Phụ nữ Sơn La trong Chiến dịch Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ

07/05/2020
Trong chiến dịch Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Sơn La giữ vị trí quan trọng, là cửa ngõ tiến vào Tây Bắc, những con đường huyết mạch nối đồng bằng Bắc Bộ, chiến khu Việt Bắc, Khu III, Khu IV với chiến trường. Với vị trí chiến lược quan trọng đó, Sơn La cùng cả nước huy động sức người, sức của phục vụ chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng. Trong đó, phụ nữ Sơn La đã sẵn sàng tham gia chiến đấu, hi sinh và hết lòng phụng sự Tổ quốc.
Ảnh minh họa, nguồn ảnh http://baoninhthuan.com.vn/

Với chiến dịch Điện Biên Phủ, dù không trực tiếp cầm súng nhưng các chị tham gia đi tải lương, phục vụ chiến dịch. Phụ nữ các dân tộc: Thái, Mông, Dao, Khơ Mú, La Ha…. xuống núi “tay xách, nách mang” nào lợn, gà, dê, ra xanh, ngô, khoai... ủng hộ bội đội đánh giặc. Các cán bộ phụ nữ xuống cơ sở tuyên truyền cho chị em hiểu rõ đi dân công là để phục vụ chiến dịch, giúp bộ đội đánh giặc giải phóng quê hương. Tham gia phục vụ thương binh trong các bệnh viện dã chiến, thiếu thuốc chị em tìm kiếm lá cây rừng để chữa cho thương binh. Mặc dù phải ăn khoai, sắn, củ mài thay cơm, nhưng chị em vẫn giữ đúng số lượng thóc, gạo đã được giao, tổ chức thành tổ xay giã, đội vận chuyển, sẵn sàng giúp đỡ nhau lúc cần kíp. Thóc ở hậu phương chuyển lên chưa kịp xay giã, chị em đã thức suốt đêm giã gạo và sàng sảy để có đủ gạo cho bộ đội ăn no đánh thắng.

Trong chiến dịch Tây Bắc, Hội Phụ nữ Sơn La đã vận động được 2.622 chị xung phong đi tiếp tế vận tải lương thực, đạn dược cho bộ đội chiến đấu. Chị em rất đoàn kết, yêu thương và coi nhau như ruột thịt, cùng nhau thi đua gắng sức vận chuyển thật nhiều lương thực, vũ khí. Có chị gánh năng suất tăng từ 15-25 kg/chuyến, vượt qua các đèo cao hơn 1.000m như: Khau Vạt, Lũng Lô, đảm bảo kế hoạch trên giao. Chị Hiếu, chị Cảnh, chị Huệ ngoài nhiệm vụ của mình còn gánh giúp anh chị em trong đơn vị trèo qua dốc cao hay vượt suối và những nơi nguy hiểm để đưa hàng đến nơi an toàn. Đường dài, gánh nặng, đi đêm, vượt qua những quãng bom nổ chậm của địch nhưng chị em không nao núng tinh thần, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tổng kết chiến dịch Tây Bắc năm 1952, đã có 50 chị em được Bộ Tổng tư lệnh khen.

Đến tháng 8-1953, sau thất bại tại Thượng Lào, quân Pháp bị bao vây buộc phải rút khỏi tập đoàn cứ điểm Nà Sản, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La được hoàn toàn giải phóng. Bắt đầu từ đây, Sơn La trở thành hậu phương trực tiếp của mặt trận Tây Bắc và chiến dịch Điện Biên Phủ.

Năm 1953, Hội Phụ nữ khu Tây Bắc được thành lập. Ban Chấp hành gồm có chị Lê Minh Câm - làm Hội trưởng (do Khu ủy chỉ định), các ủy viên là chị Mễ, chị Cúc, chị Tiến, chị Hồng Đào, chị Hảo, chị Hom, chị Vân Sinh. Hội đã đề ra công tác trước mắt là: Đảm đang công tác hậu phương, động viên chồng con đi giết giặc cứu nước; Vận động phụ nữ đi dân công, tiếp vận phục vụ tiền tuyến; Chăm sóc thương binh, gia đình bộ đội; Củng cố cơ sở vùng bị chiếm và các huyện miền núi cao; Đào tạo cán bộ, nâng cao nâng lực lãnh đạo, chỉ đạo, đi sâu, đi sát phong trào; Vận động thực hiện phong trào “đời sống mới” ăn, ở sạch sẽ, ăn chín, uống sôi.

Sự ra đời của Hội Liên hiệp Phụ nữ khu Tây Bắc là một mốc quan trọng đánh dấu phong trào phụ nữ các dân tộc Tây Bắc, trong đó phụ nữ Sơn La, đã có bước trưởng thành lớn. Từ đây, chị em phụ nữ các dàn tộc Tây Bắc đã có một tổ chức của riêng mình, lãnh đạo cả giới đồng tâm, hiệp lực cùng với nam giới giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ. Đồng thời nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng cho chị em, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền.

Đặc biệt trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, hiểu rõ ý nghĩa tầm quan trọng của chiến dịch, chị em đã vận động gia đình tự nguyện đóng thuế, cho Nhà nước vay thóc, bán gạo, bán thực phẩm, trồng nhiều rau xanh cung cấp cho mặt trận, tích cực đi dân công phục vụ chiến trường. Sơn La đã huy động 21.687 người, trong đó có 5.071 là phụ nữ đi dân công, đóng góp 2.484.759 ngày công làm đường 13, đường 41, làm kho lán, bốc vác và phục vụ thương binh. Đặc biệt, phụ nữ ở Quỳnh Nhai rất dũng cảm, bom đạn địch bắn phá như mưa nhưng chị em không hề nao núng, có chị bị thương nhưng vẫn không chịu quay trở lại, làm gương cho chị em khác quyết tâm đến đích. Có chị gánh năng suất tăng từ 15 đên 40kg/chuyên như chị Cau, chị Gon...

Ở hậu phương, phụ nữ tích cực xay giã thóc gạo tăng gấp bội, nhiều chị em đã thức thâu đêm, địu con xay giã mặc dù trời rét thấu xương. Ngoài ra, chị em còn vào rừng đào củ mài ăn thay cơm để dành gạo cho bộ đội ăn no đánh thắng. Nhiều chị dân tộc Mông, nhà không có gạo còn đi làm thuê để lấy gạo ủng hộ bộ đội.

Hưởng ứng sự vận động của Khu Hội, phụ nữ các dân tộc Sơn La đã hăng hái tham gia sửa chữa cầu đường: 7.622 chị đã đi làm suốt 6 tháng với 685.980 công. Với khẩu hiệu “đi sớm về muộn” chị em đã bạt tà luy, đắp đá, rải cấp phối, hót bùn... năng suất tăng 450%. Nhiều ngày trời mưa chị em vẫn ra mặt đường vừa làm vừa vui hò:

Trời mưa ướt áo ướt quần

Làm sao ướt được tinh thần chúng ta”.

Bất chấp những hiểm nguy, nhiều nữ dân công, thanh niên xung phong còn tham gia mở đường, sửa đường. Với khẩu hiệu “bảo vệ giao thông tuyệt đối”, chị em dũng cảm đứng cạnh những quả bom nổ chậm làm dấu cho bộ đội, dân công vươt qua, nhiều người còn trực tiếp tham gia chống lầy, phá bom, đắp đường sạt lở, bắc cầu, bắc đá… Nhiều chị xông pha giữa bom đạn để cứu hàng, ngụy trang hàng; số khác lại túc trực ở những đoạn thác, ghềnh hiểm trở, hướng dẫn bè, mảng vượt qua an toàn. Có những đợt mưa to trôi mất cầu, các chị đã nắm tay nhau lội xuống suối, ngâm mình dưới nước, xếp lại đá để xây lại cầu, bảo đảm kế hoạch quân sự. Chị em đã không quản gian khổ, khó khăn, cùng với anh em làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông thông suốt trên các tuyến đường, ngày đêm chốt giữ trên những trọng điểm địch bắn phá ác liệt, như: Ngã ba Cò Nòi, bến phà Tạ Khoa, đèo Pha Đin. Những lúc địch ngừng bắn, chị em đã cùng với anh em ra đào bom nổ chậm, làm lại đường, lấp hố bom để thông đường cho xe ta đi.

Trong các chiến dịch làm đường, nhiều chị đã được bầu là chiến sĩ thi đua, được thưởng Huân chương hạng nhất, nhì, ba của Bộ Tổng tư lệnh. Chị em tích cực vận động chồng, con nhập ngũ, lên đường giết giặc. Đồng bào các dân tộc Sơn La đã ủng hộ mặt trận Điện Biên Phủ 4.000 tấn gạo, 144.993kg t hịt, các loại. 139.730kg rau xanh, vượt chỉ tiêu Trung ương giao. Tổng kết chiến dịch, cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc Sơn La trong đó có sự đóng góp quan trọng của phụ nữ Sơn La đã được Hội đồng cung cấp mặt trận Trung ương khen ngợi.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng anh dũng của dân tộc ta, miền Bắc hoàn toàn giải phóng. Phụ nữ các dân tộc Sơn La đã góp phần xứng đáng vào công cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc./.                                                                

Bình An

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video