Phụ nữ Nghệ An trong công tác xây dựng gia đình "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc"

04/10/2011
Xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” là một trong những mục tiêu quan trọng được các cấp Hội phụ nữ tập trung chỉ đạo và tổ chức nhiều hoạt động thực hiện có hiệu quả.

100% cơ sở Hội tổ chức phổ biến, quán triệt và phát động cán bộ, hội viên phụ nữ đăng ký xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” gắn với việc thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Hội thường xuyên bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông, tư vấn, hòa giải về hôn nhân gia đình, phòng chống bạo lực gia đình cho đội ngũ cán bộ hội các cấp; phối hợp với các ngành liên quan tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ và nam giới tham gia các hội thi “Tìm hiểu kiến thức pháp luật”, “Phòng chống bạo lực gia đình”...; tổ chức sinh hoạt chuyên đề gia đình cho hội viên, phụ nữ; trong đó, chú trọng tuyên truyền Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... cung cấp kiến thức, kỹ năng làm vợ, làm mẹ, làm dâu, nuôi dạy con; kỹ năng ứng xử trong gia đình, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội cho chị em... Kết quả có 434,865 (đạt 91.5%) cán bộ, hội viên phụ nữ được tiếp cận các thông tin. Các cấp Hội triển khai thực hiện tốt Nghị quyết liên tịch số 01/2002/NQLT giữa Bộ Công an và TW Hội LHPN Việt Nam “Về quản lý giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và TNXH” đã có 92% chi hội, 89% tổ phụ nữ đạt chi, tổ an toàn, 95% gia đình hội viên đăng ký gia đình không có người thân vi phạm pháp luật và TNXH; tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội triển khai Đề án 01 “Tuyên truyền giáo dục cộng đồng phòng chống tội phạm buôn bán PN và TE”; Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt” giai đoạn 2010-2015. Với sự nỗ lực của các cấp Hội, đến năm 2010, có 80% gia đình hội viên đạt gia đình văn hóa đạt.

Các câu lạc bộ xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” ngày càng hoạt động có hiệu quả. Câu lạc bộ trở thành nơi tập hợp, thu hút hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt, tạo mối liên hệ gắn kết giữa hội viên phụ nữ với tổ chức Hội. Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 1.714 câu lạc bộ về gia đình, thu hút hàng vạn hội viên phụ nữ tham gia. Câu lạc bộ được xây dựng với nhiều loại hình đa dạng: “Câu lạc bộ gia đình văn hóa”, “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc”, “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3”, “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc không có tệ nạn xã hội”, “Mái ấm gia đình” ... Có các câu lạc bộ mới: “Cộng đồng tham gia phòng chống bạo hành gia đình”, “Người cha mẫu mực”, “Phụ nữ lên tiếng với bạo hành”, “Nam giới phòng chống bạo lực”... Qua tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, các thành viên được tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức về phương pháp tổ chức cuộc sống gia đình, cùng nhau chia sẻ, trao đổi, giao lưu, học tập, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm, bí quyết về giữ gìn hạnh phúc gia đình; phương pháp quản lý, chăm sóc giáo dục con cái; nâng cao nhận thức về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến gia đình... Nhiều mô hình phù hợp với từng vùng miền tiếp tục được duy trì và phát triển như: “Tổ phụ nữ 4 không” của phụ nữ Thành phố Vinh, câu lạc bộ “Gia đình không có người thân vi phạm ATGT” tại Nghi Lộc, câu lạc bộ “Phòng chống suy dinh dưỡng”, “Vườn rau dinh dưỡng” tại huyện Nghĩa Đàn, Nam Đàn; câu lạc bộ “Phát triển gia đình bền vững” tại Thanh Chương, Yên Thành...

Đi đôi với công tác tuyên truyền giáo dục, Hội phụ nữ các cấp duy trì có hiệu quả phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Chị em giúp nhau về vốn không lấy lãi, hỗ trợ cây, con giống, phân bón, ngày công, kinh nghiệm sản xuất. Năm 2010, các cấp Hội đã giúp gần 1.557 tỷ đồng cho 214.014 gia đình phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Hội còn khai thác các nguồn vốn hỗ trợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho phụ nữ nghèo vay vốn, phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, các cấp Hội đang quản lý nguồn vốn 1.864 tỷ đồng, cho 220.708 gia đình hội viên nghèo vay vốn. Nguồn vốn vay phát huy hiệu quả, đúng mục đích.

Hội LHPN các cấp phối hợp với cán bộ chuyên trách dân số, trạm y tế tổ chức tuyên truyền về kiến thức DS -KHHGĐ, CSSKSS. Đã tổ chức 212 lớp đào tạo kỹ năng truyền thông cho 7.800 tuyên truyền viên, 1.039.755 lượt người được tuyên truyền; khám chữa bệnh và phát thuốc cho 386.980 lượt hội viên; cung cấp dịch vụ khám thai cho 60.178 chị, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khoẻ sinh sản, DS-KHHGĐ… Nhờ đó, chị em đã quan tâm hơn đến việc đi khám phụ khoa, khám định kỳ trong thời gian mang thai, biết sử dụng các biện pháp tránh thai. Qua đó nhiều chị em đã được phát hiện bệnh và điều trị kịp thời; sức khoẻ bà mẹ, trẻ em đảm bảo hơn. Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em, Hội phát động phong trào “Chung tay góp sức vì trẻ em nghèo”, gặp mặt tặng 6.740 suất quà trị giá hơn 221 triệu đồng cho các cháu có điều kiện hoàn cảnh khó khăn, chăm ngoan học giỏi; tổ chức đi thăm và trao 6.800 suất quà cho các cháu thiệt thòi có hoàn cảnh khó khăn, số quà trị giá 560 triệu đồng; phối hợp với ngành giáo dục, các đoàn thể vận động giúp đỡ 914 em học sinh bỏ học trở lại trường đi học.

Những hoạt động của các cấp Hội phụ nữ Nghệ An đã làm chuyển biến nhận thức của hội viên phụ nữvề chức năng của gia đình trong tình hình mới và tác động tốt đến sự phát triển kinh tế gia đình. Đề cao trách nhiệm của chị em trong việc nuôi dạy con, xây dựng gia đình hạnh phúc. Qua đó, giúp chị em nâng cao vai trò, vị thế của mình trong gia đình và xã hội.

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video