Phụ nữ Hồi giáo tiếp tục đấu tranh đòi bình quyền

27/09/2009
Vụ việc một nữ nhà báo Sudan suýt bị đánh 40 roi vì dám mặc quần tây nơi công cộng và vụ một cô gái Malaysia bị phạt vì uống bia nơi công cộng là hai trường hợp được thế giới lưu tâm nhất trong bối cảnh LHQ đang phát động các chương trình bình quyền cho phụ nữ.

Muốn thay đổi luật

Cảnh sát Sudan đã bắt giữ hàng chục phụ nữ biểu tình phía ngoài tòa án Khartoum để ủng hộ nữ nhà báo Lubna Hussein phải ra tòa hôm 7-9 vì bị cáo buộc tội “thiếu đoan trang” khi mặc quần trước công chúng. Tòa án Sudan đã xử cô Hussein có tội, nhưng cô được miễn tội đánh 40 roi, với điều kiện nộp tiền phạt 200 USD.

Trả lời phỏng vấn sau phiên xử, cô Hussein nói cô thà chịu ngồi tù chứ không nộp tiền phạt. Cô Hussein bị bắt hôm 3-7 vừa qua cùng với 12 phụ nữ khác tại một quán cà phê tại Khartoum vì tội mặc quần tây. Vụ việc này đã khơi ra sự phẫn nộ rộng khắp trong và ngoài nước Sudan.

Cô Hussein hiện đang làm việc cho một tổ chức của LHQ tại Sudan, trước đó đã bị bắt và bị giam giữ trong một vài giờ cùng với nhiều phụ nữ khác vì tội mặc quần tây. Hussein cho biết 10 trong số những phụ nữ bị bắt, trong đó có cả những người không theo đạo Hồi, đã bị đánh mỗi người 10 roi và bị phạt 100 USD. Vì Hussein và hai người phụ nữ khác yêu cầu được có luật sư bào chữa nên việc thi hành án đối với họ được hoãn lại.

Hussein đã in 500 giấy mời và gửi email để mời mọi người đến tham dự phiên tòa xét xử cô. Hussein cho rằng cô muốn càng nhiều người đến tham dự phiên tòa này càng tốt. Cô khẳng định không làm gì sai theo luật Hồi giáo Sharia mà chỉ là nạn nhân của một điều khoản cấm mặc những bộ quần áo bị cho là không đúng đắn trong luật hình sự của Sudan. “Tôi muốn thay đổi luật này bởi luật này không phù hợp”, Hussein tuyên bố.

Trước đó, tại Malaysia, Thủ tướng Malaysia Najib Tun Razak đã kêu gọi cô người mẫu Kartika Sari Dewi Shukarno kháng cáo về bản án phạt đánh 6 roi mà cô sẽ phải chịu. Cô người mẫu năm nay 32 tuổi, hiện có hai con nhỏ, bị lực lượng cảnh sát tôn giáo bắt gặp đang uống bia tại một hộp đêm ở bang Pahang vào năm 2007. Tuy nhiên mãi đến tháng 7 vừa qua, cô mới bị một tòa án Hồi giáo tuyên phạt 6 roi vì đã vi phạm luật Hồi giáo hiện hành tại Malaysia, nghiêm cấm tín đồ uống rượu.

Trên nguyên tắc, Shukarno đã phải thụ án, nhưng các giới chức tư pháp đã bất ngờ hoãn thi hành án cho đến khi tháng chay Ramadan của người Hồi giáo kết thúc (hết tháng 9). Theo một viên chức chính quyền Malaysia, việc hoãn thi hành án này có thể là một bước để dàn xếp vụ việc.

Hiện nay, Malaysia hoặc Indonesia thường được mệnh danh là các quốc gia có Hồi giáo theo xu hướng ôn hòa, khác với một số nước như Afghanistan, Iran, các nước Arab hoặc châu Phi, nơi đạo Hồi bị cho là quá cực đoan, khắc nghiệt. Malaysia vẫn tồn tại hai nền tư pháp song song, một bên xét xử theo luật dân sự, bên kia phán quyết theo luật Hồi giáo Sharia.

Công dân Malaysia theo Hồi giáo phải chịu sự chi phối của cả hai hệ thống luật lệ, trong lúc những ai không theo đạo Hồi chỉ cần tuân thủ luật dân sự. Tòa án Hồi giáo Sharia đã được thiết lập tại 13 bang ở Malaysia, vận hành một cách độc lập, không lệ thuộc vào hệ thống luật pháp liên bang.

Trong thời gian một vài tháng gần đây, cơ quan ban hành luật fatwa (một sắc lệnh tôn giáo của đạo Hồi) trung ương đã yêu cầu người theo đạo Hồi không được tập yoga vì môn thiền này có nguồn gốc Phật giáo. Họ cũng cấm phụ nữ Hồi giáo không được mặc quần tây.

Lực lượng cảnh sát của cơ quan này cũng thường xuyên đi tuần để ngăn chặn không cho các thanh niên nam nữ cầm tay nhau, nếu không phải là vợ chồng. Họ cũng đột nhập vào các hộp đêm để tìm bắt những người Hồi giáo vi phạm lệnh cấm uống rượu, hay truy tầm để phá vỡ những ổ cờ bạc. Thậm chí những người Hồi giáo nào ăn vào ban ngày trong mùa Ramadan cũng bị phạt vạ. Theo chính các chuyên gia Malaysia, mức phạt 6 roi và 1.400 USD tiền phạt thuộc mức phạt tối đa mà các tòa án Hồi giáo có thể tuyên.

Mặt khác, từ trước đến nay, chưa bao giờ một phụ nữ bị hình phạt đánh đòn. Ngay cả đối với nam giới, tội uống rượu cũng ít khi bị phạt roi. Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và gia đình Malaysia cho biết, chánh án Tòa Phúc Thẩm Hồi giáo có thể sẵn sàng hủy bỏ bản án nếu có đơn kháng án vì tính chất quá nặng nề.

Cuộc đấu tranh còn lâu dài

Kinh Koran đã quy định y phục của phụ nữ hết sức khắt khe như sau: “Phụ nữ phải mặc che kín hoàn toàn, không được để lộ một phần nào của thân thể trước mặt bất cứ một người đàn ông nào, bao gồm cả mặt và tay”. Kinh Koran xác nhận uy quyền của đàn ông đối với đàn bà: “Đàn ông có quyền đối với đàn bà vì Thượng đế đã sinh ra đàn ông cao quý hơn đàn bà và vì đàn ông phải bỏ tài sản của mình ra để nuôi họ. Đàn bà tốt phải biết vâng lời đàn ông vì đàn ông săn sóc cả phần tinh thần của đàn bà. Đối với những phụ nữ không biết vâng lời, đàn ông có quyền ruồng bỏ, không cho nằm chung giường và có quyền đánh đập”.

Kinh Koran còn quy định: khi cha mẹ chia gia tài thì con gái chỉ được hưởng một nửa phần của con trai được hưởng mà thôi. Khi các nhân chứng ra trước tòa làm chứng thì lời chứng của đàn bà chỉ có giá trị bằng một nửa lời khai của đàn ông. Khi nạn nhân là phụ nữ bị giết thì thân nhân chỉ được lãnh một nửa số tiền bồi thường... Đó chỉ là một phần trong số các luật quy định trong kinh Koran đối với phụ nữ mà luật Sharia là sự phản ánh trung thực nhất.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia Hồi giáo đã và đang trả lại nhiều quyền lợi hơn cho phụ nữ, phụ nữ đã có quyền đi bầu và ứng cử (Kuwait, Afghanistan...), một số nước bãi bỏ chế độ đa thê (Thổ Nhĩ Kỳ và Tunisia), một số nước Hồi giáo cũng đã cho phụ nữ quyền lái xe... Thế nhưng nhìn chung, phụ nữ Hồi giáo trên thế giới vẫn tiếp tục con đường đấu tranh lâu dài và gian khổ để đòi bình quyền với đàn ông.

Tại Pakistan, nếu phụ nữ bị cưỡng hiếp, cô phải có 4 nhân chứng đạo Hồi mà phải là phái nam, bằng không, cô có thể bị xem là có tội thông dâm. Ở HaitiSyria, đàn ông vẫn có thể giết vợ mà không bị luật pháp trừng phạt với lý do gọi là “trả thù danh dự gia đình”.

Vùng phía Bắc Nigeria, luật pháp còn cho phép đàn ông đánh vợ với mục đích răn dạy, miễn là sự bạo hành này không gây tác hại trầm trọng. Nhiều nước Hồi giáo khác không có khung hình phạt cho việc người chồng ép buộc vợ quan hệ tình dục. Nhiều nước không quy tội cưỡng hiếp nếu như người đàn ông đồng ý kết hôn với nạn nhân...

Mặc dù ghi nhận các thành tựu khả quan, nhưng Liên hiệp quốc mạnh mẽ phê bình các nước đến nay vẫn chưa thực hiện lời cam kết bãi bỏ những luật lệ phân biệt đối xử với phụ nữ mà các kỳ đại hội phụ nữ thế giới đã nêu ra. Tại nhiều quốc gia, nữ giới vẫn chính thức bị coi là những “công dân hạng hai”.

Theo SGGP - HUY QUỐC (theo AFP, RFI)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video