Phong trào hay, mô hình tốt của phụ nữ Trường Sĩ quan Chính trị

27/09/2017
Trong những năm qua, công tác Hội và phong trào phụ nữ của Trường Sĩ quan Chính trị có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt hiệu quả cao. Nhiều mô hình, cách làm hay được Tổng cục Chính trị lựa chọn, triển khai nhân rộng trong toàn quân.

 “Nét đẹp giảng đường”

Quân phục chỉnh tề, tóc búi cao theo quy định, lời nói chuẩn mực, xưng hô đúng tác phong điều lệnh. Nơi làm việc gọn gàng, ngăn nắp. Khuôn viên luôn rực rỡ sắc màu của nhiều loài hoa, hàng rào cây xanh được cắt tỉa gọn gàng… Đó là những hình ảnh thường trực của mô hình “Nét đẹp giảng đường” được Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Đào tạo xây dựng nên. Sau 7 năm phát động xây dựng mô hình, Hội đã tiên phong, gương mẫu xây dựng hình ảnh nữ quân nhân, công nhân viên quốc phòng hoạt động trong môi trường giáo dục - đào tạo phải thực sự là những người đẹp về tâm hồn, đẹp về cách ứng xử và đẹp cả về khuôn viên văn hóa.

Ban đầu khi mới triển khai mô hình, Hội gặp không ít khó khăn trong việc thống nhất, xây dựng quy định, và phương pháp hoạt động. Song với sự đoàn kết, quyết tâm, đến nay mô hình “Nét đẹp giảng đường” của Hội Phụ nữ Phòng Đào tạo nhận được sự đánh giá cao. Các cô, các chị làm công tác phục vụ giảng đường của Phòng Đào tạo luôn nhận được sự yêu mến, tin tưởng của cán bộ, giảng viên, học viên. Khuôn viên, vườn hoa cây cảnh của phòng luôn là điểm nhấn trong nhà trường. Nhiều học viên thường lựa chọn khuôn viên của Phòng Đào tạo để tự học, nghiên cứu sau giờ lên lớp. Đến nay, mô hình này cũng được 100% Hội phụ nữ cơ sở toàn trường nhân rộng. 

“Phụ nữ tiết kiệm may áo dài đồng phục”

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất các biện pháp có hiệu quả trong việc giữ gìn và phát huy vẻ đẹp và phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam hiện đại “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, cùng với tiêu chí “Phụ nữ 3 đẹp” của Trường Sĩ quan Chính trị xây dựng và thực hiện nhiều năm qua. Hội Phụ nữ cơ sở Phòng Hậu Cần, Kỹ thuật phát động xây dựng quỹ tiết kiệm vừa để có thêm nguồn vốn hoạt động phong trào, vừa để giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh số tiền ấn định 10.000đồng/1 tuần/hội viên phải tham gia đóng góp, chị em hội viên còn thu gom giấy vụn, báo cũ từ các ban ngành đem bán, đưa vào quỹ. Sau thời gian, số quỹ tiết kiệm ngày càng dồi dào, Ban Chấp hành Hội thống nhất may bộ áo dài để trưng diện trong các dịp lễ, Tết và họp hành, ngay lập tức ý kiến được chị em hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Mô hình “Phụ nữ tiết kiệm may áo dài đồng phục” được ra đời và lan tỏa ra toàn trường.

Trước đây, trong mỗi buổi gặp mặt, đại hội… chị em còn ngại mặc áo dài nên người thì quân phục, người thì áo dài, không tạo được sự chính quy thống nhất. Đến nay, chị em thống nhất trong trang phục áo dài, tạo hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, phụ nữ Quân đội hiện đại và khí thế thi đua sôi nổi, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các cơ quan, đơn vị.

“Giữ lửa” cho những làn điệu dân ca

Trường Sĩ quan Chính trị được đóng quân trên mảnh đất Kinh Bắc ngàn năm văn hiến, ngoài di tích Hồ thành, thì Di sản văn hóa “Quan họ Bắc Ninh” là món ăn tinh thần không thể thiếu. Ý thức được nhiệm vụ trong chung tay bảo tồn, phát huy và phát triển âm nhạc dân tộc, những năm qua, cán bộ, hội viên phụ nữ Trường Sĩ quan Chính trị tổ chức tốt mô hình “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca”.

Năm 2014, chỉ một vài đơn vị Hội Phụ nữ đăng ký xây dựng Câu lạc bộ, song đã thu hút đông đảo chị em, hội viên tham gia. Để giúp hội viên làm quen với nhiều làn điệu Quan họ, công tác sưu tầm các bài cổ, cải biên dù gặp không ít khó khăn nhưng được triển khai tích cực. Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ ở Hội Phụ nữ cơ sở thường xuyên phối hợp với các đơn vị kết nghĩa trên địa bàn mời các nghệ nhân và liền anh, liền chị có uy tín tổ chức học hát, kỹ năng và phong cách thể hiện của người Quan họ và tổ chức nhiều đợt giao lưu văn hóa, văn nghệ. Nhờ vậy, nhiều làn điệu dân ca Quan họ vốn khá lạ lẫm với các chị em giờ đã trở nên thân thuộc, chất lượng hoạt động của Câu lạc bộ được nâng cao và phát triển. Chị em hội viên tự tin giao lưu, hát đối đáp với các liền anh, liền chị người Quan họ trong các dịp giao lưu. Đến nay, 12/12 Hội phụ nữ Nhà trường có Câu lạc bộ “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca”.

Thông qua những lời ca, tiếng hát mộc mạc, đằm thắm lôi cuốn của người Kinh Bắc chị em không còn “khô cứng”, nghiêm nghị trong bộ quân phục, chỉ biết đến điều lệnh - điều lệ. Có thể khẳng định rằng, thành công của mô hình đã tạo một môi trường văn hóa lành mạnh góp phần giúp các nữ quân nhân có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm để cùng vươn tới chuẩn mực của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Những mô hình hay, việc làm tốt của phụ nữ Trường Sĩ quan Chính trị từng bước khẳng định được vai trò và kết quả của mình trong hoạt động công tác Hội và phong trào phụ nữ toàn quân. Ghi nhận điều đó, Tổng cục Chính trị quân đội Việt Nam đã triển khai, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả của phụ nữ Trường Sĩ quan Chính trị như mô hình “Phụ nữ yêu thích và bảo tồn các làn điệu hát ru, hát dân ca”, mô hình “Phụ nữ tiết kiệm may áo dài đồng phục”… Những kết quả đó đã phát huy tinh thần của phụ nữ Quân đội trong hăng hái thi đua, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với truyền thống vẻ vang của phụ nữ Việt Nam: “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.
baobacninh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video