Phụ nữ Đồng Nai ''giữ lửa'' cho nông thôn mới kiểu mẫu

22/10/2020
Xây dựng nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu, Đồng Nai tập trung đi vào chiều sâu với điểm xuất phát từ chính các hộ gia đình. Trong đó, người phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững và tiếp tục nâng chất cho NTM kiểu mẫu.
Mô hình trồng rau sạch trong nhà màng của nông dân H.Cẩm Mỹ.

Xây dựng xã hội nông thôn giàu có, hiện đại, văn minh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, phụ nữ cũng là người giữ nếp nhà, nếp làng.

* Gìn giữ “nếp nhà, nếp làng”

Chương trình nổi bật nhất của Hội phụ nữ các cấp là đã triển khai hiệu quả cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Cụ thể, gia đình “5 không” là không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học, không sinh con thứ 3 trở lên.

Gia đình “3 sạch” là sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ. Đến nay, nhiều địa phương đã xây dựng và tổ chức thực hiện được mô hình phân loại rác thải tại hộ gia đình; phát huy vai trò của các tổ phụ nữ tự quản về vệ sinh môi trường...

Bà Trịnh Thị Quý, người dân tại xã Xuân Định (H.Xuân Lộc) chia sẻ, mọi gia đình trong xã đều quan tâm thực hiện các tiêu chí NTM kiểu mẫu, không chỉ giữ gìn vệ sinh, chăm chút cây cảnh sạch đẹp trong nhà, chị em phụ nữ trong ấp, trong xóm còn chung tay dọn dẹp vệ sinh, trồng hoa, chăm sóc giữ cho các tuyến đường làng luôn sạch, đẹp. Dần dần, ý thức giữ vệ sinh môi trường, chăm sóc các công trình công cộng của từng hộ dân ngày càng cao. Việc giữ cho nhà cửa đến ngõ xóm, đường làng luôn sạch đẹp đã trở thành công việc hằng ngày của người dân.

Nhiều cơ sở Hội phụ nữ đã chọn tiêu chí “3 sạch” để tập trung thực hiện nhằm vận động phụ nữ và gia đình tham gia bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm và thực hiện các công trình xây dựng NTM. Theo bà Trần Mỹ Ngọc, Phó chủ tịch Hội LHPN H.Vĩnh Cửu, huyện đang triển khai thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn và sử dụng chính nguồn rác hữu cơ trong sinh hoạt và sản xuất dùng vi sinh tự làm phân hữu cơ, thuốc phòng, trừ sâu sinh học. Phụ nữ đi đầu trong phong trào thực hiện các tiêu chí sáng - xanh - sạch - đẹp ở nông thôn gắn với chương trình phân loại rác tại nguồn, làm phân, thuốc an toàn cho sản xuất nông nghiệp sạch.

* Hỗ trợ nhau làm kinh tế

Cuộc sống khó khăn của người dân ở làng dân tộc Châu Mạ thuộc ấp 4, xã Tà Lài (H.Tân Phú) dần được cải thiện khi đây là một trong những điểm kết nối của mô hình phát triển du lịch cộng đồng tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Mô hình du lịch cộng đồng này do chính những người dân tộc bản địa thực hiện. Ka Hương, cô gái Châu Mạ làm quản lý ở Nhà du lịch cộng đồng Tà Lài chia sẻ, những nét đẹp văn hóa độc đáo của các dân tộc bản địa trở thành đặc sản du lịch với du khách gần xa. Ka Hương cũng đi vận động phụ nữ trong làng quay lại nghề dệt thổ cẩm, tổ chức lại đội múa và đánh cồng chiêng. Ka Hương được bà ngoại của mình là bà Ka Bào - nghệ nhân cấp quốc gia về dệt thổ cẩm; mẹ là bà Ka Rỉn vừa là nghệ nhân dệt thổ cẩm, vừa là kho tàng sống văn học dân gian Châu Mạ hỗ trợ rất nhiều trong việc hồi sinh các sinh hoạt văn hóa cộng đồng cũng như nghề dệt thổ cẩm. Nhờ đó, làng dệt thổ cẩm của dân tộc Châu Mạ dần hồi sinh, mang lại sinh kế, giúp nhiều hộ gia đình trong làng có thu nhập ổn định hơn.

Phong trào phụ nữ giúp nhau vượt khó, làm giàu cũng được nhân rộng ở nhiều địa phương. Bà Nguyễn Thị Đường, nông dân nghèo ở TT.Dầu Giây (H.Thống Nhất) cho biết, nhờ nguồn vốn từ quỹ của phụ nữ địa phương hỗ trợ, bà có vốn mua được 2 con dê để phát triển sản xuất. Nhờ đó, bà có tiền trả được 10 triệu đồng nợ ngân hàng, lứa dê sắp tới bà có thêm tiền sửa lại căn nhà. Nhiều chị em phụ nữ nghèo ở đây cũng được những chị em khá giả hơn hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất để thoát nghèo.

Bà Hồ Thị Mai Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Tân (TP.Long Khánh) cho biết, ở địa phương không thiếu những chị em nông dân hết lòng với công tác Hội. Nhờ những hội viên, cán bộ Hội cơ sở năng nổ, nhiệt tình mà nhiều chị em tiếp cận được những nguồn quỹ, nguồn vốn hỗ trợ, được hướng dẫn tiếp cận về khoa học - kỹ thuật mới nên mạnh dạn chuyển đổi giống mới cho thu nhập ổn định hơn, có hộ vươn lên làm giàu.

Theo Hội LHPN tỉnh, việc thực hiện các tiêu chí “gia đình không đói nghèo” và các tiêu chí về nhà ở dân cư, về hộ nghèo, về lao động có việc làm, về thu nhập... là những yếu tố để NTM phát triển bền vững. Từ những thói quen, việc làm hằng ngày, Hội LHPN các cấp vận động chị em thực hiện tiết kiệm chi tiêu trong sinh hoạt hằng ngày. Huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho hội viên Hội phụ nữ phát triển kinh tế. Trong 10 năm xây dựng NTM, Hội đã thành lập được trên 5 ngàn tổ tiết kiệm với gần 89,6 ngàn thành viên tham gia, số dư gần 56 tỷ đồng, xét cho trên 40 ngàn phụ nữ vay vốn; nhờ đó, nhiều phụ nữ ở nông thôn thoát nghèo bền vững.

baodongnai

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video