Phụ nữ Bắc Ninh thống nhất cao với dự thảo văn kiện Đại hội ĐBPN toàn quốc lần thứ XII

28/10/2016
Đó là ý kiến đóng góp của 235 đại biểu đại diện các tầng lớp phụ nữ tỉnh Bắc Ninh tại ĐH ĐBPN tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2016-2021 ngày 18/10 vừa qua.

Thống nhất cao với dự thảo văn kiện

Đại diện cho gần 183 ngàn hội viên phụ nữ Bắc Ninh, đại biểu Đại hội ĐHĐB phụ nữ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XVI thống nhất cao với dự thảo văn kiện Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XII với 100% ý kiến đánh giá: dự thảo báo cáo đã đánh giá đầy đủ, súc tích kết quả phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm công tác Hội trong nhiệm kỳ. Các chỉ tiêu, hai khâu đột phá, những nhiệm vụ trọng tâm và các nhóm giải pháp cho nhiệm kỳ tới có tính khả thi cao, thể hiện rõ vai trò của Hội LHPN Việt Nam trong phát huy được cao nhất tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ, tổ chức Hội và đáp ứng được nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp phụ nữ. Đại diện đoàn đại biểu của TP. Bắc Ninh đánh giá cao phương thức đánh giá công tác Hội của dự thảo báo cáo chính trị: rất sáng tạo, phù hợp, thỏa đáng do tránh được sự chồng chéo giữa các nhiệm vụ; báo cáo đảm bảo tính khái quát, sát với tình hình thực tiễn; phương hướng nhiệm vụ phù hợp.

Một số đại biểu đề nghị xác định rõ đối chủ thể của phong trào phụ nữ và công tác Hội, bằng việc bổ sung cụm từ “Phụ nữ Việt Nam” vào tiêu đề báo cáo “Phụ nữ Việt Nam phát huy truyền thống, tiềm năng, sức sáng tạo, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới và bảo vệ tổ quốc”. Kiến nghị đánh giá kết quả công tác Hội chi tiết hơn, cụ thể hơn như: vấn đề liên quan đến nữ công nhân viên chức, người lao động; thành lập tổ chức Hội trong doanh nghiệp ngoài nhà nước; kết quả của những khâu đột phá... Đồng thời làm rõ hơn những hạn chế để đề ra giải pháp cụ thể cho nhiệm kỳ tới.

Phần đông đại biểu đồng tình với các bài học kinh nghiệm trong dự thảo báo cáo chính trị. Số ít đại biểu băn khoăn và đề nghị nghiên cứu sửa đổi lại bài học thứ nhất cho phù hợp. Vì cho rằng bài học kinh nghiệm là rút ra từ chính tổ chức Hội chứ không phải từ các đối tượng liên quan. Theo đó, nếu như nguyên nhân thành công xuất phát từ nhận thức, từ sự quan tâm sâu sắc của ác tổ chức và xã hội thì bài học kinh nghiệm chính là công tác tham mưu, phối hợp. Đoàn đại biểu TP. Bắc Ninh đề nghị điều chỉnh một số nhận định để sát với tình hình thực tế và xu thế phát triển của xã hội; bổ sung bài học kinh nghiệm trong phát huy vai trò cán bộ Hội chuyên trách, đặc biệt là vai trò người đứng đầu.

Về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2017-2022, đại biểu thống nhất cao với chỉ tiêu, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện. Chỉ có số ít ý kiến đề nghị viết lại một số đề mục cho ngắn gọn hơn nhưng vẫn bao quát, đầy đủ như: đề mục 1.1; 1.2 trong nhiệm vụ 1; đề mục 3.1 trong nhiệm vụ 3.

100% đại biểu nhất trí với nhiệm vụ tổ chức Hội trong Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ

Góp ý vào Dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội LHPN Việt Nam lần thứ XI, các đại biểu thống nhất cao với quy định về nhiệm vụ tổ chức Hội; các điều quy định về cơ quan lãnh đạo, đại hội đại biểu phụ nữ các cấp Hội, bầu cử; tổ chức Hội cấp cơ sở; tài chính của Hội cũng như việc chấp hành Điều lệ Hội.

Quy định tư cách pháp nhân của tổ chức Hội, có 2 luồng ý kiến. Gần 56% đại biểu thống nhất với dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều lệ bổ sung làm rõ tư cách pháp nhân của Hội để phù hợp với thực tiễn. 44% đại biểu cho rằng không cần bổ sung tư cách pháp nhân của Hội vào Điều lệ vì đó là điều đương nhiên, đã được quy định rõ tại Khoản 2, Điều 76, Bộ Luật Dân sự: “Tổ chức chính trị - xã hội là pháp nhân phi thương mại”.

Về chức năng của tổ chức Hội, phần đông đại biểu thống nhất giữ như Điều lệ hiện hành “Hội LHPN Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam...” vì cho rằng phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội. Số ít đại biểu nhất trí với phương án 2 của dự thảo bổ sung Điều lệ là “tổ chức chính trị - xã hội đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, Hội thực hiện theo đúng tinh thần Cương lĩnh, Nghị quyết của Đảng” để phù hợp với quy định tại Điều 9 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam hiện hành.

Điều kiện trở thành Hội viên cũng được các đại biểu quan tâm. Chỉ có ít ý kiến đề nghị giữ nguyên Điều lệ hiện hành, phần lớn đại biểu nhất trí với việc sử dụng cụm từ “tham gia hoạt động Hội” thay cho “tham gia tổ chức Hội” để phù hợp với Điều 6 quy định về “Quyền của hội viên” và thể hiện phương thức tập hợp phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video