Quả hồi lợi tiêu hóa

20/12/2005
Trong y học, quả hồi được dùng làm thuốc lợi trung tiện, giúp tiêu hóa, tăng tiết sữa, bụng đầy trướng... Dạng dùng chủ yếu là tinh dầu pha trong rượu.

Cây hồi (Illicium verum Hook. F) còn có tên khác là đại hồi, bát giác hồi hương, hồi giao, người Tày gọi là mác hồi, mác chác. Hồi là cây đặc sản tinh dầu của tỉnh Lạng Sơn, được trồng thành vùng ở hầu hết các xã phía đông và đông nam. Các tỉnh khác như Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang cũng có trồng.

 

Bộ phận dùng làm thuốc chủ yếu là quả, đôi khi cũng dùng lá. Các bộ phận đều chứa tinh dầu, nhưng hàm lượng cao hơn trong quả. Quả hồi tươi chứa 3-3,5% tinh dầu, quả khô 10-13%, trong khi lá tươi chỉ có 0,5%.

 

Quả hồi được thu hái ở cây 8-10 năm tuổi vào tháng 7-9 (vụ thu hoạch chính, gọi là hồi mùa) và tháng 11-2 (vụ thu hoạch muộn, là hồi chiêm hay hồi tử quý). Vụ hồi mùa cho quả nhiều và chất lượng tinh dầu cao hơn vụ hồi chiêm. Cây càng lâu năm càng cho lượng quả thu hoạch nhiều hơn. Quả hái về, đem phơi trong sân hoặc sấy ở 30-40o

 

đến khô; có khi còn nhúng vào nước sôi một lúc để quả chuyển màu từ xanh sang vàng, rồi mới phơi. Dược liệu màu nâu đỏ đến nâu sẫm, xếp thành hình sao, để lộ những hạt màu nâu vàng, bóng. Trên thị trường, quả hồi được phân loại như sau:

Loại 1: Là quả có đủ 8 cánh (bát giác), to đều, nâu đỏ, nâu sẫm gọi là hồi đại hồng.

Loại 2: Có một cánh lép, màu nâu sẫm.

Loại 3: Có 3 cánh lép trở lên, màu nâu đen.

Loại hồi xô: Gồm lẫn lộn cả 3 loại trên.

Có thể để nguyên quả hồi để bảo quản và sử dụng, hoặc chiết lấy tinh dầu bằng phương pháp cất kéo hơi nước. Tinh dầu hồi không màu hoặc màu vàng nhạt, chứa 85-95% anethol (hoạt chất tác dụng chính). Giá trị của tinh dầu phụ thuộc vào tỷ lệ của hoạt chất này.


Trong thực phẩm, quả hồi là một thành phần trong bột húng lìu với cách làm như sau: Quả hồi 20 g, quế chi 16 g, đinh hương 8 g, thảo quả 2 g. Tất cả đem sấy khô hoặc rang giòn (không để cháy khét), nghiền nhỏ (khi còn nóng), rây lấy bột mịn, cho bột vào lọ đậy nút kín. Thức ăn có gia vị húng lìu càng tăng thêm hương vị, làm ăn ngon, dễ tiêu.


Y học hiện đại dùng quả hồi làm thuốc lợi trung tiện, giúp tiêu hóa, tăng tiết sữa, giảm đau trong bệnh dạ dày, đau ruột, thấp khớp, chữa nôn mửa, bụng đầy trướng, suy nhược thần kinh, tắc sữa. Dạng dùng chủ yếu là tinh dầu pha trong rượu.

 

Y học cổ truyền và kinh nghiệm dân gian coi quả hồi là vị thuốc cay, ngọt, nóng, thơm, có tác dụng kiện tỳ, khai vị, giải độc, giảm đau, tiêu thực, chống nôn, diệt khuẩn. Dùng riêng, hằng ngày nhai vài cánh hồi, nuốt nước dần dần để làm thơm hơi thở và làm chắc chân răng. Để chữa đau lưng, lấy quả hồi bỏ hạt, tẩm nước muối, sao, tán nhỏ, mỗi lần uống 6-10 g với rượu, đồng thời chườm nóng bằng lá ngải cứu.


Dùng phối hợp để chữa tiêu chảy thể hàn: Quả hồi 10 g, quế 10 g, đại hoàng 20 g, gừng tươi 25 g, bạc hà băng hay long não bột 25 g ngâm trong rượu tốt để được một lít. Ngày uống hai lần, mỗi lần 25-30 giọt hòa với nước sôi để nguội. Hoặc quả hồi 40 g sao vàng, cam thảo 20 g nướng, mộc hương 12 g, sa nhân 12 g, tán bột, trộn với hồ làm viên bằng hạt ngô. Mỗi lần uống 5-7 viên.


Chữa đau tức, suyễn, toát mồ hôi: Quả hồi, ô dược, thanh bì, siễng mỗi vị 4 g, đem sao chế hồi và ô dược, tán nhỏ, uống với rượu hâm nóng và đồng tiện.


Chữa đại tiểu tiện không thông: Quả hồi 40 g, hạt bìm bìm biếc 160 g, sao vàng. Tất cả tán nhỏ, mỗi lần uống 4 g với nước gừng.


Trong thiên nhiên còn có cây hồi núi (Illieium griffithii Hook. f. et Thoms) có chất độc không được khai thác và sử dụng làm thuốc. Ai dùng nhầm phải quả hồi núi sẽ bị ngộ độc với triệu chứng nôn mửa, đau bụng, rát họng, chân tay lạnh, chảy nước dãi. Đặc điểm khác nhau giữa quả hồi thật và quả hồi núi:


Hồi thật: Quả thường có 8 đại (gọi là cánh) cũng có khi gặp quả có 9-12 đại, nhưng hiếm. Đại dày và đều, đầu mỗi đại có mũi nhọn ngắn và thẳng. Tinh dầu nhiều, mùi hồi rõ rệt, chứa amethol là hoạt chất tác dụng.


Hồi núi: Quả có 10-13 đại, kích thước hơi nhỏ hơn. Đại mỏng và không đều, đầu mỗi đại thuôn thành mỏ hẹp, cong vào phía trong. Tinh dầu ít, mùi hồi pha long não và hồ tiêu, chứa chất độc.

Theo Sức Khỏe & Đời Sống

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video