Phòng, chống mua bán người vẫn là thách thức

09/10/2011
Tội phạm mua bán người (MBN) ngày càng nóng bỏng, nhức nhối mà mỗi quốc gia đang phải nỗ lực quan tâm giải quyết. Ở nước ta, nạn MBN diễn biến phức tạp, xu hướng gia tăng và quốc tế hóa, không chỉ ảnh hưởng xấu đến đạo đức, nòi giống, lối sống, thuần phong mỹ tục, pháp luật mà còn trực tiếp đến ANTT.

Thủ đoạn tinh vi

Tiềm ẩn tội phạm MBN trong nước rất lớn, với 51 tuyến, 182 địa bàn trọng điểm, hơn 50.000 đối tượng và 253 đường dây biểu hiện nghi vấn hoạt động, gần 300 nghìn phụ nữ kết hôn với người nước ngoài, 20 nghìn trẻ em cho người nước ngoài làm con nuôi, 25 nghìn phụ nữ, trẻ em (PNTE) bỏ nhà đi khỏi địa phương không rõ lý do nghi bị mua bán; hàng trăm tụ điểm hoạt động mại dâm trá hình... Thủ đoạn phổ biến là dụ dỗ các cô gái nhà nghèo, học vấn thấp, hứa hẹn đi làm có thu nhập cao rồi đưa ra nước ngoài bán; đột nhập nhà dân ở các vùng sâu giáp biên bắt cóc trẻ em, làm quen qua mạng in-tơ-nét, điện thoại di động để lừa bán, lập hồ sơ trẻ em bỏ rơi, hợp pháp hóa cho con nuôi rồi đưa ra nước ngoài bán; môi giới trái phép phụ nữ kết hôn với người nước ngoài...

Gần đây, lực lượng chuyên môn còn phát hiện hàng loạt vụ đưa thanh niên sang Trung Quốc bán nội tạng cho bệnh viện tư; mua bán nam giới tại các tỉnh biên giới phía bắc để bóc lột lao động; đưa phụ nữ tại các tỉnh, thành phố phía nam sang Thái-lan đẻ thuê... Các đối tượng phạm tội chủ yếu là lưu manh chuyên nghiệp, có người từng là nạn nhân khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm, xô đẩy các cô gái khác vào con đường giống mình. Mặt trái kinh tế thị trường, hệ lụy của việc xem nhẹ giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa, kẽ hở trong quản lý người nước ngoài, nhân hộ khẩu, an ninh biên giới, xuất nhập cảnh, hôn nhân và con nuôi có yếu tố nước ngoài... là những nguyên nhân dẫn đến tệ nạn này gia tăng. Từ năm 2004 đến 2010, cả nước phát hiện 2.015 vụ, với 3.571 đối tượng, lừa bán 4.924 nạn nhân (tăng gấp hơn hai lần so với giai đoạn 1998 - 2003).

Chủ động phòng ngừa

Với phương châm "phòng là chính", công tác phòng ngừa tội phạm được triển khai sâu rộng và thiết thực, giúp các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ nâng cao nhận thức, chủ động bảo vệ bản thân. Lực lượng Công an, Biên phòng mở nhiều đợt cao điểm đấu tranh quyết liệt, bóc gỡ các đường dây, băng nhóm tội phạm MBN quy mô lớn, hoạt động xuyên quốc gia. Năm năm qua đã khám phá 1.292 vụ, bắt 2.257 đối tượng, giải cứu 1.526 nạn nhân. Trong số hơn 4.000 nạn nhân được tiếp nhận trở về, có 80% được giúp đỡ tư vấn tâm lý, nhanh chóng ổn định cuộc sống như hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn lãi suất thấp... Những nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam trong các hoạt động hợp tác quốc tế phòng, chống MBN những năm qua đã được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tuy nhiên, thời gian qua, hàng loạt bất cập, hạn chế trong phòng, chống MBN cũng đã bộc lộ khá rõ. Tại nhiều địa phương, công tác này chủ yếu "giao khoán" cho công an. Yêu cầu, đòi hỏi đấu tranh tội phạm MBN ngày càng phức tạp nhưng lực lượng chủ công điều tra vẫn phải hoạt động kiêm nhiệm. Các văn bản pháp luật về phòng, chống MBN còn phân tán, hiệu lực pháp lý chưa cao. Quy định liên quan đến hồi hương, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng chưa đề cập đến các nạn nhân là nam giới, bị mua bán trong nước. Bộ luật Hình sự năm 1999 vẫn chưa có thông tư hướng dẫn. Nhiều nghị định liên quan đến MBN mang tính chuyên sâu vẫn thiếu được sơ kết, tổng kết...

Trong khi đó, cách tổ chức thực hiện công tác phòng, chống MBN ở một số bộ, ngành và địa phương còn hình thức, thiếu kế hoạch, biện pháp cụ thể cũng như coi nhẹ hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc nên hiệu quả thấp. Truyền thông, giáo dục, phổ biến pháp luật còn dàn trải, chưa lồng ghép với thực hiện chương trình kinh tế, xã hội nên số PNTE bị lừa bán và có nguy cơ cao còn nhiều.

Hiện đang tiềm ẩn nhiều đường dây, băng, ổ, nhóm hoạt động ngầm, song công tác nắm tình hình còn hạn chế. Việc điều tra, khám phá án chủ yếu từ tin báo của quần chúng và người bị hại tố giác... Ngoài ra, do thiếu các hiệp định, thỏa thuận quốc tế, nên công tác phòng, chống tội phạm MBN gặp rất nhiều khó khăn trong phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ điều tra xác minh, truy bắt tội phạm cũng như giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về.

* Thực tế đã chứng minh, phòng, chống MBN là nhiệm vụ rất khó khăn, phức tạp. Bởi vậy, các địa phương cần chủ động lồng ghép và tiến hành đồng bộ các biện pháp kinh tế, hành chính, pháp luật, trên cơ sở đẩy mạnh chăm lo giải quyết việc làm và thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo.

Theo ND

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video