Nỗi khổ vượt cạn của bà bầu nhiễm HIV

01/12/2010
Sau sinh, chị Nhung (Hà Nội) bị chảy máu nhiều, tử cung bị đờ không co bóp như bình thường nhưng bác sĩ không hề có biện pháp cầm máu. Khi đó, nếu không có người phát hiện kịp thời thì có lẽ chị đã không qua khỏi. Tất cả sự chậm trễ đó chỉ vì chị là người có HIV.

Sự việc xảy ra vào cuối năm ngoái nhưng đến giờ chị Nhung vẫn không khỏi đau xót khi nhớ lại. Chị đã suýt mất mạng chỉ vì sự kỳ thị của y bác sĩ.


Biết mình mang căn bệnh thế kỷ, chị quyết định đến khám, theo dõi thai tại Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Dù đã rất cẩn thận trong quá trình mang thai nhưng không may chưa đến ngày sinh thì vỡ ối. Người nhà vội đưa chị vào bệnh viện.


“Ở khoa Khám bệnh, dù trên sổ khám bệnh có đóng dấu quy định người nhiễm HIV nhưng bác sĩ vẫn hỏi tôi có bị bệnh gì không. Lúc đó ở giữa chỗ đông người, sợ mọi người biết nên tôi không dám nói rõ bệnh của mình mà chỉ nói muốn được mổ”, chị Nhung kể lại.


Tuy nhiên, bác sĩ không đồng ý và chuyển chị lên khoa đợi đẻ thường. Lên đến nơi thì chị lại được chuyển về phòng khám vì một y tế phát hiện ra dấu trên sổ y bạ. Đến đây chị bị vị bác sĩ lúc đầu mắng “Tại sao không nói bị HIV ngay từ đầu!” rồi chuyển chị lên khu C3 (nơi có phòng dành cho bệnh nhân HIV).


Lúc đó đã là 2-3 giờ sáng, bác sĩ đưa chị lên phòng, vứt cho bộ quần áo bệnh nhân, rồi nói “Ngồi đây chờ, khi nào đau thì gọi”. Trong lúc đó, chồng chị vẫn chạy đi gặp bác sĩ khẩn thiết yêu mổ đẻ cho vợ nhưng không được.


“Đến khi lên bàn đẻ thường, vị bác sĩ ấy vẫn mắng té tát ‘Chúng mày không biết thương chúng tao, mổ dễ bị phơi nhiễm. Mày làm nghề gì? Lây khi nào? Ở đâu?’. Những lời của bác sĩ khi ấy như nhát dao cứa vào lòng mà cho đến nay tôi vẫn không thể nào quên được”, chị Nhung buồn bã nói.


Câu chuyện được chị Nhung chia sẻ tại buổi đối thoại giữa cán bộ y tế với người nhiễm HIV gần đây tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Những phụ nữ bình thường sinh con đã khổ thì những chị em mang trong mình căn bệnh HIV còn khổ hơn gấp bội, họ bị chính những nhân viên y tế kỳ thị.


Cũng từng sinh con tại một bệnh viện ở Hà Nội cách đây 6 năm nhưng cho đến giờ chị Thanh vẫn không thể quên được ánh mắt của bác sĩ khám cho chị lúc ấy.


Như bao thai phụ khác gần đến ngày sinh, chị cũng đi làm một loạt các xét nghiệm trong đó có HIV. Đến khi cầm trên tay tờ kết quả, chị vẫn không thể tin nổi mình mắc căn bệnh này. Chưa hết bàng hoàng, vị bác sĩ xem kết quả đã ném cho chị cái nhìn khinh miệt, hỏi “Chị làm nghề gì? Đã nhiễm HIV còn chửa đẻ… ”.

“Hóa ra, bác sĩ nghĩ tôi là gái đứng đường. Tại sao lại cứ nhìn những phụ nữ bất hạnh như chúng tôi với cái nhìn thiếu tiện cảm như thế. Chúng tôi có làm gì nên tội đâu, chúng tôi cũng là nạn nhân”, chị Thanh nghẹn ngào nói.


Bà Đặng Thị Nghĩa, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng thừa nhận, hiện tượng kỳ thị của nhân viên y tế bệnh viện với những thai phụ có HIV từng xảy ra. Nếu không giải quyết từ gốc rễ thì câu chuyện tương tự vẫn còn tiếp diễn.


“Tiếc là đến nay, vẫn còn một số bác sĩ vẫn nhìn bệnh nhân có HIV với ánh nhìn hình viên đạn. Vấn đề gốc rễ ở đây là do y, bác sĩ còn chưa hiểu biết nhiều về căn bệnh này nên tránh. Vì thế, cần có những khóa đào tạo HIV/AIDS một cách cụ thể, dành cho y tá, nữ hộ sinh, bác sĩ… ”, bà Nghĩa cho biết.


Ông Nguyễn Duy Ánh, Phó giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cũng thừa nhận: “Hiện tại, bệnh viện mới chỉ làm công tác tiếp nhận xử lý bệnh nhân sản phụ khoa nhiễm HIV, còn tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ y, bác sỹ rất hạn chế. Tôi xin lỗi những ai đã trải qua cảm giác bị nhân viên y tế đối xử không đúng, có thái độ kỳ thị”.


Thạc sĩ Lã Thị Lan, Phó giám đốc Trung tâm Phòng chống HIV/ AIDS Hà Nội cho biết, hiện cả thành phố có hơn 3.000 phụ nữ nhiễm HIV đang sống với 86% người nhiễm HIV từ 15 đến 39 tuổi (độ tuổi sinh đẻ). Vì thế, công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là rất cần thiết.


“Nếu các bệnh viện, y bác sĩ sản phụ khoa không nỗ lực chung tay, còn kỳ thị thì sẽ có rất nhiều trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Đó sẽ là gánh nặng cho xã hội”, thạc sĩ Lan chia sẻ.


Trong buổi họp báo nhân ngày phòng chống HIV toàn cầu, diễn ra hôm qua tại Hà Nội, ông Steve Kraus, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương, Chương trình phối hợp của Liên hợp quốc về HIV/AIDS, cũng nhấn mạnh
: “Sự kỳ thị của cộng đồng, của nhân viên y tế không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Điều cần lưu ý là quốc gia nào vẫn còn kỳ thị với người bị HIV thì số lượng người mang trong mình căn bệnh này sẽ còn tăng cao. Thay vì đẩy họ ra xa, tại sao chúng ta không kéo lại, giúp rõ hiểu hơn về căn bệnh, để bảo vệ chính những người xung quanh”.


Cũng theo ông, trong 20 năm qua Việt Nam đã được được những thành tựu tích cực trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thế kỷ. Tỷ lệ nhiễm HIV đã chững lại và có ít người tử vong do căn bệnh này hơn. Tuy nhiên để duy trì sự bền vững thì cần phải xác định rõ phòng bệnh hơn chữa bệnh, giảm phân biệt, kỳ thị với những người mang HIV.


“Nếu cứ chữa cho một người mà có hai người mắc bệnh thì chi phí sẽ rất lớn. Trong khi đó, ngân sách dành cho hoạt động này ngày càng bị cắt giảm”, ông Steve nói.

 

Theo Vnexpress.net

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video