Quảng Ninh: Nữ nông dân thu 2,8 tỷ/năm từ con rươi, con cáy

22/11/2017
Với những thành công từ mô hình nuôi và kinh doanh đặc sản địa phương, chị Nguyễn Thị Chúc đã mang đến công việc ổn định, thu nhập tốt cho bà con nông dân, góp phần phát triển kinh tế nông thôn mới tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Rươi, cáy là loài vật thường xuất hiện ở những vùng bãi bồi ven sông, nơi có sự tác động của thuỷ triều lên xuống. Những loài vật này được coi là món quà của thiên nhiên, không mất nhiều chi phí đầu tư, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng lượng rươi, cáy sinh sống trong tự nhiên có số lượng hạn chế, không đủ phục vụ nhu cầu thị trường. Đi đầu trong mô hình nuôi rươi, cáy tại Khu Xuân Cầm, phường Xuân Sơn, thị xã Đông Triều, Quảng Ninh, là gia đình chị Nguyễn Thị Chúc.

Dám nghĩ dám làm

Chồng mở xưởng đóng tàu, vợ mở tiệm tạp hóa, kinh tế gia đình khá ổn định, đủ để nuôi con ăn học, nhưng được sự động viên của Hội LHPN xã Xuân Sơn (nay là phường Xuân Sơn), chị Nguyễn Thi Chúc đã mạnh dạn đấu thầu 5ha đất tại khu Xuân Cầm để trồng lúa, bắt rươi, bắt cáy.
Chị Nguyễn Thị Chúc đã bắt đầu công việc của một người nông dân với muôn vàn khó khăn, từ việc cải tạo khu đất ngút ngàn lau sậy thành ruộng, thành đầm, đắp bờ, chia ô để trồng lúa, khai thác rươi, cáy vào ruộng theo con nước thủy triều lên xuống. Tuy nhiên, sản lượng rươi, cáy khai thác theo kiểu tự nhiên cho sản lượng ít, mà lại thường xuyên bị thương lái ép giá.

Nhận thấy rươi thì có mùa, mà cáy thì có thể khai thác quanh năm, năm 2005, chị Nguyễn Thị Chúc quyết định vay tiền ngân hàng, mua lại mảnh đất đang thuê để triển khai mô hình nuôi rươi, cáy. Nhờ những kinh nghiệm tích lũy được từ các năm trước, chị Nguyễn Thị Chúc đã tự đúc kết được kinh nghiệm của riêng mình trong việc ươm giống, chăm sóc và khai thác rươi, cáy. 

 Ảnh minh họa

Thị Chúc trên đường đi làm 


Đặc điểm của những con vật này là ưa sống trong môi trường nước sạch, nên khi trồng lúa, chị Nguyễn Thị Chúc chỉ sử dụng phân bón hữu cơ, không dùng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, hóa chất… để ảnh hưởng đến môi trường sống của rươi và cáy. Để con rươi sinh sôi nảy nở, trước khi cấy lúa cần phải cày thật sâu để cho ấu trùng của con rươi có điều kiện phát triển tốt. Còn với con cáy, chị Chúc đã đắp các bờ cao trên cánh đồng để cáy làm hang, sinh sản. Nhờ cách làm khoa học khi cải tạo đất đai, môi trường sống, sản lượng rươi, cáy chị Chúc thu về đã tăng lên gấp nhiều lần, ước tính mỗi năm thu được khoảng 1 tấn rươi và 10 tấn cáy.

Cùng với việc đầu tư, phát triển mô hình nuôi rươi, cáy, chị Chúc còn chăn nuôi gia cầm, trồng cây ăn quả, thu lợi hàng trăm triệu mỗi năm. Chị Chúc tiếp tục mở thêm nhà hàng kinh doanh các món từ rươi và bán các sản phẩm được chế biến từ rươi, từ cáy để thực hiện giấc mơ làm giàu của gia đình.

Kết nối mọi người

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, chị Nguyễn Thị Chúc còn là Chủ nhiệm CLB Sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh tại Thị xã Đông Triều. Chị Chúc đã vận động cách thành viên trong câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên, giao lưu, gặp gỡ, hỗ trợ nhau về vốn sản xuất, quảng cáo giới thiệu tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch, chất lượng cao, gây quỹ từ thiện…. 

Riêng với mô hình trang trại và dịch vụ của mình, chị Nguyễn Thị Chúc đã đạt doanh thu 2,8 tỷ/năm, tạo công việc cho 9 lao động thường xuyên và 25 lao động thời vụ với thu nhập bình quân 5 triệu/người/tháng. Chị Chúc cũng có nhiều đóng góp với cộng đồng như: đóng góp hỗ trợ phúc lợi xã hội 8 triệu đồng/năm, cho vay không lấy lãi 150 triệu đồng/năm. 

Bằng những hoạt động kinh doanh hiệu quả và những việc làm tích cực dành cho cộng đồng, chị Nguyễn Thị Chúc đã vinh dự nhận được khen thưởng dành cho Hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh (2011-2014), Thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM, Thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước  (2010-2015), Nông dân xuất sắc Việt Nam (2017).

PNVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video