Phụ nữ miền núi Vân Canh: Ðã biết cách chăm con khỏe

26/11/2013
Nhờ kiên trì và đa dạng các loại hình truyền thông vận động, phụ nữ ở huyện miền núi Vân Canh đã thay đổi nhận thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Các chị đã chủ động sinh ít con và biết tận dụng những thực phẩm có sẵn trong gia đình để bổ sung dinh dưỡng cho trẻ, từng bước cải thiện sức khỏe trẻ em, đặc biệt là trẻ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hơn 40% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, lại sinh sống chủ yếu ở vùng cao, vùng sâu của huyện, những phong tục tập quán lạc hậu vẫn còn ăn sâu trong tâm thức của người dân, đó là những nguyên nhân khiến người dân Vân Canh nói chung và phụ nữ nói riêng còn nhiều hạn chế trong việc chăm sóc sức khỏe trẻ em.

Chị em cho rằng, khi mang thai phải ăn ít vì sợ ăn nhiều con to, khó sinh. Chị em còn quan niệm, không nên cho trẻ bú sữa non vì sữa đó chưa được làm chín, trẻ bú vào sẽ đau bụng, vì vậy trẻ sinh ra không được bú sữa mẹ ngay. Nhiều chị em nghĩ, cho trẻ ăn dặm sớm sẽ giúp trẻ cứng cáp hơn nên trẻ mới được 2 - 3 tháng đã cho ăn dặm, thậm chí có người còn nhai cơm đút cho con ăn. Do vậy, việc phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em rất khó khăn. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Vân Canh, cho biết: “Từ năm 2000 trở về trước, tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng trên địa bàn huyện không thể giảm xuống 30%”. Còn theo bà Phạm Thị Bộ, Phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện, thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà các trường mầm non phải thực hiện là nâng cao chất lượng nuôi dưỡng và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe trẻ, bởi tiêu chuẩn mà huyện Vân Canh khó phấn đấu nhất khi thực hiện chuẩn mầm non cho trẻ 5 tuổi chính là tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn cao.

Đa dạng hình thức truyền thông

Nhận thức được điều đó, nhiều năm qua, huyện Vân Canh kiên trì đa dạng hóa các loại hình truyền thông, nhằm nâng cao nhận thức về dinh dưỡng và cải thiện dinh dưỡng cho nhân dân, trong đó chú trọng các đối tượng là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ đang nuôi con nhỏ dưới 2 tuổi. Hàng năm, Đội chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em - KHHGĐ huyện Vân Canh đẩy mạnh tuyên truyền các kiến thức về dinh dưỡng thông qua các buổi truyền thông trực tiếp, các đợt thực hành dinh dưỡng tại thôn, làng, qua khám thai… giúp các bà mẹ biết cách chăm sóc sức khỏe cho con ngay từ khi mang thai. Mới đây, Đội đã phối hợp với trạm y tế các xã và nhân viên y tế thôn, làng tổ chức thực hành nấu bữa ăn dinh dưỡng ở 48/48 thôn, làng trong huyện cho các bà mẹ đang mang thai và bà mẹ có con nhỏ từ 0 - 24 tháng tuổi. Sau khi tham dự, chị Nguyễn Thị Hồng Loan, ở thôn 2, thị trấn Vân Canh, phấn khởi cho biết: “Thói quen từ xưa là cứ cho củ vào hầm chung với xương hoặc thịt để nấu cháo cho trẻ. Nay tôi mới biết là phải nấu cháo trước, khi cháo chín thì mới cho thịt băm hoặc xay vào, thịt chín thì cho rau củ xay hay xắt nhuyễn vào, sau cùng là cho dầu ăn. Qua thực hành dinh dưỡng, tôi đã biết cách nấu một bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng cho con”.

Đội chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em - KHHGĐ huyện Vân Canh còn phối hợp với Hội LHPN huyện tổ chức tập huấn xây dựng ô dinh dưỡng ở gia đình; tổ chức hội thi “ Kiến thức dinh dưỡng”. Chị Đinh Thị Đông, Chủ tịch Hội LHPN xã Canh Liên, cho biết: “Canh Liên không có chợ như các xã gần trung tâm huyện nhưng thông qua các hội thi, qua các buổi tập huấn, chị em xã vùng cao mình đã biết tận dụng thực phẩm ở vườn nhà như trứng gà, cá tươi, đu đủ, chuối... để chế biến thức ăn cho con, nên những năm gần đây sức khỏe trẻ em trên địa bàn xã được cải thiện nhiều”.

Bên cạnh đó, các trường mầm non cũng đẩy mạnh công tác phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ. Thông qua các buổi họp phụ huynh, họp dân, hội thi, qua sổ liên lạc, vào giờ trả trẻ, các giáo viên đều cố gắng tuyên truyền các kiến thức nuôi dạy trẻ theo khoa học để gia đình thống nhất với nhà trường trong công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Kết quả đáng ghi nhận

Nhờ sự nỗ lực đồng bộ của các ngành chức năng và các hội, đoàn thể, nhận thức về dinh dưỡng và cải thiện tình trạng dinh dưỡng của phụ nữ huyện Vân Canh đã có những đổi thay đáng kể, từ đó dần biến thành hành động cụ thể. Tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng của huyện đã giảm từ 26% (năm 2010) xuống còn 22% (năm 2013); trẻ thấp còi còn 28,5%, giảm 1,58% so năm 2012. Hàng năm có 99,8% trẻ em được tiêm chủng phòng 8 bệnh nguy hiểm; 100% trẻ em trong độ tuổi được uống vitamin A; hơn 82% trẻ em được tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B trong vòng 24 giờ sau sinh; trên 98% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván. Công tác cấp thẻ và tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi được triển khai thực hiện tốt.

Chị Đào Thị Lê Hào, Đội phó Đội chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em - KHHGĐ huyện, cho biết: “Hiện nay đa số chị em đều biết cách nuôi con theo khoa học, nhưng vẫn còn những bà mẹ thấy trẻ khóc thì sợ con đói nên cho ăn dặm sớm, hoặc không cho trẻ bú mẹ đầy đủ trong 6 tháng đầu. Do vậy, Đội vẫn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhằm phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi, góp phần nâng cao tầm vóc và thể lực của trẻ em trên địa bàn”.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video