Phụ nữ tham gia đẩy lùi căn bệnh lao ra khỏi cộng đồng

30/03/2006
Theo Tổ chức y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một nước thực hiện Chương trình phòng chống lao tốt nhất.

Với sự hỗ trợ của hai tổ chức phi chính phủ: Ủy ban Y tế Hà Lan - Việt Nam (NKNV) và Hội chống lao Hoàng gia Hà Lan (KNCV), Việt Nam đã từng bước mở rộng và đạt gần 100% dân số có thể tiếp cận với DOTS. Chính phủ Việt Nam đã đặt Chương trình chống lao là một chương trình được ưu tiên, được quan tâm đặc biệt.

 

Hiện nay, Chương trình chống lao nước ta vẫn tiếp tục phải đối phó với tình hình nhiễm lao ở mức độ cao, hiện đang đứng thứ 12 trong 22 nước có nhiều bệnh nhân lao trên toàn cầu. . . Trong khu vực Tây Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Philippines về số bệnh nhân lao mắc cũ và mắc mới hàng năm, cũng như bệnh nhân lao kháng thuốc. Việc tiếp cận dịch vụ y tế tại các khu vực khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa và các nhóm người đặc biệt như tù nhân, học viên các trung tâm xã hội (05 và 06), người vô gia cư, bệnh nhân tâm thần còn khó khăn.

 

Để đối phó với bệnh lao, Chương trình chống lao quốc gia đã huy động các tổ chức xã hội cùng tham gia đặc biệt Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam ở các cấp. Qua nghiên cứu và thực tế cho thấy phụ nữ và trẻ em là những người chịu ảnh hưởng trực tiếp của căn bệnh lao. Hiện nay, bệnh lao có xu hướng gia tăng trở lại và có nhiều diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương trong cả nước. Theo Tổ chức y tế thế giới mỗi năm có 3 triệu người chết do lao, trong đó phụ nữ vào khoảng 1 triệu người.

 

Phụ nữ Việt Nam chiếm gần 52% dân số, cũng à lực lượng lao động chính trong gia đình và xã hội. Phụ nữ hay bị lây nhiễm vì hàng ngày phải tiếp xúc chăm sóc chồng con và các thành viên trong gia đình. Tác động đến phụ nữ là tác động đến toàn gia đình và cộng đồng. Nếu phụ nữ được nâng cao hiểu biết và có kiến thức đầy đủ về bệnh lao và cách phòng chống bệnh này thì không những bảo vệ được sức khoẻ bản thân mà còn ảnh hưởng lớn đến các thành viên trong gia đình.

 

Từ tháng 7/1997 đến nay, được sự hỗ trợ về chuyên môn và kinh phí của Bệnh viện lao và bệnh phổi Trung ương và Chương trình chống lao quốc gia, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tiến hành thực hiện Chương trình phòng chống lao với qui mô ngày càng rộng rãi. Với chức năng của một đoàn thể quần chúng, Hội chọn các hình thức hoạt động phù hợp như chỉ đạo các cấp hội cơ sở trong cả nước tuyên truyền đến tổ dân cư, đến từng gia đình các kiến thức phòng tránh căn bệnh lao. Tổ chức các lớp tập huấn đào tạo về kiến thức và kỹ năng tuyên truyền, vận động chị em phòng chống bệnh lao từ gia đình. Tính đến nay, Hội đã tổ chức 30 lớp tập huấn tuyên truyền viên ở 116 xã, phường thuộc 60 huyện, thị của 20 tỉnh, thành trong cả nước. 2000 tuyên truyền viên đã phát những cuốn sổ tay "Tuyên truyền viên phòng chống lao" ở các xã trọng điểm thuộc 30 tỉnh có chương trình và 1 00% các tỉnh, thành lớn trong cả nước. Tính đến nay đã có gần 50.000 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ được truyền thông các kiến thức cơ bản về bệnh lao và. cách phòng chống bệnh lao, các kỹ năng truyền thông vận động phòng chống lao tại gia đình và cộng đồng.

 

Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống lao 24/3 hàng năm, Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam đã tổ chức những cuộc mít-tinh với qui mô lớn tại các tỉnh như Bắc Giang và Thái Nguyên với hàng trăm phụ nữ và nhân dân tham gia. Hội còn triển khai cuộc thi tìm hiểu về phòng chống bệnh lao từ 2002 đến nay. Với hình thức viết và trả lời theo câu hỏi, qua 2 lần tổ chức tại 8 tỉnh đã có 13 000 thí sinh tham gia, chủ yếu là cán bộ hội phụ nữ cơ sở ở 195 xã, phường của 57 huyện, thị hưởng ứng và được các cấp Hội đánh giá rất cao hình thức tuyên truyền này.

Ban Tuyên giáo

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video