Phụ nữ xứ Thanh khát khao vươn lên trong thời đại mới

28/10/2021
Với sự tự tin, nỗ lực không ngừng, phụ nữ xứ Thanh không chỉ góp phần tô điểm thêm phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam, mà còn trực tiếp có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ở tuổi ngoài 60, “người đàn bà thép” - doanh nhân Lương Thị Lài vẫn bền bỉ với con đường mà mình đã chọn

“Người đàn bà thép” hai lần được nhận danh hiệu “Bông hồng vàng”

Chị Lương Thị Lài, Giám đốc Công ty TNHH lưới thép Minh Quang, được mệnh danh là “người đàn bà thép”. Ở tuổi ngoài 60, chị vẫn toát lên bản lĩnh, khí chất của một nữ doanh nhân sẵn sàng dấn thân, không ngại khó, ngại khổ. Vốn là một chiến sĩ công an nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, trong khi chồng cũng là chiến sĩ công tác ở vùng biên không có nhiều điều kiện đỡ đần chị việc gia đình..., chị Lài quyết định nghỉ việc cơ quan để tập trung chăm lo cho gia đình. Chị Lài kể: “Khi ấy, để có tiền trang trải cho gia đình nhỏ của mình, tôi làm đủ nghề, từ nuôi lợn, bóc lạc đến đóng gạch thuê... không việc gì tôi nề hà. Và như một cơ duyên, trong quá trình đi làm thuê, tôi bén duyên với nghề làm lưới thép”.

Chị bắt đầu khởi nghiệp bằng việc tổ chức sản xuất các sản phẩm như: rọ thép, lồng thép, lưới B40... phục vụ cho các công trình giao thông, thủy lợi. Do thiếu máy móc, các công đoạn sản xuất chủ yếu được làm thủ công nên số lượng lao động được chị Lương Thị Lài tạo việc làm lên đến gần 200 người, chủ yếu là chị em phụ nữ, sinh viên ra trường chưa tìm được việc làm. Năm 2000, chị Lài quyết định thành lập Công ty TNHH lưới thép Minh Quang và đến năm 2005, chị quyết định thay đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang công nghiệp, đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại. Hiện tại, công ty đang tạo việc làm cho 50 lao động, trong đó có 30 lao động “đặc biệt”, là những cá nhân lầm lỗi, trở về từ các trại giam. Với các sản phẩm lưới B40, dây thép gai... phục vụ chủ yếu cho các công trình giao thông, thủy lợi trên khắp cả nước và ở nước bạn Lào, năm 2020, doanh thu của công ty đạt 60 tỷ đồng.

Với những thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, chị Lương Thị Lài vinh dự nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc; Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; 2 lần nhận danh hiệu “Bông hồng vàng” qua các năm.

Dù là “người đàn bà thép” nhưng chị lại có một tấm lòng chan chứa yêu thương, sẻ chia trong nhiều hoạt động thiện nguyện: xây mái ấm tình thương; đỡ đầu các cháu mồ côi, tàn tật; giúp đỡ cựu thanh niên xung phong có hoàn cảnh khó khăn; khuyến học...; thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể thăm, tặng quà cho các hoàn cảnh khó khăn. Khi đại dịch Covid-19 xảy ra, dù hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn song chị vẫn tích cực ủng hộ tiền, khẩu trang, nước uống cho công tác phòng, chống dịch.

“Thăng hoa” nhờ tình yêu với nghề thủ công

Nhắc đến những gương mặt điển hình trong làng nghề thủ công mỹ nghệ ở Thanh Hóa, cái tên Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ (Nông Cống) không còn xa lạ với nhiều người.

Sinh ra ở vùng đất Tân Thọ, nơi vẫn có truyền thống làm nghề đan lát tre nứa (rổ, rế, bồ, phên...). Ở chị Thắm có sự khéo léo, chịu thương, chịu khó của người phụ nữ truyền thống và cả tinh thần ham học hỏi, dám thay đổi của phụ nữ hiện đại. Năm 2007, chị Thắm quyết định học, làm và đưa nghề thủ công mỹ nghệ về với chị em phụ nữ Tân Thọ. Năm 2010, được sự giúp đỡ của các cấp hội phụ nữ và Liên minh HTX tỉnh Thanh Hóa, Hội phụ nữ xã Tân Thọ đã thành lập HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ và bầu chị Nguyễn Thị Thắm làm chủ nhiệm, sau đó chuyển đổi thành giám đốc.

Hoạt động của HTX xoay quanh việc dạy nghề và bao tiêu sản phẩm cho người làm nghề. Từ những nguyên liệu tự nhiên như song, mây, bèo, cói... tạo nên các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đồ gia dụng thân thiện với môi trường, được xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Nói về quá trình dạy nghề cho chị em phụ nữ, chị Nguyễn Thị Thắm cho biết: “Nếu cầm tay chỉ việc thì học nghề không khó. Nhưng nó đòi hỏi người học kiên trì. Thời gian đầu của quá trình dạy nghề thực sự khó khăn, sản phẩm hư hỏng, lỗi rất nhiều... nếu không bền bỉ, dễ bỏ cuộc”.

Không chỉ dạy nghề và tạo việc làm cho chị em phụ nữ trong huyện, đến nay, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đã trực tiếp dạy nghề và bao tiêu sản phẩm cho phụ nữ ở 20 xã (hơn 500 lao động làm nghề) trên địa bàn các huyện mang lại thu nhập bình quân từ 3,5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Trong quá trình sản xuất, HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ không chỉ chú trọng đến sản phẩm đẹp mắt, tinh thế, mà còn thường xuyên thay đổi mẫu mã. Nhờ nỗ lực vượt khó, năm 2020, doanh thu của HTX thủ công mỹ nghệ Tân Thọ đạt 6,5 tỷ đồng và năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 song doanh thu dự kiến còn cao hơn năm trước.

Từ phụ nữ nghèo thành bà chủ nuôi dế

Chồng bị liệt phải ngồi xe lăn, con gái mắc chứng trầm cảm, nhưng 10 năm qua, chị Lê Thị Thắng, ở thôn Vân Cát, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy) đã dũng cảm vượt qua khó khăn, là chỗ dựa vững chắc cho gia đình.

Trung bình mỗi năm, chị Lê Thị Thắng có thu nhập từ 500 - 600 triệu đồng từ nghề nuôi dế

Khi chăm sóc chồng ở bệnh viện, chị đã được người nhà bệnh nhân cùng phòng giới thiệu về trang trại nuôi dế của họ. Tại thời điểm đó, chị hoàn toàn bế tắc vì chồng đổ bệnh, chi phí điều trị đã vài trăm triệu, tất cả đều vay mượn. Không còn cách nào khác, chị Thắng chỉ nghĩ được điều duy nhất, đó là phải quyết tâm để cứu gia đình. Chị đi lại giữa việc chăm chồng và học hỏi, tham quan mô hình trang trại nuôi dế của người phụ nữ ấy tại TP. Hà Nội và tỉnh Nam Định. Sau một thời gian cân nhắc, chị quyết định vay 30 triệu đồng từ nguồn vay xóa đói giảm nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Cẩm Thủy để bắt đầu thực hiện mô hình nuôi dế và từ đây, mở ra bước ngoặt mới với gia đình chị.

Với số vốn ít ỏi và được anh em họ hàng hỗ trợ thêm, đầu năm 2012, chị nuôi lứa dế đầu tiên, sau 35 ngày, cho ra dế thương phẩm. Tuy nuôi thành công nhưng bán lại thất bại do không có đầu ra nên chị rong ruổi đi bán hàng cả trong và ngoài huyện. Không nản chí, chị tiếp tục với lứa dế thứ 2, rồi thông qua các trang mạng xã hội để giới thiệu sản phẩm đã cho ra kết quả đáng mong đợi sau nhiều nỗ lực. Đã có nhiều cuộc điện thoại gọi đến cho chị và những người khách đầu tiên là những người đã được chị cho dế.

Thị trường ngày được mở rộng, từ trong đến ngoài tỉnh, chủ yếu là Hà Nội, Bắc Ninh. Mỗi tháng, chị xuất chuồng từ 6-7 tạ dế thương phẩm với giá 100 nghìn đồng/kg. Trung bình một năm, trừ chi phí, mang lại thu nhập cho chị khoảng 500 - 600 triệu đồng. “Khi bắt đầu nuôi dế, khó về kỹ thuật chăm sóc, từ đẻ trứng, nở con, tách đàn. Khi có kinh nghiệm, nuôi dễ dàng hơn nhưng phải chú ý đến thức ăn, tránh rau bị nhiễm thuốc trừ sâu... Đặc biệt, phải tạo môi trường thuận lợi, thoáng mát để dế dễ sinh trưởng”, chị Thắng cho biết.

Dẫu còn những trăn trở về cuộc sống gia đình nhưng với chị Thắng, giai đoạn khốn khổ nhất đã qua đi, chị đã trả hết nợ nần và bắt đầu sống trong ngôi nhà mới, có điều kiện tốt cho con cái ăn học, xây dựng gia đình no ấm, hạnh phúc hơn.

Văn phòng Hội LHPN tỉnh (tổng hợp)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video