Nữ phóng viên duy nhất của châu Mỹ La tinh đến miền Nam chiến đấu

17/05/2006
Năm 1959, khi cuộc cách mạng Cuba dưới sự chỉ huy của Fidel Castro lật đổ chế độ độc tài Batista thành công, Marta Rojas vừa tốt nghiệp đại học báo chí và được nhận vào làm phóng viên tại toà soạn báo Cách mạng của Đảng Cộng sản Cuba.

Năm 1964, giữa lúc cuộc chiến tranh của Mỹ bắt đầu leo thang ác liệt, Marta đã chủ động tìm tới đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại La Habana để xin tới Việt Nam. Mấy ngày sau, đích thân Fidel Castro gọi Marta lên và giao nhiệm vụ: “Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã sẵn sàng đón tiếp, hãy lên đường đi ngay!”

 

Cùng đi sang Việt Nam chuyến đó với Marta Rojas còn có một nhà báo nam là Raul Valdes Vivo, phóng viên của báo Ngày nay (cũng thuộc Đảng Cộng sản Cuba, sau này sát nhập với báo Cách Mạng thành một báo Gramma). Marta Rojas và Raul Valdes Vivo tới Việt Nam qua đường Campuchia, rồi luồn rừng vào Tây Ninh. Ngay trong 6 tháng đầu tiên sống cùng các chiến sĩ quân giải phóng miền Nam, Marta đã viết và liên tục gửi về nước hàng loạt bài báo và cả bản thảo một cuốn sách. Nhờ những bài báo và cuốn sách được xuất bản sau đó với cái tên Miền Nam Việt Nam – Vũ khí chiến lược là nhân dân, cũng như cuốn sách thứ hai của bà viết về Việt Nam – Quang cảnh Việt Nam, cùng những bài báo của phóng viên Raul Valdes Vivo, lần đầu tiên nhân dân Cuba và cả châu Mỹ La tinh đã biết được những chi tiết sống động và chân thực của cuộc chiến đấu kiên cường, mưu trí và dũng cảm của nhân dân Việt Nam.

 

Suốt giai đoạn từ 1965 – 1975, cứ đều đặn mỗi năm 2 tháng Marta Rojas lại có mặt tại chiến trường miền Nam Việt Nam để viết bài và đưa tin. Nhà báo nữ duy nhất của Mỹ La tinh đã đồng cam cộng khổ với nhân dân và các chiến sĩ quân giải phóng miền Nam trong khói bom lửa đạn. Có lần Marta đã theo quân giải phóng đến sát thành phố Sài Gòn, chỉ cách 15 – 20 cây số. Sau này, trả lời câu hỏi của một nhà báo Việt Nam: “Là một phụ nữ nước ngoài, lăn lội sang Việt Nam đầy bom đạn như vậy, bà không sợ sao? Động lực nào đã đưa bà tới Việt Nam?”, Marta Rojas nói ngay: “Người phụ nữ Việt Nam nhỏ bé, gian khổ như vậy mà vẫn kiên cường. Điều đó làm tôi vô cùng xúc động và đã giúp tôi vượt qua mọi khó khăn”.

 

Bấy giờ Marta Rojas từng sợ ếch nhái, sợ đỉa, sợ vắt, sợ hơn cả máy bay ném bom của Mỹ. Những chứng kiến cảnh các chiến sĩ trẻ quân giải phóng, trong đó có rất nhiều cô gái bị đỉa, bị vắt cắn, đều rất thản nhiên bứt ra, thậm chí còn không giết chúng, mà để lại trên lá, rồi giải thích một cách hài hước: “Đấy cũng là vũ khí thiên nhiên để chống lại giặc Mỹ”, nữ phóng viên Cuba dần yên tâm, càng thông cảm và hoà mình vào cuộc chiến đấu gian khổ của nhân dân ta.

 

Sống trong lòng nhân dân Việt Nam, Marta Rojas phát hiện ra những chi tiết dù nhỏ nhặt vẫn để lại ấn tượng mãi không phai nhoà: “Một lần khác, chúng tôi nấp ở ven rừng cùng quân giải phóng, nhìn ra đường thấy hai bà cụ cứ thỉnh thoảng lại nhặt một cái gì đó cho vào chiếc túi nhỏ. Tôi thấy lạ bèn hỏi các chiến sĩ đi cùng mới biết, lát nữa sẽ có một chiến sĩ nhận chiếc túi để biết đã có bao nhiêu lính Mỹ, nguỵ đi qua đường này trong ngày. Vì hai bà cụ không biết chữ nên phải bỏ vào túi vật làm dấu hiệu để sau đếm lại. Có chứng kiến tận nơi tôi mới thực sự hiểu sức mạnh chiến đấu toàn dân của người Việt nam. Chính vì vậy tôi đã hiểu vì sao Bác Hồ lại tin tưởng vào nhân dân của mình, vào thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân đến thế”.

 

Trong các cuộc chuyện trò về Việt Nam, bà Marta Rojas không bao giờ quên nhắc đến kỷ niệm sâu nặng nhất của mình trong suốt 40 năm gắn bó với Việt Nam – kỷ niệm về lần được phỏng vấn Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ 2 tháng trước khi Người qua đời. “Tôi không bao giờ quên lần gặp Bác Hồ vào cuối tháng 7 năm 1969. Khi đó, tôi là nhà báo nước ngoài đề nghị được gặp Bác để phỏng vấn. Bác tiếp tôi tại ngôi nhà nhỏ gần Phủ Chủ tịch.

 

“Đến giờ tôi vẫn giữ nguyên trong trái tim mình, nhớ như in từng chi tiết, không thể nào quên được… Bảy giờ sáng, Bác Hồ mặc một bộ quần áo màu sáng giản dị đi ra tận cửa đón tôi. Một điều hết sức bất ngờ là Bác đã chủ động chào tôi trước bằng tiếng Tây Ban Nha rất chuẩn, sau đó Người vui vẻ hỏi thăm sức khoẻ của tôi, hỏi thăm sức khoẻ của Fidel cũng bằng tiếng Tây Ban Nha. ấn tượng đầu tiên trong lần gặp Bác, đó là con người vĩ đại, song hết sức giản dị và lịch thiệp. Hôm ấy, Người đi một đôi dép quai hậu không tất. Tôi có cảm nhận Người như một nhà hiền triết, một nhà cách mạng chân chính ham hiểu biết. Tôi đến với mục đích để phỏng vấn Bác, nhưng rốt cục Bác lại là người chủ động “phỏng vấn” tôi trước. Người nói: “Nào, chúng ta hãy cùng nhau trò chuyện”. Bác hỏi về cảm nhận của tôi khi chứng kiến trực tiếp cuộc sống và chiến đấu của bộ đội ra sao, rồi hỏi về tình hình dân chúng tại những nơi tôi đã đi qua kể từ sau chuyến đi đầu tiên vào năm 1965, nhất là thời gian ở Tây Ninh. Người đã dành trọn một buổi chuyện trò với tôi và phần lớn thời gian là Người hỏi tôi”.

 

Tôi hỏi Người: “Dựa vào đâu mà Chủ tịch hoàn toàn tin tưởng vào thắng lợi trước một kẻ thù hùng mạnh về kỹ thuật, đang ra sức tàn phá làng mạc Việt Nam bằng bom đạn suốt ngày đêm như vậy?”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Tôi tin vào sức mạnh và sự vĩ đại của nhân dân Việt Nam cùng sự đoàn kết ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới, trong đó có nhân dân Cuba anh em. Mỗi khi nhân dân Cuba từ bên kia bán cầu tổ chức những cuộc mít tinh, biểu tình thể hiện tình đoàn kết với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, điều đó đã động viên chúng tôi rất nhiều, và nhất là những lời phát biểu của Chủ tịch Fidel Castro làm chúng tôi vô cùng cảm kích. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi sẽ còn gặp nhiều khó khăn và gian khổ, nhưng nhất định chúng tôi sẽ giành được thắng lợi”.

 

Nữ nhà vào Cuba Marta Rojas tin vào lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi như lời bà từng kết thúc câu chuyện về hồi ức cuộc gặp với Người: “Bất cứ lúc nào, nơi nào tôi cũng thấy nhân dân Việt Nam rất lạc quan, vẫn nhảy múa ca hát, mặc cho bom rơi đạn nổ, vẫn trồng lúa, gặt hái bình thường trên mảnh đất có nền văn hiến hàng nghìn năm của mình và cuối cùng họ đã chiến thắng”.

 

Trên cương vị là Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Cuba – Việt Nam, bà Marta Rojas vẫn dành thời gian và công sức viết về Việt Nam, một Việt Nam đang đổi mới đi lên. Cùng với nhiều sáng kiến hoạt động xã hội, bà đã và đang tích cực đẩy mạnh và tiếp tục cống hiến sức mình cho việc thắt chặt mối quan hệ hữu nghị và tình đoàn kết anh em giữa nhân dân Cuba và Việt Nam.

 

 

 

 


 

Theo Thuý Toàn - Tạp chí Hữu Nghị

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video