Những vấn đề đặt ra

29/09/2007
Hội nhập kinh tế là từ được nhắc đến trong thời gian gần đây. Vậy hội nhập sẽ mang đến cơ hội hay thách thức đối với phụ nữ? Và so với nam giới họ sẽ được hay mất nhiều hơn?

Hội nhập kinh tế quốc tế giúp cho dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tăng lên, mở ra nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất, tạo nhiều cơ hội việc làm cho người lao động. Nhưng đồng thời đất nước cũng đứng trước một thực tế: nông sản thực phẩm, hàng tiêu dùng phải chịu áp lực cạnh tranh mới, gay gắt hơn ngay trên thị trường nội địa, chưa kể xuất khẩu hay đầu tư ra nước ngoài.

 

Để đứng vững trong cuộc cạnh tranh này, theo Tiến sĩ Trần Thị Vân Anh, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, cả nam và nữ giới không những phải nâng cao kiến thức, kỹ năng mà còn phải rèn cho mình ý chí quyết tâm cao. Nếu một cá nhân hoặc một giới nào ở vị trí xuất phát thấp hơn, ít thời gian và cơ hội đầu tư, học tập hơn thì nguy cơ bị loại khỏi “cuộc chơi” sẽ nằm trong tầm tay.

 

Báo cáo phân tích số liệu điều tra về bình đẳng giới của Viện khoa học xã hội Việt Nam cho thấy, cứ 100 lao động nữ thì có 46 người làm nông nghiệp, trong khi con số này ở nam giới là 39. Tỷ lệ nữ sản xuất ở hộ gia đình cũng cao hơn nam giới (63% so với 53%). Con số này chứng minh một điều rằng khi nước ta thực hiện cắt giảm thuế nhập khẩu, hạn chế các khoản chi hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo cam kết với WTO, mặt khác khi thị trường mở cửa ngày càng rộng đối với nông sản nhập khẩu thì nguy cơ phá sản hoặc thu nhập bấp bênh đối với lao động nữ sẽ cao hơn hẳn so với nam giới.

 

Ngành Công nghiệp dệt may là một ví dụ điển hình, hiện đang thu hút khoảng 2 triệu công nhân, trong số đó hầu hết là nữ. Việc giảm thuế nhập khẩu sản phẩm may mặc từ 50% xuống còn 15% sẽ buộc ngành dệt may phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm dệt may nhập khẩu ngay tại thị trường nội địa. Đi liền đó là những cạnh tranh khốc liệt hơn trong xuất khẩu. Theo dự đoán, nếu như hiện nay kim ngạch xuất khẩu dệt may đang tăng từ 15-20%/năm thì sau năm 2008 sẽ có khả năng giảm xuống mức 5-7%. Như vậy, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm và thu nhập của hàng triệu nữ công nhân và gia đình họ.

 

Còn đối với giới doanh nhân, lực lượng nữ chủ doanh nghiệp chiếm khoảng 25%, chưa kể trong các hoạt động kinh doanh dịch vụ ở hộ gia đình do nữ làm chủ, bên cạnh những khó khăn về vốn, thiếu thông tin thị trường, thiếu lao động lành nghề, thì so với nam giới, nữ doanh nhân vẫn gặp nhiều khó khăn hơn. Đó là sự chênh lệch về trình độ học vấn, kinh nghiệm kinh doanh, các mối quan hệ và ảnh hưởng, đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như tài sản chung của vợ chồng. Trong thời kỳ hội nhập, những khó khăn này không những không giảm đi mà ngược lại càng tăng lên do cạnh tranh ngày càng gay gắt, không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà cả đối với cơ sở sản xuất và cung cấp dịch vụ của nước ngoài.

 

Xét về cơ cấu kinh tế, Việt Nam cũng như nhiều nước khác, muốn phát triển phải quan tâm đến các ngành có giá trị gia tăng cao như các ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng hay các ngành công nghiệp kỹ thuật cao như viễn thông. Trong khi đó, lao động nữ hiện nay chủ yếu tập trung ở các ngành công nghiệp nhẹ như sản xuất giầy da, may, chế biến nông sản…Đây vừa là thách thức đồng thời cũng là nguy cơ tiềm ẩn đối với lao động nữ ở nước ta xét từ góc độ thu hẹp việc làm và giảm thu nhập.

 

Với tư cách là người tiêu dùng, phụ nữ có nhiều cơ hội song cũng cũng gặp không ít thách thức. Chất lượng và chủng loại hàng hoá ngày càng đa dạng, hệ thống quảng cáo ngày càng tinh vi, đòi hỏi người tiêu dùng không chỉ đơn giản là đi và mua mà còn phải là người lựa chọn thông minh. Trước các loại bao bì, nhãn mác, thành phần hoá chất, dinh dưỡng…, phụ nữ đang mất nhiều thời gian, trí tuệ hơn trước để lựa chọn và quyết định, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các thành viên trong gia đình.

 

Để vượt qua các thách thức từ góc độ người sản xuất, kinh doanh cũng như người tiêu dùng trong thời kỳ hội nhập, phụ nữ cũng như nam giới rất cần kiến thức cũng như sự nỗ lực vượt bậc. Tuy nhiên, trong cuộc đua này, phụ nữ đang phải vượt rất nhiều chướng ngại vật . Tỷ lệ nữ được đào tạo chuyên môn ở tất cả các hình thức, kể cả qua trường lớp hay tại chỗ đều thấp hơn nam giới. Thêm vào đó, công việc nội trợ, chăm sóc gia đình cũng phải đầu tư nhiều hơn. Nhiều gia đình, quyền quyết định của phụ nữ thấp hơn nam giới. Tuy nhiên, tỷ lệ nữ thực hiện các biện pháp tránh thai cao hơn và sức khoẻ của họ, ngược lại, chịu ảnh hưởng nhiều hơn nam giới. Hiện nay vẫn còn gần 40% phụ nữ nông dân nghỉ sinh con dưới 31 ngày.

 

Như vậy, rõ ràng là bên cạnh những cơ hội lớn của hội nhập, để đi lên, phụ nữ đang gặp nhiều thách thức hơn nam giới.

Đỗ Hoa

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video