Phụ nữ khởi nghiệp với các giống cây trồng sạch, quý giá

20/07/2021
- Bến Tre: Chị Ánh Xuân khởi nghiệp với nghề trồng nấm sạch
- Quảng Ngãi: Chị Phạm Thị Tư đem giống cây quý về trồng ở vùng đất quê hương
Chị Mai Thị Ánh Xuân khởi nghiệp thành công với mô hình trồng nấm sạch

- Bến Tre: Chị Ánh Xuân khởi nghiệp với nghề trồng nấm sạch

Từ bỏ công việc ổn định trong 11 năm với mức thu nhập 11 triệu đồng/tháng, năm 2017, chị Mai Thị Ánh Xuân ngụ tại ấp Phước Xuân, xã An Khánh, huyện Châu Thành đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng nấm sạch, mỗi tháng mang về lợi nhuận 15 – 20 triệu đồng/tháng.

Với 5 trại trồng nấm, mỗi trại có diện tích khoảng 50 mét vuông, chị Xuân đã trồng nhiều loại nấm như: hoàng kim, bào ngư, hoàng đế, hồng ngọc, nấm mèo nấm mối đen... nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Bước đầu khởi nghiệp gặp không ít khó khăn như kỹ thuật trồng nấm chưa nhiều, kinh nghiệm chủ yếu tích lũy là học trên mạng nhưng với lòng ham học hỏi và quyết tâm cao, chị Xuân đã gặt hái được những thành công bước đầu đáng khích lệ. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm, lứa nấm đầu tiên đã được sản xuất thành công và mang về lợi nhuận trên 20 triệu đồng.

Chị chia sẻ: “Theo tôi, khi trồng nấm thì điều kiện nhiệt độ khoảng 26 – 30 độ, ánh sáng tầm khoảng có thể đọc sách là được. Khi trồng tôi khử khuẩn bằng vôi trước và tôi trang bị lưới chống côn trùng để nấm có thể phát triển tốt. Khi thu hoạch tôi thường hái vào sáng sớm hoặc khuya vì lúc này nấm đạt khoảng 3-4cm, độ ẩm cao, tai nấm rất đẹp. Khi tưới nước 3 tiếng sau tôi mới thu hoạch để tránh nấm bị nhũng.”

Hiện, cô gái trẻ trồng khoảng 8 loại nấm với khoảng 19.000 – 20.000 phôi. Bằng sự đam mê tìm tòi sáng tạo, các trại nấm của chị dần ổn định, năng suất trung bình một tháng đạt 200gr – 400gr nấm/bịch phôi. Sản lượng hàng tháng đều đặn từ 300 – 450kg nấm với giá bán dao động từ 40.000 – 60.000 đồng/kg, mỗi tháng trại nấm mang về lợi nhuận cho chị gần 20 triệu đồng. Ngoài việc trồng nấm, chị Mai Thị Ánh Xuân còn gầy dựng vườn rau sạch khoảng 35 mét vuông, trung bình mỗi tháng thu hoạch khoảng 20kg.

Cùng với sự lan tỏa mạnh mẽ từ phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thời gian qua, nhiều cá nhân tại huyện Châu Thành đã mạnh dạn “dám nghĩ, dám làm”, tận dụng những lợi thế sẵn có của địa phương, tạo ra những mô hình khởi nghiệp hiệu quả. Bằng sức trẻ và lòng nhiệt huyết với nông nghiệp, chị Mai Thị Ánh Xuân đã bước đầu đạt được thành công với mô hình trồng nấm sạch và trở thành mô hình triển vọng tại địa phương.

- Quảng Ngãi: Chị Phạm Thị Tư đem giống cây quý về trồng ở vùng đất quê hương

“Sâm bố chính” là một dược liệu thiên nhiên rất tốt cho sức khỏe và được trồng rộng rãi để làm thuốc, do đó tại thôn Trung Vĩnh, xã Tịnh Hòa, TP. Quảng Ngãi, đôi vợ chồng trẻ Phạm Thị Tư (37 tuổi) và Nguyễn Minh Khánh (40 tuổi) đã quyết định đem giống sâm bố chính về trồng trên vùng đất đồi Núi Răm. Đây cũng là nơi đầu tiên tại tỉnh Quảng Ngãi trồng thử nghiệm loại dược liệu quý này.

Chị Tư thu hoach hoa sâm phơi khô làm trà tốt cho sức khỏe

Đến nay, sau 3 tháng đưa vào trồng, cây sâm bố chính đã dần thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, thổ nhưỡng ở Núi Răm và hiện tại, vợ chồng chị Tư đang thu hoạch hoa sâm để giới thiệu sản phẩm của mình đến với người dân địa phương và các tỉnh thành trong cả nước. Vốn là người yêu thích các loại cây dược liệu, trong lần tình cờ đi thăm quan ở nhà bạn thấy có trồng sâm bố chính và chị cảm thấy mình bén duyên với loại cây này và quyết định đưa về trồng. Ban đầu gặp rất nhiều khó khăn, vì ai cũng nghĩ nơi này là vùng đất sỏi đá, khô cằn không có nguồn nước, khó cho việc trồng loại cây quý nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm cao, hai vợ chồng cuối cùng cũng tìm được nguồn nước tưởng chừng như đã bỏ cuộc cho loại cây này. Sau đó, chị Tư đã đào bể chứa 200 mét khối nước và làm hệ thống tưới nước tự động. Chị chia sẻ, mỗi 1kg hoa khô được bán với giá khoảng 3 triệu đồng, còn củ sâm tươi trồng một năm tuổi được bán từ 50-80 nghìn đồng/kg, củ sâm trồng càng lâu năm thì giá sẽ càng cao. Ước tính 5.000m2 sẽ cho thu hoạch khoảng 5 tấn củ tươi.

Khu vườn có diện tích 5.000 m2 trước đây dùng để trồng keo nay đã được vợ chồng chị Tư đầu tư khoảng 200 triệu đồng, chủ yếu chi phí cho việc cải tạo đất, đào giếng, lắp hệ thống tưới nước tự động. Được hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc, cùng với vốn kinh nghiệm của bản thân nên vườn sâm của chị phát triển tốt. Sâm bố chính dễ trồng, không cần quá nhiều công chăm sóc, tuy nhiên, cần chú ý đến các yếu tố như nguồn nước đảm bảo, tưới đủ ẩm trong thời gian mới trồng.

Sản phẩm từ sâm bố chính

Trồng sâm bố chính không chỉ giúp bảo tồn loại cây dược liệu quý, mà còn là mô hình phát triển kinh tế mới trên địa bàn. Qua đó, ước mơ khởi nghiệp của chị Tư đang trở thành hiện thực ngay trên chính mảnh đất quê hương, đồng thời hỗ trợ bà con có thêm lựa chọn đưa giống cây sâm bố chính vào phát triển kinh tế gia đình, nâng cao thu nhập.

 

Trúc Lan; Như Đồng

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video