Phòng, chống HIV/AIDS ở Bà Rịa - Vũng Tàu: Còn “vắng” sự nhập cuộc của người có “H”

30/12/2010
Tính đến ngày 30/10/2010 lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là 4.174 người; 1.713 trường hợp đã chuyển sang giai đoạn AIDS và 1.074 bệnh nhân đã tử vong do AIDS. Tuy nhiên đây chỉ là con số phát hiện được thông qua xét nghiệm.

Luôn nằm trong “top ten” của cả nước

Ngày 17/6/1993, Bà Rịa - Vũng Tàu phát hiện ra ca nhiễm HIV đầu tiên tại huyện Tân Thành và huyện cuối cùng phát hiện ra người nhiễm HIV là Côn Đảo (tháng 6/2007). Như vậy đến nay, HIV/AIDS đã “phủ sóng” 100% các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh và thành phố Vũng Tàu là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất với số người nhiễm chiếm 47,81% số người nhiễm trong toàn tỉnh.

Điều đáng lưu ý là từ khi phát hiện ra HIV đến nay Bà Rịa - Vũng Tàu luôn đứng ở vị trí “top ten” về tỷ lệ nhiễm HIV/100.000 dân (trước năm 2006 luôn đứng thứ 3, năm 2007-2008 đứng vị trí thứ 6 và đến 9/2010 lùi về vị trí thứ 8), là 1 trong 10 tỉnh có dịch bùng phát mạnh nhất của cả nước.

Số người nhiễm HIV đang ngày càng trẻ hóa: 86,28% ở lứa tuổi 20-39, có gần 5% ở lứa tuổi 14-19 tuổi. HIV đã lan rộng ra cộng đồng, len lỏi vào trong cả nhóm người được xem là “ít nguy cơ” như phụ nữ có thai, thanh niên khám tuyển nghĩa vụ quân sự, người tham gia hiến máu… Bác sĩ Bùi Minh Kha, giám đốc Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết: Nguyên nhân gây nhiễm HIV ở đây chủ yếu vẫn là do tiêm chích ma tùy dùng chung bơm kim tiêm và quan hệ tình dục khác giới không an toàn.

Và những nỗ lực…

Trước thực trạng đó tỉnh đã kiện toàn và duy trì hoạt động của Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDScác cấp; Xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai và giám sát các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS qui mô toàn tỉnh trên cơ sở điều kiện về nguồn lực, nhu cầu thực tế cho các hoạt động như thông tin, giáo dục, truyền thông; Can thiệp giảm tác hại; Giám sát HIV/AIDS; Tư vấn xét nghiệm tự nguyện; Điều trị ARV… Bác sĩ Kha chia sẻ: Hiện chương trình trao đổi bơm kim tiêm sạch và chương trình 100% bao cao su đã được triển khai ở những “điểm nóng” có nhiều người nghiện chích ma túy, mại dâm thông qua đội ngũ tuyên truyền viên đồng đẳng. Bên cạnh việc phát triển mạng lưới chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS còn duy trì và phát triển hệ thống tư vấn xét nghiệm của dự án Life-Gap, chương trình mục tiêu quốc gia tại các bệnh viện, trung tâm y tế huyện, thành thị, tạo điều kiện tăng cường khả năng tiếp cận cho người nhiễm HIV, người nghiện chích ma túy, gái mại dâm… với các dịch vụ y tế.

Về điều trị ARV, nếu như trước năm 2008 nguồn thuốc ở đây rất hạn hẹp, chỉ với 30 liều ARV/năm (của chương trình mục tiêu quốc gia) nên nhiều người có nhu cầu điều trị mà không có thuốc thì đến nay tất cả bệnh nhân có yêu cầu, đủ tiêu chuẩn đều được đưa vào chương trình điều trị ARV. Ngoài việc được sử dụng thuốc miễn phí, bệnh nhân còn được hỗ trợ miễn phí về xét nghiệm (kể cả xét nghiệm tế bào CD4). Trẻ em được hỗ trợ sữa thay thế sữa mẹ đến 18 tháng tuổi. Đây cũng là tỉnh đầu tiên đưa ARV vào điều trị tại Trung tâm Giáo dục Lao động và Dạy nghề (Sở Lao động Thương binh và xã hội) tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý và giảm chi phí đi lại cho học viên.

Có thể nói nhờ các hoạt động trên mà giảm tỷ lệ người nhiễm HIV trong nhóm có hành vi nguy cơ cao, kéo dài và nâng cao chất lượng sống cho người nhiễm HIV/AIDS.

Kỳ thị - rào cản khiến người nhiễm HIV chưa nhập cuộc

Có một thực trạng khi chúng tôi tiếp xúc với người nhiễm HIV ở đây thì hầu như lúc đầu họ rất rụt rè và không cởi mở. Đến khi họ có thể bộc bạch thì điều kiện đầu tiên lại là không đưa tên và hình ảnh lên báo chí vì sợ người quen trông thấy. “Em phát hiện mình nhiễm HIV trong lúc mang thai. Khi phát hiện ra e suy sụp và tự kỳ thị mình không tiếp xúc với ai. Cả ngày giam mình trong phòng. Đến khi vượt qua sự kỳ thị của bản thân thì lại bị sự kỳ thị của cộng đồng”. - H. ở thành phố Vũng Tàu tâm sự. Còn Trần Thị Kim P. (cũng ở thành phố Vũng Tàu) bị nhiễm HIV đến nay gần 3 năm nhưng cô vẫn giấu mọi người (kể cả người thân).

Bác sĩ Lý Thị Tuyết Mai, phụ trách chương trình lây truyền mẹ con (Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh) chia sẻ: vì sợ kỳ thị nên nhiều sản phụ nhiễm HIV khi đi khám thai và sinh nở đã không khai tên, địa chỉ thật nên có trường hợp bị mất dấu. Những trường hợp như vậy sẽ rất thiệt thòi vì không được theo dõi, chăm sóc và điều trị về y tế cho cả mẹ và con, không nhận được sự hỗ trợ từ cộng đồng. BS Kha cho biết thêm: hiện có rất nhiều người nhiễm HIV/AIDS mong muốn được điều trị nhưng lại không dám tiết lộ thân phận.

Như vậy, sự kỳ thị không chỉ làm cho người nhiễm HIV/AIDS tự loại mình ra khỏi các cơ hội mà điều nguy hiểm hơn còn làm lây lan HIV trong cộng đồng. Từ sự e ngại, không dám công khai danh tính, khiến cho người nhiễm HIV/AIDS ở đây chưa dám liên kết với nhau trở thành các câu lạc bộ, các nhóm tự lực và chưa thực sự trở thành một lực lượng trong phòng, chống HIV/AIDS.

Theo Báo Sức khỏe và đời sống, số 207 ra ngày 28/12/2010 (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video