Nuôi trồng thủy sản - một hướng làm giàu cho nông dân

07/01/2006
Bãi Cồn Trường, xã Hoằng Châu (Hoằng Hóa) mới dạo nào còn “chìm” trong hoang hóa giờ đây trở thành đồng nuôi trồng thủy sản mênh mông.

Những người nông dân quê biển dám nghĩ, dám làm, trong số họ nhiều người nay đã trở thành “ông chủ” có mức thu nhập từ hàng chục triệu đến hàng trăm triệu đồng một năm...

 

Hiệu quả bước đầu của việc quy hoạch khu đầm nuôi tôm ở phía ngoài đê biển rộng hơn 100 ha giữa những năm 90 đã tạo đà để Hoằng Châu tiếp tục đầu tư cải tạo, xây dựng diện tích đồng nuôi đủ tiêu chuẩn để nuôi thủy sản quảng canh cải tiến, coi đó là mũi nhọn phát triển kinh tế chính của xã. Hàng loạt các chính sách khuyến khích như tập huấn về kỹ thuật nuôi, chọn con giống, cách phòng, chữa một số bệnh thông thường cho tôm, cua, tổ chức đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở các tỉnh bạn...khiến những hộ nuôi trồng thủy sản càng thêm nỗ lực trong sản xuất. Để mang lại hiệu quả kinh tế, người dân trong vùng đã thực hiện nuôi trồng thủy sản kết hợp như nuôi tôm sú, tôm rảo, cua, rau câu. Thường thì tháng 9, bà con nuôi tôm rảo tự nhiên và cua, tháng 2 năm sau thì thu hoạch, kế đó thả tôm sú đến đầu tháng 7 là đã “thu tiền”. Gia đình anh Lê Ngọc Huệ nuôi 5,6 ha; gia đình anh Ngô Văn Cường nuôi 5 ha... lợi nhuận hàng năm đạt trên 100 triệu đồng. Nghề nuôi trồng thủy sản không chỉ nâng cao thu nhập cho các gia đình mà còn tạo việc làm cho một bộ phận bà con nông dân  trong xã.

 

Ở Thanh Hóa, thủy sản là mặt hàng chủ lực và có giá trị cao trong xuất khẩu, chiếm gần 30% trong tổng giá trị xuất khẩu của tỉnh. Hiện nay, nuôi trồng thủy sản đã phát triển cả về số lượng và chất lượng với tổng diện tích 16.200 ha, chủ yếu là con nuôi nước lợ và tập trung vào nuôi tôm sú vùng triều. Đi qua các vùng nuôi tôm công nghiệp ở Nga Tân (Nga Sơn), Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), Thanh Thủy (Tĩnh Gia), Quảng Lưu (Quảng Xương)... vào mùa thu hoạch rộ nghe nhiều nông dân râm ran bàn chuyện sắm sửa khi đã trừ các khoản chi phí mà thấy vui vui. Con tôm sú không rớt giá như nhiều người lầm tưởng mà đang gần với giá trị đích thực của nó. Thời gian gần đây, con nuôi nước ngọt đã bắt đầu chuyển đổi từ đối tượng truyền thống sang các đối tượng có giá trị xuất khẩu như tôm càng xanh, cá rô phi đơn tính, cá chim trắng. Các mô hình thâm canh tôm càng xanh, cá- lúa kết hợp đang mang lại hiệu quả rõ rệt. Dự án cá- lúa ở Hòa Lộc (Hậu Lộc) có diện tích gần 30 ha, vốn đầu tư gần 2,5 tỷ đồng. Để thực hiện dự án, xã đã đầu tư bằng nguồn ngân sách hàng chục triệu đồng đào đắp toàn bộ hệ thống mương tiêu, bờ vùng, chỉ trong thời gian ngắn đã hình thành các ao nuôi cho các hộ. Theo tính toán, nuôi cá+kết hợp trồng lúa cho giá trị trên 50 triệu đồng/ha/năm, nhờ “công thức” sản xuất này mà đời sống của nhiều gia đình ngày một khấm khá. Và, xã cũng coi đây là một giải pháp hữu hiệu để làm tăng giá trị trên một đơn vị diện tích và thu nhập bình quân đầu người.

 

Có thể nói, với chiều dài  102 km bờ biển và 6 cửa lạch của tỉnh ta là vùng hiện nay đang có nhiều tiềm năng, nếu đầu tư khai thác tốt sẽ mang lại giá trị kinh tế cao và tham gia xuất khẩu chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế của tỉnh. Năm 2005, sản lượng thủy sản ước đạt 72.333 tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ; giá trị sản xuất thủy sản ước đạt 661 tỷ đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ. Nghề nuôi trồng thủy sản ở các vùng quê biển đã có bước phát triển mới, sản lượng nuôi trồng năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên ở một số nơi vẫn chưa phát triển vững chắc do người nuôi trồng chưa tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật, vẫn nặng về áp dụng kinh nghiệm truyền thống. Bên cạnh đó, do lũ lụt tràn vào đồng nuôi dẫn đến ô nhiễm môi trường, việc xử lý đồng nuôi lại không triệt để dẫn đến dịch bệnh phát sinh cũng đang là một trong những lo âu, trăn trở của người dân hiện nay...

 

Để khai thác tốt kinh tế biển, cần phải tập trung đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản mặn, lợ mà mũi nhọn là nuôi tôm xuất khẩu với phương pháp nuôi bán thâm canh, thâm canh ở diện tích lớn trong cả 2 vụ: xuân hè và hè thu. Ngoài việc xúc tiến công tác quy hoạch, hướng dẫn lập các dự án nuôi trồng thủy sản, chuyển diện tích đang trồng lúa có năng suất thấp, bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản, tỉnh cần có chính sách đầu tư theo kiểu kích cầu, nhất là đối với các công trình thuộc kết cấu hạ tầng, quan tâm hơn nữa đến việc chuyển giao KHKT để nâng cao “tay nghề” cho nông dân... Có như vậy, nghề nuôi trồng thủy sản mới thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân.

Hà Thư

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video