Phụ nữ Ê Đê tương trợ nhau vượt qua khó khăn

13/03/2010
Những năm qua, việc chị em phụ nữ giúp nhau xoá đói giảm nghèo đã trở thành phong trào của phụ nữ ở các buôn làng Tây Nguyên. Không chỉ cải thiện về điều kiện kinh tế mà từ đây, vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng được nâng lên.
 

Chị H’Ri Êban dân tộc Ê Đê, ở buôn Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông nhớ mãi về sự giúp đỡ, sẻ chia của chị em phụ nữ trong buôn khi gia đình chị gặp khó khăn. Cách đây 2 năm, chồng chị bệnh nặng, cùng lúc đó người con thứ ba trúng tuyển vào trường Đại học Tây Nguyên. Trong lúc gia cảnh khó khăn, Chi hội phụ nữ buôn đã đến động viên và giúp chị 20 kg gạo cùng với 400.000 đồng. Gạo và tiền này đựơc trích từ hũ gạo tình thương và nhóm phụ nữ tiết kiệm của buôn. Số tiền không nhiều, nhưng đến đúng lúc đã giúp chị H’Ri Êban phần nào giảm bớt khó khăn. Hơn thế, chị H’Ri Êban cảm thấy mình không bị bỏ rơi nên tích cực tham gia  sinh hoạt hội, và chị càng phấn đấu học hỏi các chị em khá về cách làm kinh tế, cải thiện dần đời sống gia đình.

Chị H’Ri tâm sự: “Từ khi nhận được số tiền với số gạo chị em phụ nữ đóng góp hỗ trợ, gia đình tôi đỡ một phần khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày và ổn định cuộc sống. Tuy số vốn vay còn ít, nhưng đã động viên chị em chúng tôi vượt qua khó khăn để nỗ lực phấn đấu trong sản xuất”.

Phong trào hũ gạo tình thương cũng được Chi hội phụ nữ buôn Ea Kó, thị trấn Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk triển khai hiệu quả. Hàng năm chi hội phụ nữ buôn Ea Kó quyên góp được hơn 1 tấn gạo. Vào những lúc giáp hạt, hạn hán chị em lại dùng số gạo này hỗ trợ cho những gia đình hội viên khó khăn. Chị H’Jắc M’Lô, ở Buôn Ea Kó, người đã từng nhận gạo hỗ trợ này cho biết, nhờ có những hạt gạo nghĩa tình đó mà gia đình chị đã vượt qua cơn khó khăn. Bây giờ kính tế gia đình chị đã khá hơn. Chị cũng tham gia vào công tác hội và quyên góp gạo để giúp lại những chị em khó khăn giống như chị trước đây.

Cùng với phong trào hũ gạo tình thương, Chi hội phụ nữ buôn Ea Kó còn triển khai mô hình tận dụng đất vườn trống trồng rau sạch. Để giúp đỡ chị em còn khó khăn trong bước đầu triển khai mô hình, Chi hội phụ nữ buôn đã vận động các hội viên giúp cây con giống, chị em nào chăn nuôi nhiều thì hỗ trợ về phân bón, Chi hội sẽ hướng dẫn cách trồng, chăm sóc rau sạch. Việc tận dụng đất trống trồng rau sạch không chỉ phục vụ cho nhu cầu hàng ngày của gia đình, nhiều chị em còn có thêm thu nhập khi  bán những sản phẩm rau ra thị trường.

Chị H’ Bier M’Lô, buôn Ea Kó, thị trấn Ea Kar, huyện Chư M’Nga (Đắk Lắk), người đi tiên phong trong thực hiện mô hình trồng rau sạch ở buôn Ea Kó phấn khởi cho biết, nhờ chị em giúp đỡ, hướng dẫn làm mô hình tận dụng đất vườn trồng rau sạch có hiệu quả, đã giúp gia đình chị không những có rau sạch ăn hàng ngày mà còn có thêm thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Trong những năm qua phong trào phụ nữ giúp nhau xoá đói giảm nghèo được chị em nhiệt tình hưởng ứng và mang lại những hiệu quả thiết thực. Tại Đắk Lắk trong năm 2009 có gần 7.000 chị em phụ nữ dân tộc thiểu số nhận được sự hỗ trợ từ phong trào này và có trên 2.000 hộ đã thoát nghèo.

Bà Mai Hoan Ni Ê K’Đăm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong nhiều năm qua, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động giúp phụ nữ xoá đói giảm nghèo, đặc biệt quan tâm đến việc vận động phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển sản xuất và đã thu được kết quả đáng ghi nhận. Thông qua nhiều hình thức giúp nhau, chị em dân tộc thiểu số cũng phát huy đựơc khả năng, vận dụng được kiến thức vào các hoạt động sản xuất trong kinh doanh để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, đời sống vật chất ngày được nâng lên và cũng dần khẳng định được vai trò của mình trong xã hội”./.

Theo Nam Trang (VOV)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video