Phong trào kết nghĩa của Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Krông Năng (Đăk Lăk)

27/04/2007
Công tác kết nghĩa ở khu dân cư là một phong trào lớn có ý nghĩa sâu sắc, làm chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức tư tưởng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, trong đó có chị em phụ nữ. Công tác này đã tạo mối đoàn kết gắn bó với nhau, chị em được giao lưu học tập,được chia sẻ để vượt qua khó khăn vươn lên cùng tiến bộ, và góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của hội tại địa bàn thôn, buôn. Chuyện của Hội Phụ nữ huyện Krông Năng, tỉnh Đăk Lăk là một ví dụ.

Krông Năng là một huyện có đông đồng bào dân tộc thiếu số, trình độ dân trí thấp, phần lớn chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật, tỷ lệ đói nghèo cao. Nhờ phong trào kết nghĩa giữa các gia đình và chi hội phụ nữ người Kinh với các gia đình và chi hội đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, khối đại đoàn kết dân tộc đã được xây dựng và củng cố, nhận thức của chị em được nâng cao hơn về nhiều mặt.

Tuy phong trào triển khai chậm hơn so với một số địa phương khác, nhưng đã nhận được sự đồng thuận của chị em và thật sự mang lại hiệu quả rất đáng ghi nhận, nhiều mô hình hoạt động của Hội đã có tác động đến các tầng lớp phụ nữ. Chị Phạm Thị o­n Ga,Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Krông Năng cho biết, nhờ có phong trào này mà chị em dân tộc thiểu số đến với Hội đông hơn, hoạt động của các chi hội thiết thực hơn.

Chi hội phụ nữ buôn Giêr, xã Ea Hồ là một trong những chi hội đã làm tốt công tác kết nghĩa, xác định rõ mục đích của việc kết nghĩa là phải tiến hành chặt chẽ, thiết thực, sâu sắc, tạo ra được phong trào rộng khắp trên địa bàn, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau cùng đưa phong trào Hội ngày càng vững mạnh. Định hướng được mục đích, bám sát với điều kiện thực tế đời sống để hỗ trợ kịp thời chị em khó khăn về kinh tế, ổn định cuộc sống. Chị H’ Ngét Mlô là một hội viên phụ nữ nghèo ở buôn Giêr. Qua phong trào kết nghĩa, chị đã nhận được sự giúp đỡ của các chị em phụ nữ trong chi hội, nên đời sống của gia đình chị đã vượt qua được những khó khăn. Cùng với sự giúp đỡ về vật chất, sự động viên về tinh thần, chị còn được chị em phụ nữ hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi. Ngoài ra, ngôi nhà mà chị đang ở cũng được chị em vận động, quyên góp để xây dựng. Qua phong trào này, chị em phụ nữ ngày càng đoàn kết, gắn bó, đồng thời phong trào sản xuất, xây dựng buôn làng no ấm ngày càng được đẩy mạnh.

Không chỉ quan tâm giúp đỡ, các chi hội được phân công kết nghĩa cũng thường xuyên nắm bắt tình hình ở địa bàn thôn, buôn. Rồi tìm hiểu phong tục tập quán, để thực hiện tốt công tác vận động quần chúng ngày càng hiệu quả hơn. Nhiều chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số cũng vui vẻ, cởi mở chân tình hơn; phấn khởi tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chính sách của Nhà nước; tích cực xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, góp phần xây dựng thôn, buôn văn hoá. Cũng nằm trong phong trào kết nghĩa, đáng chú ý nhất là việc các gia đình phụ nữ người Kinh kết nghĩa với gia đình phụ nữ dân tộc tại chỗ. Không chỉ là tình cảm cá nhân đối với cá nhân, mà việc làm này còn thể hiện sự gần gũi, đoàn kết, gắn bó với nhau trong khối đại đoàn kết dân tộc. Nhiều chị em phụ nữ Kinh đã trở thành những người con thân thiết của các Ama, Amí. Những lời động viên, sự quan tâm và chia sẻ với nhau làm cho tình cảm các dân tộc ngày càng gắn bó.

Từ những kết quả mà Hội phụ nữ huyện Krông Năng đã đạt được thông qua phong trào kết nghĩa, có thể khẳng định: Với phong trào này, chị em phụ nữ đã góp một phần không nhỏ vào sự ổn định và giữ vững an ninh chính trị trên địa bàn huyện Krông Năng. Đồng thời, xây dựng được tinh thần đoàn kết, giúp chị em yên tâm phát triển kinh tế gia đình, xây dựng buôn làng ngày càng giàu đẹp./.

Mai Ly
Website ĐCSVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video