Nuôi hải sâm - Nguồn lợi mới ở Khánh Hòa

03/12/2005
"Đợt rồi, tôi thu họach được 1,5 tấn hải sâm và thu được khoảng 30 triệu đồng. Trừ chi phí còn lời được 18 triệu đồng…" anh Huỳnh Ngọc Hải, một chủ đìa ở Cam Ranh cho biết.

Anh Hải là một trong bốn chủ đìa nuôi hải sâm thí điểm theo dự án quốc tế giữa Viện nghiên cứu thuỷ sản III và tổ chức ICLARM về sinh sản nhân tạo và nuôi hải sâm cát...

 

Hải sâm do anh Hải thả từ đầu năm 2004, sau hơn một năm nuôi, trọng lượng thương phẩm thu hoạch đạt 3 con/kg tươi. “Đó... Cái đìa tôi đầu tư khoảng 80 triệu đồng, định nuôi hải sâm bằng môi trường biển tự nhiên. Nuôi trong tự nhiên, hải sâm mau lớn lắm…anh Hải kể.

 

Vùng biển miền trung, dọc từ Bình Định đến Ninh Thuận, Bình Thuận, đặc biệt là vùng biển Khánh Hòa, là môi trường nuôi hải sâm rất tốt vì nằm trong vịnh kín, ít có biến động lớn và có độ mặn cao, thích hợp để nuôi hải sâm.

 

Anh Nguyễn Đình Quang Duy, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III:"Gây nuôi hải sâm vừa phục vụ mục đích bảo tồn, vừa đem lại giá trị kinh tế". Theo anh Duy, Việt Nam là một trong những quốc gia độc tôn về loại hải sâm quý giá này. Hải sâm cát được tìm thấy ở vùng cửa sông hay vịnh có đáy cát, có độ sâu từ 2 – 2,5m hoặc hơn, thường dễ tìm thấy chúng sống dạng quần đàn nên dễ bị khai thác quá mức. Có thể nói rằng ở một số nơi trước đây hải sâm sinh trưởng rất nhiều nhưng nay chỉ còn lại một số ít, đặc biệt là vùng biến Khánh Hòa. Do đó, việc nghiên cứu nuôi hải sâm không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề bảo tồn.

 

Hải sâm là loài sinh vật tầng đáy, ăn các loại chất thải; chỉ sợ nóng đáy chứ càng bẩn đáy, hải sâm càng mau lớn. Sức sống của hải sâm rất cao. Khi di chuyển, hải sâm bị đứt bụng, đổ ruột, nhưng vẫn sống... theo kinh nghiệm của anh Lê Quốc Dũng, một người thu mua hải sâm ở Cam Ranh, Nha Trang. Nuôi hải sâm khó nhất là giai đoạn ra giống ban đầu. Thời gian ra giống rất dài, 3 –4 tháng với tỷ lệ ra giống là 1/100.

 

Ao nuôi càng nhiều dinh dưỡng thì hải sâm càng mau lớn. Thời gian nuôi thường là từ 8 – 10 tháng. Thoạt nhìn thì rất dài, nhưng chỉ bằng một nửa nuôi tôm hùm. Hải sâm cát là đối tượng nuôi rất hiền, với tỷ lệ thu hoạch gần như 100%. Do tập tính sống đáy, sử dụng mùn bã hữu cơ và vi sinh vật làm thức ăn nên hải sâm được coi là một trong những đối tượng có khả năng làm thay đổi khu hệ sinh vật đáy.

 

Giá thu mua hải sâm từ năm 2002 đến nay ổn định ở mức khoảng trên 40USD/kg khô. Thu hoạch được thương phẩm bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu. Hiện nay, nhu cầu thị trường trong nước còn chưa đáp ứng nổi, trong khi thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Hong Kong, Đài Loan, Singapore… cũng đang rất cần loại hải sâm cát này.

 

TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III cho biết, có thể nuôi ghép hải sâm với tôm hoặc ốc hương để làm cân bằng môi trường sinh thái và cải thiện môi trường, nhờ các đặc tính dinh dưỡng khác nhau. Trong ao nuôi tôm, đặc biệt là ao nuôi tôm công nghiệp dạng thâm canh, bán thâm canh, lượng mùn bã hữu cơ tồn đọng dưới đáy ao rất lớn do sự phân huỷ của thức ăn, chất thải của tôm nuôi và sự lắng đọng của tảo. Lớp mùn bã và vi sinh vật trên nếu được hải sâm sử dụng sẽ là nguồn thức ăn phong phú để chúng sinh trưởng và phát triển.

 

Hải sâm góp phần làm tăng trưởng tốc độ sinh trưởng của tôm nuôi. Trong giới hạn mật độ từ 90 - 180g/m2, mật độ hải sâm càng cao thì sinh trưởng của tôm càng nhanh. Đây là mô hình nuôi kinh tế rất đạt hiệu quả. Anh Dũng cho biết có lần anh thu mua đươc những con hải sâm đạt 800g/con tươi. Hỏi ra, mới biết người nuôi kết hợp nuôi hải sâm với ốc hương, theo mô hình thử nghiệm của dự án “Sinh sản nhân tạo và nuôi hải sâm cát”.

 

Tuy đây mới là thử nghiệm, nhưng tương lai, mô hinh nuôi ghép sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đồng thời, hải sâm có thể thay thế hoàn hảo các chế phẩm sinh học trong xử lý ao (bể) nuôi thủy sản. Như vậy, kết quả chữa bệnh cho tôm, cá chẽm hoặc ốc hương sẽ đạt được hiệu quả tối đa.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video