Nữ họa sĩ làm mới sản phẩm gốm Bàu Trúc

18/12/2018
Từ năm 2000, nữ họa sĩ Chế Kim Trung người dân tộc Chăm ở TP Phan Rang – Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã lặng lẽ nghiên cứu và vẽ hoa văn của dân tộc Chăm lên các sản phẩm gốm Bàu Trúc.

Bà trở thành người đầu tiên thể hiện thành công ở lĩnh vực này. Những gam màu độc đáo không chỉ tái hiện sinh động về văn hóa Chăm mà còn đưa các sản phẩm gốm Bàu Trúc vươn lên tầm mỹ thuật mới, được đánh giá cao.

Trong một ngày giữa tháng 12, chúng tôi đến thăm gia đình nữ họa sĩ Chế Kim Trung. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà vừa ở, vừa làm phòng trưng bày tranh và sản phẩm gốm nung Bàu Trúc do nữ họa sĩ Chế Kim Trung miệt mài sáng tạo nhiều năm qua nằm trên đường Ngô Gia Tự, TP Phan Rang – Tháp Chàm, anh Thành Chiểu, chồng nữ họa sĩ nói vui: “Hết 80% diện tích căn nhà đều dành cho việc trưng bày tranh và sản phẩm gốm, nhà báo thông cảm nhé!”.

Nhìn một lượt, mới thấy hầu hết treo kín các vách tường là những bức tranh đủ kích cỡ. Chiếc tủ kính để trưng bày các sản phẩm gốm Bàu Trúc được vẽ hoa văn với nhiều màu sắc sực sỡ che chắn gần hết diện tích phòng khách.

Tôi quen vợ chồng nữ họa sĩ Chế Kim Trung đã gần 30 năm. Đến nay, tranh vẽ của nữ họa sĩ đã được giới hội họa trong và ngoài nước đánh giá cao. Nữ hoạ sĩ Chế Kim Trung đã có 24 tác phẩm đoạt các giải thưởng cao tiêu biểu, như: Lễ cầu mưa (giải A năm 2008 – Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam); Làng Chăm ơn Bác (giải A năm 2009 - Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam); Sắc màu lễ hội Ka-tê Chăm (giải A năm 2012 – Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam) và hàng chục giải B, giải C được trao qua các năm. Tính ra trung bình mỗi năm thì họa sĩ Chế Kim Trung nhận được ít nhất một giải quốc gia. Đây là một thành tích ấn tượng mà không nhiều họa sĩ đạt được.

 

 Nữ họa sĩ Chế Kim Trung bên tác phẩm Sắc màu lễ hội Ka-tê Chăm (giải A năm 2012 – Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam)


Họa sĩ Chế Kim Trung cũng đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc (giai đoạn 2004 - 2014), góp phần vào sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Ban Tuyên giáo Trung ương tặng thưởng ba tác phẩm xuất sắc, gồm: Bác Hồ với đồng bào Chăm, Làng Chăm ơn Bác, Miền Nam trong trái tim Bác về hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh…

Có thể nói, họa sĩ Chế Kim Trung đã gặt hái nhiều thành công trong sáng tác tranh sơn dầu. Nhưng việc vẽ hoa văn cổ của đồng bào Chăm trên sản phẩm gốm nung Bàu Trúc của hoạ sĩ Chế Kim Trung, lại là một nỗ lực không đơn giản để trở thành họa sĩ đầu tiên vẽ tác phẩm nghệ thuật trên gốm Chăm.

Nữ họa sĩ tâm sự: “Lâu nay, việc vẽ hình ảnh trên các đồ gốm làm bằng sứ rất phổ biến, nhưng vẽ trên bình gốm Chăm làm bằng đất sét thì chưa có họa sĩ nào thực hiện. Từ suy nghĩ làm thế nào để nâng tầm giá trị gốm Chăm lên một nấc thang mới, tôi đã âm thầm nghiên cứu trong nhiều năm, để rồi đến năm 2000, tôi quyết định vẽ thử nghiệm, đưa sắc màu và họa tiết chủ yếu là hoa văn cổ, những sinh hoạt văn hóa của đồng bào Chăm lên những sản phẩm bình gốm Bàu Trúc”.

Vẽ trên gốm Bàu Trúc khó nhất là khâu tạo màu, bởi các bình gốm được làm từ đất sét và nung ở nhiệt độ cao, nên sản phẩm rất khô và hút nước rất mạnh. Cùng với đó, màu đặc trưng của sản phẩm sau khi được nung chủ yếu là những gam màu nóng, do đó, đòi hỏi nữ họa sĩ phải có phương pháp vẽ làm sao để màu sơn vẽ hình ảnh lên các sản phẩm không bị hút chìm khuất trong màu đặc trưng của sản phẩm gốm, đồng thời phải tạo được sự hài hòa về màu sắc, tôn được vẻ đẹp thuần khiết của những họa tiết trong hoa văn Chăm cổ một cách đúng chuẩn… Sau nhiều năm nghiên cứu, nữ họa sĩ Chế Kim Trung đã áp dụng phương pháp vẽ chồng nhiều lần, nhiều lớp màu lên hình ảnh đã khắc họa chi tiết đường nét trên sản phẩm, cho đến khi sản phẩm gốm đã hút “no” màu, thì màu sắc mới đạt yêu cầu mỹ thuật. Lúc ấy, sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc như được khoác “chiếc áo mới” với nhiều sắc màu rực rỡ, đậm nét văn hóa Chăm.

Nữ họa sĩ Chế Kim Trung bộc bạch, vẽ trên gốm cũng phải đòi hỏi có cảm xúc để thả hồn vào từng nét vẽ, có như vậy mới cho ra những sản phẩm gốm độc đáo. Điều đáng nói ở đây, các sản phẩm của nữ họa sĩ Chế Kim Trung đều mang những sắc thái âm hưởng riêng độc đáo. Bởi khi vẽ trên từng sản phẩm khác nhau, thì nữ hoạ sĩ lại thể hiện những ý tưởng khác nhau.

Để vẽ được một tác phẩm ưng ý, nữ họa sĩ cho biết mình thường phải “lắng nghe” trọn vẹn âm thanh từ trong những chiếc bình vọng ra. Vừa thả hồn mình bay bổng khi áp những chiếc bình làm bằng gốm vào tai, vừa lắng nghe những âm thanh du dương, đong đầy những cung bậc phản chiếu của tự nhiên, của cuộc sống, của tâm hồn những người nhào nặn gốm trước đó gởi gắm vào những chiếc bình. Những âm thanh văng vẳng đó, như tiếng gọi vừa thôi thúc, vừa là chất xúc tác trong tiềm thức giữa nữ họa sĩ với sản phẩm, và gợi ý tưởng cho nữ họa sĩ truyền tải những hình ảnh, hoa văn, các lễ hội của đồng bào Chăm… Cứ thế, nữ họa sĩ bắt đầu thể hiện qua những bút pháp bằng màu, bằng hình và miệt mài bất kể thời gian để hoàn thành tác phẩm nghệ thuật trên sản phẩm gốm.

Hình ảnh vẽ trên sản phẩm gốm Bàu Trúc là cách mà nữ họa sĩ thể hiện tình yêu, sự trân trọng và nét văn hóa độc đáo của người Chăm. Do đó, nữ họa sĩ cho rằng, nếu trên mỗi sản phẩm bình gốm đã được coi là một sản phẩm duy nhất thì nữ hoạ sĩ không bao giờ vẽ lặp lại những hoa văn, đường vẽ đó trên chiếc bình gốm khác. Cho nên, những tác phẩm nghệ thuật được vẽ trên mỗi sản phẩm gốm của nữ họa sĩ không bao giờ giống nhau, những tác phẩm trên mỗi sản phẩm đó cũng được hiểu là “độc bản” như sản phẩm mà các nghệ nhân làm gốm nhào nặn và chế tác vậy.

Nhìn từng sản phẩm gốm mỹ thuật do nữ họa sĩ sáng tác, sẽ thấy được sự khéo léo, tỷ mỉ, sáng tạo của những người phụ nữ Chăm dù là ở công đoạn tạo hình hay là vẽ nghệ thuật trên gốm. Phong cách sáng tác của nữ họa sĩ mang hơi thở hiện thực, nét độc đáo và cả sự cổ kính của văn hóa Chăm.

Có thể nói, với tài năng, niềm say mê với việc bảo tồn và phát huy nét đoặc sắc văn hóa dân tộc của dân tộc Chăm, nữ họa sĩ Chế Kim Trung đã tạo nên con đường nghệ thuật riêng của mình. Hầu hết các chủ đề mà nữ họa sĩ dồn hết tâm huyết, tài trí để sáng tác luôn gắn liền với phong tục, tập quán, tín ngưỡng cũng như sinh hoạt đời thường của người Chăm. Đặc biệt là các lễ nghi trong đời sống, lễ hội của cộng đồng Chăm. Nữ họa sĩ phải nghiên cứu, trải nghiệm nhiều năm mới thể hiện được tác phẩm phản chiếu đầy đủ cái hồn của các lễ nghi, lễ hội của người Chăm một cách hoàn thiện và chân thật.

Hơn 18 năm hoạt động nghệ thuật, nữ họa sĩ Chế Kim Trung đang sở hữu một “gia tài” mỹ thuật đồ sộ với hàng nghìn tác phẩm. Mỗi tác phẩm thể hiện một đề tài riêng, một cảm xúc riêng về tình yêu quê hương, đất nước. Tuy sáng tác trên nhiều chất liệu, tông màu khác nhau như: sơn dầu, sơn màu, khắc gỗ, lụa, thuốc nước, bột màu…. Nhưng nữ hoạ sĩ Chế Kim Trung lại không thu hẹp sáng tác theo một trường phái cụ thể nào. Các tác phẩm của nữ hoạ sĩ lại đa dạng, từ lập thể, trừu tượng đến hiện thực, lãng mạn… Và từ đó, nữ hoạ sĩ Chế Kim Trung đã tạo dựng được phong cách, tên tuổi riêng của mình trong dòng chảy nghệ thuật hội họa đương đại, với những tác phẩm đoạt giải qua các cuộc thi khu vực và toàn quốc.

Trước lúc chia tay, nữ họa sĩ bộc bạch ước mình: “Hiện nay, việc sáng tác, giảng dạy mỹ thuật của tôi khá thuận lợi và tốt đẹp. Nhưng tôi cũng rất trăn trở là làm thế nào để mở rộng hơn nữa không gian sáng tác và nơi trưng bày để quảng bá cho nhiều người biết về văn hóa Chăm, gắn với nền văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Đồng thời, có điều kiện, môi trường thuận lợi hơn nữa để truyền dạy kỹ thuật vẽ hoa văn màu trên sản phẩm gốm Bàu Trúc, nhằm tiếp tục nhân rộng, giúp cho thế hệ trẻ và bà con ở làng nghề gốm cổ nhất Đông Nam Á này liên tục đạt được ước mơ bảo tồn và phát huy các giá trị đặc sắc của văn hóa Chăm”.

NDĐT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video