hơn 10 thành viên, gồm một số thầy, cô giáo và phụ huynh học sinh tham gia, với mục đích tổ chức các hoạt động từ thiện giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh, kém may mắn, những em học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn...

Hoạt động được một thời gian, chị nhận thấy các hoàn cảnh cần giúp đỡ rất nhiều, chị đã tìm đến những người bạn có tinh thần nhân ái, đồng tâm thiện nguyện, vận động và thành lập CLB Chia sẻ yêu thương.

Chị Phượng và các thành viên trong CLB đã tổ chức các đợt bán hàng, nhận may đồng phục, giao lưu văn nghệ để gây quỹ. Chị cùng các thành viên tự nguyện trích tiền ủng hộ cho các đợt kêu gọi; phối hợp với các đội, nhóm, CLB khác vận động bạn bè, người thân cùng tham gia công tác thiện nguyện, chung tay ủng hộ cho những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên trang mạng xã hội facebook, zalo.

Vào thứ 2 và thứ 5 hằng tuần, chị và các thành viên CLB nấu cháo phát miễn phí tại Trung tâm Y tế huyện Sông Lô; thực hiện nuôi dưỡng, trợ giúp hằng tháng cho 22 trẻ em mồ côi ở các huyện Sông Lô, Lập Thạch, Tam Dương, Bình Xuyên với mức hỗ trợ từ 600.000 - 1.200.000 đồng/cháu.

Chị Phượng chia sẻ: “Càng đi làm từ thiện, tôi lại càng đam mê, gặp những hoàn cảnh khó khăn lại muốn giúp đỡ họ. Phần lớn thời gian tôi dành cho các hoạt động xã hội, từ thiện. Cũng may mắn, tôi được chồng và các con ủng hộ, thường xuyên trợ giúp những phần việc chăm sóc gia đình.

Có nhiều người bảo tôi “ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng”, nhưng tôi chỉ cười và nghĩ rằng, “vác tù và hàng tổng” mà giúp được nhiều người khó khăn ổn định cuộc sống thì tôi cũng thấy vui và hạnh phúc. Và chắc chắn nếu còn sức khỏe, tôi vẫn sẽ tiếp tục với những công việc mình đang làm”.

Cùng sở thích làm việc thiện, chị Nguyễn Thị Huệ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường cũng khiến chúng tôi rất cảm phục. Làm Chủ tịch hội ở một xã có gần 200 người thuộc hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người già neo đơn, người khuyết tật, trẻ em mồ côi… vậy mà chị Huệ nhớ rõ từng hoàn cảnh.

Thông cảm và thấu hiểu từng hoàn cảnh, chị Huệ luôn suy nghĩ phải có nhiều phương pháp tuyên truyền, vận động để xây dựng quỹ nhân đạo, công tác cứu trợ phải kịp thời. Dịp Tết cổ truyền dân tộc hằng năm, dù trời mưa phùn hay gió bấc, chị Huệ cũng cùng các đồng chí trong hội đi vận động ủng hộ và tặng quà, quyết tâm không để gia đình nào không có Tết.

Trong 5 năm qua, Hội Chữ thập đỏ xã Vĩnh Thịnh đã tuyên truyền, vận động, xây dựng quỹ nhân đạo được hơn 300 triệu đồng, hỗ trợ hơn 800 lượt người yếu thế, xây 1 nhà chữ thập đỏ, hỗ trợ vốn nuôi bò cho 20 gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…

Chị Huệ cho biết: “Mỗi hoàn cảnh là một số phận khác nhau, tôi không bỏ qua một hoàn cảnh nào. Tìm hiểu về cuộc sống của họ tôi lại trăn trở xem làm cách nào để giúp đỡ họ và tìm cách giúp đỡ làm sao cho phù hợp nhất.

Trong quá trình đi vận động, tôi đã viết thư ngỏ gửi tới một số công ty, các mạnh thường quân chia sẻ về những khó khăn của xã và một vài kết quả chúng tôi đã làm được. Trình bày với họ về nguyện vọng của mình và mong muốn họ về thăm, tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn của xã.

Không chỉ vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn xã, tôi mở rộng việc vận động ở khắp mọi nơi, tranh thủ nguồn quỹ nhiều nhất để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Chưa bao giờ tôi từ bỏ và chắc chắn sẽ không bao giờ từ bỏ công việc này cho đến khi địa phương không còn hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn…”.

Bằng tấm lòng yêu thương và tình cảm chân thành đối với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội, chị Phượng, chị Huệ đã chứng minh cho tất cả mọi người thấy “làm thiện nguyện phải xuất phát từ tấm lòng”.

Với các chị, còn sức là còn tham gia công tác xã hội, bởi hơn ai hết, các chị đều mong muốn những hoàn cảnh khó khăn có cuộc sống ổn định, tương lai tốt đẹp hơn.

baovinhphuc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video