Phụ nữ Nhơn Ái giúp nhau vươn lên

14/01/2021
Xác định việc hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Hội LHPN xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, đã triển khai nhiều hoạt động, giải pháp hiệu quả: hỗ trợ vốn từ các nguồn vay ưu đãi, giới thiệu việc làm... Từ đó, giúp nhiều chị em trên địa bàn xã mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.

Theo chị Nguyễn Thị Bé Ðang, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Ái, tháng 8-2017, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp” được thành lập tại ấp Nhơn Bình đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, mô hình đã góp phần tạo việc làm, hỗ trợ vốn cho nhiều hội viên tại địa phương. Cụ thể, mô hình thu mua trái cây của chị Bằng Như Ý (ấp Nhơn Bình) là một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu không chỉ mang đến nguồn thu nhập ổn định mà còn là “cầu nối” tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân. Chị Như Ý kể: “Nhiều năm về trước, tôi chỉ bán lúa gạo, thức ăn gia súc… nhỏ lẻ tại chợ. Nhận thấy trên địa bàn xã nói riêng và huyện nói chung đang phát triển mạnh diện tích trồng cây ăn trái, 3 năm qua, tôi bắt đầu đi thu mua trái cây. Cũng nhờ Hội hỗ trợ vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), tôi mới có điều kiện phát triển công việc này”. Theo chị Như Ý, bình quân mỗi ngày, chị thu mua cả tấn trái cây các loại, thu nhập từ 400.000-1 triệu đồng, tùy thời điểm. Riêng cửa hàng bán lúa gạo, thức ăn gia súc, phân bón,… còn mang đến thu nhập hơn 150.000 đồng/ngày. Nhờ chí thú làm ăn, kinh tế gia đình chị Như Ý ngày càng khấm khá.

Gia đình chị Lại Thị Ðẹp, cùng ngụ ấp Nhơn Bình cũng được Hội hỗ trợ vay vốn từ nguồn Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế. Chị Ðẹp bộc bạch: “Trước đây, gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Hội đã hỗ trợ tôi làm hồ sơ vay 50 triệu đồng để khởi nghiệp. Với số tiền này, tôi đầu tư nuôi heo sinh sản; đồng thời, mua bán trái cây. Mỗi năm, tôi mua “mão” (mua bao toàn bộ trái trên cây trước khi vào vụ) vài chục vườn cây ăn trái, thu hoạch liên tục trong nhiều tháng. Với việc này cộng thêm mô hình nuôi heo, mỗi năm, tôi thu lời gần 100 triệu đồng. Nhờ vậy, gia đình tôi thoát nghèo, kinh tế ổn định hơn trước rất nhiều”.

Không chọn hướng đầu tư khởi nghiệp lớn, chị Trần Yến Trinh, ngụ ấp Nhơn Bình, làm xe bán bánh mì tại chợ. Sau khi nghỉ làm công nhân, chị Trinh sử dụng 3 triệu đồng vốn vay Ngân hàng CSXH để mua 1 chiếc xe bán bánh mì. Chị kể: “Mỗi buổi sáng, tôi bán khoảng 150 ổ bánh mì thịt, thu nhập khoảng 300.000 đồng. So với đi làm công nhân xa nhà thì giờ đây, công việc tại nhà nhẹ nhàng và có thu nhập cao hơn hẳn”.

Ðời sống nhiều chị em trên địa bàn xã Nhơn Ái đã cải thiện đáng kể sau khi được vay các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế. Thiết thực làm tốt vai trò đồng hành, giúp chị em khởi nghiệp, Hội LHPN xã luôn quan tâm, tạo điều giúp chị em được vay từ nguồn vốn “Vì quê hương”, các tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm, hùn vốn xoay vòng, vốn từ Ngân hàng CSXH... Chị Nguyễn Thị Bé Ðang, Chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Ái, cho biết: “Chúng tôi đang duy trì hoạt động của 14 tổ tiết kiệm và vay vốn Ngân hàng CSXH, giúp nhiều chị vay với tổng số dư nợ 23,3 tỉ đồng. Ðối với việc hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, trong năm qua, Hội hỗ trợ 70 thành viên mô hình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp” vay hơn 2,5 tỉ đồng để đầu tư kinh doanh, mua bán nhỏ. Ðồng thời, Hội còn duy trì hoạt động tổ liên kết may gia công quần áo, giúp giải quyết việc làm cho hơn 12 chị trên địa bàn với thu nhập từ 2,5-3 triệu đồng/tháng”.

Bên cạnh đó, Hội LHPN xã luôn quan tâm chỉ đạo các chi hội bám sát địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của hội viên, nhất là chị em có hoàn cảnh khó khăn; tiến hành rà soát nhu cầu việc làm, ý tưởng kinh doanh, tạo điều kiện hỗ trợ chị em bằng nhiều hình thức. Hội còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các buổi sinh hoạt, chia sẻ kinh nghiệm giữa các hộ kinh doanh để trang bị kiến thức, bồi đắp ý tưởng kinh doanh, định hướng nghề nghiệp cho hội viên. Từ đầu năm 2020 đến nay, Hội đã tổ chức 4 cuộc tuyên truyền thu hút 152 lượt chị dự. Ðồng thời, Hội LHPN xã Nhơn Ái còn vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả. Trong năm 2020, mô hình “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và khởi nghiệp” đã phát triển mới thêm 20 thành viên, nâng tổng số thành viên là 70 chị. Thông qua hoạt động vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, nhiều hội viên phụ nữ trên địa bàn xã đã vượt khó vươn lên, tự tin và mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình.

 

Hồng Vân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video