Nữ tiến sĩ Việt đầu tiên nhận bằng sáng chế Mỹ

03/09/2020
Bỏ ngoài tai quan điểm “nữ không phù hợp với ngành kỹ thuật”, cô gái trẻ quyết tâm theo đuổi đam mê về trí tuệ nhân tạo và vinh dự trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên ở Việt Nam nhận bằng sáng chế của Mỹ.
Tiến sĩ Thùy Vân thời điểm nhận bằng sáng chế Mỹ.

Không chỉ vậy, chị còn là người đi đầu trong việc tìm kiếm đối tác thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu và là giáo viên tận tâm, tận lực truyền cảm hứng về trí tuệ nhân tạo cho những bạn trẻ. Chị là Tiến sĩ Dương Thị Thùy Vân - Giám đốc Trung tâm CNTT Ứng dụng, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM. 

Lén gia đình học công nghệ thông tin

Trước đây, khi ngành kỹ thuật chưa phát triển, người ta thường hay có quan điểm: “Ngành kỹ thuật chỉ phù hợp với nam, nữ học ngành này không phù hợp, không đủ sức khỏe, khó tìm được việc làm…”. Vậy mà cô gái trẻ Thùy Vân đã bỏ ngoài tai mọi lời khuyên, lời góp ý để theo đuổi ngành công nghệ thông tin tại Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông TP.HCM.

Thời điểm đó chị còn 3 lựa chọn nữa là 3 ngành nghề do 3 ngôi trường đại học danh tiếng khác thuộc khu vực phía Nam tuyển thẳng vì chị có thành tích học tập xuất sắc. Quyết định của chị đã khiến người thân ngăn cản kịch liệt vì sợ con gái cực khổ, không tìm được việc làm ổn định sau khi ra trường.

Nhưng những điều đó không ngăn cản được bước chân của chị vì đam mê của chị dành cho công nghệ thông tin quá lớn. “Trong lúc chờ gia đình chấp nhận, tôi đã chọn học ngành sư phạm toán nhưng đồng thời vẫn đi học lén ngành công nghệ thông tin. Phải mất một thời gian tôi mới thuyết phục được gia đình và chính thức theo đuổi ngành học mà mình thích” - Tiến sĩ Thùy Vân nhớ lại.

Tiến sĩ Thùy Vân (thứ nhất, từ trái sang) cùng một nhóm nghiên cứu về nông nghiệp thông minh.

Theo chị, ngành kỹ thuật là ngành nghề khá vất vả, thường phải làm việc tập trung nhiều giờ liên tục, thậm chí làm xuyên đêm. So với nam giới, phụ nữ vẫn có những hạn chế khi theo đuổi lĩnh vực này như: sức khỏe, khi lập gia đình thì bị chi phối bởi con cái, công việc nội trợ... Chính vì vậy mà khi tuyển dụng ngành kỹ thuật, nhà tuyển dụng cũng e dè, sợ hiệu quả làm việc của nữ không bằng nam. Nhưng cũng có những đặc điểm mà phụ nữ hơn nam giới đó là tính tỉ mỉ, cần cù, cẩn thận và khả năng chịu đựng áp lực cao. 

“Lúc đó, tôi cũng suy nghĩ dữ lắm. Không biết liệu mình có được các nhà tuyển dụng chấp nhận và phát triển được nghề nghiệp hay không… Sau nhiều băn khoăn, trăn trở, cuối cùng, tôi vẫn quyết định lựa chọn và bắt đầu một hành trình đầy chông gai, thử thách”, nữ tiến sĩ nhớ lại.

Nữ tiến sĩ Việt đầu tiên nhận bằng sáng chế Mỹ

Trong suốt những năm học đại học, chị dành hết thời gian cho việc học tập và nghiên cứu để chứng minh khả năng của mình với hy vọng làm thay đổi quan điểm của xã hội. Có những đêm chị thức trắng cho những thuật toán đang dở dang. “Không phải đêm nào mình cũng thức nhưng nếu bài toán chưa được giải quyết xong thì mình không thể nào đi ngủ được” - Tiến sĩ Thùy Vân bộc bạch.

Tốt nghiệp đại học, Thùy Vân xin ứng tuyển vào Trường ĐH Tôn Đức Thắng để làm việc và tiện cho việc học lên cao. 

Tiến sĩ Thùy Vân cùng các cộng sự và sinh viên trong một công trình nghiên cứu.

Năm 2008, lần đầu tiên chị vinh dự được tham dự và báo cáo dạng long paper, hoàn toàn bằng tiếng Anh với chủ đề về web ngữ nghĩa, tại hội thảo khoa học quốc tế RIVF (một trong những hội thảo khoa học quốc tế uy tín nhất của lĩnh vực CNTT lúc bấy giờ). Đây là kết quả luận văn thạc sĩ của chị được bảo vệ tại trường Đại học Bách Khoa TP.HCM. Sau hội thảo khoa học đó, chị tiếp tục trau dồi kiến thức, thực hiện nhiều công trình nghiên cứu và công bố trên nhiều Tạp chí quốc tế, Hội thảo khoa học quốc tế uy tín và hoàn thành chương trình tiến sĩ.

Chuyên ngành mà chị theo đuổi là các giải pháp về phần mềm, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo. Khi bảo vệ luận án tiến sĩ, chị đã có 8 bài báo quốc tế trên các tạp chí ISI và Scopus, một kết quả ít ai ngờ tới đối với nữ nghiên cứu sinh trong ngành CNTT tại Việt Nam.

Năm 2016, chị trở thành nữ tiến sĩ đầu tiên tại Việt Nam được cấp bằng sáng chế Mỹ cho đề tài “Hệ thống lạnh thông minh”. Hệ thống này rất hữu ích trong điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với từng người trong cùng một phòng vì khả năng chịu nhiệt của mỗi người khác nhau. 

Đề tài này cũng hữu ích khi nuôi trồng các loại nông sản trong cùng một hệ thống nhà thông minh vì mỗi loại cây cũng cần một điều kiện nhiệt độ, môi trường và chế độ dinh dưỡng khác nhau. Thành công đó đã giúp chị chứng minh cho gia đình và những người xung quanh thấy được con đường đi đúng đắn của mình, nhất là những những người có định kiến với nữ khi học ngành kỹ thuật. 

Đưa Robot khử khuẩn “xuất ngoại”

Là Giám đốc Trung tâm CNTT Ứng dụng, chị luôn là người chủ động để kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài nước tìm đường thương mại hóa sản phẩm của mình và các đồng nghiệp. 

Nữ tiến sĩ cho biết, để đưa sản phẩm từ giai đoạn nghiên cứu ra sản phẩm demo là công đoạn không hề dễ dàng. Từ sản phẩm demo, muốn trở thành sản phẩm đưa vào ứng dụng thực tế nhất định phải trải qua quá trình thử nghiệm và đánh giá.

“Có những sản phẩm thử nghiệm vài tiếng đồng hồ thì không có vấn đề nhưng khi đưa ra thực tế vận hành liên tục thì phát sinh lỗi kỹ thuật. Vì vậy quá trình thử nghiệm sẽ giúp mình đánh giá lại sản phẩm và cải tiến sản phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và chuyển giao” - Tiến sĩ Thùy Vân chia sẻ.

Dù đang làm công tác quản lý những Tiến sĩ Thùy Vân vẫn xuống xưởng robot để làm việc, cùng các cộng sự thực hiện Robot Viroban xuất đi Úc.

Cũng theo nữ tiến sĩ này, công đoạn đưa sản phẩm đi thử nghiệm còn giúp phát hiện thêm nhiều tính năng tích cực khác từ sản phẩm mà mình nghiên cứu, từ đó có thể nâng cấp, cải tiến sản phẩm tối ưu hơn nữa.

Mới đây, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Thùy Vân đã sáng chế thành công 2 robot diệt khuẩn, giảm phần nào áp lực cho đội ngũ y bác sĩ tại các bệnh viện, khu cách ly. Ngay sau khi sản phẩm hoàn thành, nhóm nghiên cứu của chị đã đưa xuống khu cách ly của ĐHQG TP.HCM để vận hành. 

Từ hai robot này, nhóm nghiên cứu đã phát triển robot Viroban với nhiều đặc điểm ưu việt hơn. Viroban gồm 2 bộ phận: Bộ phận có chức năng phun sát khuẩn và bộ phận vận chuyển. Robot Viroban có thể xoay 360 độ, kích thước hạt phun sương nhỏ, tốc độ phun nhanh, phủ đều. Về phần xe điều khiển robot cũng được cải tiến thêm một số tính năng để tăng độ linh hoạt khi di chuyển, độ ổn định các bo mạch được đảm bảo để không bị ảnh hưởng khi vận chuyển đi xa. 

“Về pin sử dụng nguồn pin phổ biến để người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm mua trên thị trường.” - Tiến sĩ Thùy Vân nói thêm.

Tiến sĩ Thùy Vân (thứ 5, từ phải sang) cùng các cộng sự ra mắt 2 robot khử khuẩn trước đó.

Nhờ các kênh thông tin truyền thông về Robot, mới đây một công ty tại Úc đã đặt hàng nhóm nghiên cứu của chị thực hiện robot Viroban hỗ trợ công tác khử khuẩn ở các trường học, bệnh viện, công ty, khu thương mại, … 

Với chị, những gì mình được học thì không dừng lại ở kiến thức mà phải biến thành sản phẩm. Cho nên đi tới đâu chị cũng quan sát, cũng trăn trở xem ở chỗ này mình có thể làm được cái gì, có thể đưa ra giải pháp nào tốt hơn không. 

Hiện ngoài công việc nghiên cứu, giảng dạy ở trường, Tiến sĩ Thùy Vân còn được mời về các tỉnh thành khu vực phía Nam để truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo đến với những công chức, viên chức trẻ, giúp họ tiếp cận với cuộc cách mạng 4.0.

Tiến sĩ Thùy Vân và Robot Viroban.

“Để có được như ngày hôm nay là một quá trình nỗ lực không ngừng nghĩ. Bên cạnh đó, tôi cũng cảm ơn gia đình đã hiểu, đã hỗ trợ để tôi toàn tâm toàn ý với công việc và gặt hái được thành quả, chứng minh rằng mình đã chọn được hướng đi đúng đắn. Các bạn trẻ bây giờ hãy sống với chính mình. Nếu mình đã đam mê, yêu thích ngành nghề nào đó hãy lựa chọn đừng vì định kiến ngành nghề mà từ bỏ đam mê, ước mơ của mình” - Tiến sĩ Thùy Vân gửi gắm.

khampha

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video