Nữ kiệt đất Quảng

10/06/2019
Bà là người phụ nữ duy nhất trong số gần 200 thanh niên sang Nhật Đông Du, hoạt động ở Trung Hoa và sang Âu Á diễn thuyết vận động phong trào. Khi bị Pháp bắt giam, Bà ung dung nói “Chúng ta ở tù có khổ chi, chỉ lúc này dân tộc Việt Nam mới khổ”.

Trong lịch sử cận đại Việt Nam có 2 người phụ nữ tham gia phong trào Duy Tân, Đông Du và sau này là Việt Nam Quang Phục Hội, đó là Lê Thị Đàn (còn gọi là Ấu Triệu), người làng An Hòa, Hương Trà, Thừa Thiên và Hoàng Thị Tòng, người làng Thanh Lâm, Tiên Phước, Quảng Nam. Bà Hoàng Thị Tòng là người phụ nữ duy nhất trong số gần 200 thanh niên sang Nhật Đông Du, hoạt động ở Trung Hoa và sang Âu Á diễn thuyết vận động phong trào.

Theo sách “Danh nhân đất Quảng”, Hoàng Thị Tòng sinh ngày 5/5/1885, hiệu là Tùng Thoại, thường gọi là cô Tư Tùng Thoại, người làng Thanh Lâm, tổng Phước Lợi, phủ Tam Kỳ (nay là thôn 9, xã Tiên Thọ, Quảng Nam). Bà là con thứ 4 của cụ Bá Ba - một bá hộ nổi tiếng ở Thanh Lâm, vùng đất bán sơn địa nhưng là nơi ruộng đất trù phú, tụ hội nhân kiệt như Võ Truật, Trần Hành, Dương Bộc tham gia nghĩa quân chống Pháp xâm lược Đà Nẵng (1858); Trần Huỳnh, Trầm Tùng Vân, Lê Ngạn, Ngô Đốc, Trần Khuê tham gia khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục Hội (1916).

Với tư chất thông minh từ nhỏ, từ năm 7-12 tuổi, bà học chữ Nho tại trường làng do ông Ngô Vỹ, người làng Kế Xuyên, tổng An Thái, phủ Thăng Bình lên đây mở lớp dạy học. Trong số 60 học trò, bà là người học giỏi, viết chữ đẹp như sách và có biệt tài rất lanh lẹ trong ứng đối thành thơ. Năm 13 tuổi, bà đã học và giảng nghĩa sách Minh tâm bửu giám là sách dành cho các học trò ngày xưa. Năm 15 tuổi, bà đậu tuyển sinh tại trường Thanh Lâm do thầy giáo Võ Nghi, người làng Hiền Lộc, Quế Sơn lên dạy học. Sau đó, bà lên Phú Lâm học trường do cụ Lê Cơ mở dạy. Năm 1903, bà đậu tiểu học Pháp Việt trường Diên Phong, Điện Bàn do nhà yêu nước Phan Thành Tài mở lớp dạy tiếng Pháp, tiếng Trung Hoa.

Sớm tiếp xúc với tân thư và tư tưởng yêu nước, cải cách trong ngôi trường tân học, Hoàng Thị Tòng tham gia phong trào yêu nước, ở nhà Tiểu La Nguyễn Thành tại Thạnh Mỹ - Thăng Bình. Tháng 4-1904, Hoàng Thị Tòng là một trong 20 đồng chí dự họp bàn việc thành lập Duy Tân hội. Tại cuộc họp này, Cường Để được bầu làm Hội trưởng, hội viên có Phan Bội Châu, Nguyễn Thành, Đặng Thái Thân, Đặng Tử Kính, Lê Võ, Hoàng Thị Tòng... bàn việc khuếch trương thế lực của hội, chuẩn bị vũ trang và xuất dương cầu viện. Phan Bội Châu, Đặng Tử Kính nhận việc xuất dương sang Nhật; Nguyễn Thành và Hoàng Thị Tòng lo việc vận động tuyên truyền nhân sĩ trong nước và thu nhận sự ủng hộ đóng góp kinh tài, từ đó bà bắt đầu hăng say hoạt động.

Năm 1905, bà Hoàng Thị Tòng vào Sài Gòn bí mật liên lạc với hiệu buôn Nam Đồng Hưng, gặp Trần Chánh Chiếu để vận động tài chính cho hội; sau đó lên Châu Đốc gặp Trần Thị để giải hòa việc lương giáo chia rẽ và vận động nhân sĩ, tri thức tham gia ủng hộ Duy Tân. Tháng 4-1906, bà Hoàng Thị Tòng ra Hà Nội bí mật liên lạc với hiệu buôn Đồng Lợi Tế, rồi sang Hương Cảng gặp Lý Tuệ để gửi tiền cho Du Thuận, Lưu Vĩnh Phúc, đồng thời lấy chương trình Duy Tân hội để về nước phổ biến. Trước khi ra Bắc, bà đến Quảng Bình thuyết phục kết nạp Mai Lão Bạng vào hội và vận động thanh niên Ki tô giáo tham gia xuất dương. Tháng 11-1906, bà Hoàng Thị Tòng về nước. Khi đến Huế gặp Võ Bá Hạp thì được biết Tăng Bạt Hổ qua đời, bà đứng ra lo liệu đám tang cụ Tư Mã tại vườn Cây Trúc, làng An Hòa, huyện Hương Trà, sau đó trở về Quảng Nam.

Tháng 6-1907, bà Hoàng Thị Tòng ra Quảng Trị rồi vào Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận để cổ động cải cách Duy Tân và vận động quyên tiền cho hội, rồi tiếp xúc với Đặng Nguyên Cẩn, Phan Châu Trinh. Hai cụ hỏi thăm về Tăng Bạt Hổ rồi gửi bài điếu cho Hoàng Thị Tòng. Đầu năm 1908, tuy bất đồng ý kiến với các nhà yêu nước về tổ chức phong trào chống sưu thuế, nhưng khi phong trào nổ ra vào tháng 2-1908, do cả gia đình bà tham gia nên bà cũng bị liên can và bị bắt giam ở tỉnh. Bà ung dung nói “Chúng ta ở tù có khổ chi, chỉ lúc này dân tộc Việt Nam mới khổ”.

Lời bàn:

Trên thế giới không có một đất nước nào mà lịch sử dân tộc đã phải dành đến một phần ba thời gian cho 24 cuộc chiến tranh giữ nước và hàng trăm cuộc khởi nghĩa để giành độc lập như Việt Nam. Vì thế, hình ảnh nổi bật về phụ nữ Việt Nam từ mấy ngàn năm nay là người nữ sĩ đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Mở đầu truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” là 2 vị nữ anh hùng dân tộc: Bà Trưng Trắc và em bà là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán giành lại quyền tự chủ cho đất nước.

Ở thời Trần, thời Lê, thời Tây Sơn, thời nhà Nguyễn, đặc biệt là trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có biết bao thế hệ phụ nữ Việt Nam trực tiếp đánh giặc theo nhiều cách. Người phụ nữ Việt Nam không những chỉ xuất hiện khi vận nước lâm nguy mà ngay cả trong đấu tranh dưới mọi hình thức chống áp bức bất công. Sự phản kháng chế độ phong kiến, lễ giáo Khổng Mạnh khi âm thầm, lúc quyết liệt diễn ra suốt hàng ngàn năm. Bà Hoàng Thị Tòng - một liệt nữ hiếm hoi trong phong trào Đông Du là một minh chứng. Và điều đáng trân trọng, tự hào là truyền thống quý báu ấy đã, đang được phát huy cao độ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

baobinhphuoc.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video