Quảng Trị: Chú trọng xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em

08/03/2019
Tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 5, khóa XII, Trung ương Hội LHPN Việt Nam quyết định chọn chủ đề năm 2019 là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Đây là chủ đề xuyên suốt, thực hiện trong nhiều năm được đề ra để các địa phương triển khai. Tìm hiểu thêm vấn đề này, phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn bà Nguyễn Thị Quế Phượng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Trị về những hướng đi, cách làm góp phần xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Trị

- Thưa bà! Được biết Trung ương Hội LHPN Việt Nam vừa quyết định chọn năm 2019 là “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Đề nghị bà cho biết, môi trường an toàn có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của phụ nữ và trẻ em?

- Vừa qua, tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 5, khóa XII, Trung ương Hội LHPN Việt Nam quyết định chọn chủ đề năm 2019 là “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”. Đây là chủ đề xuyên suốt, thực hiện trong nhiều năm được đề ra để các địa phương triển khai. Trong năm 2019, phương thức thực hiện chủ đề sẽ do các địa phương lựa chọn sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Hiện nay, các cấp Hội LHPN trên toàn quốc, trong đó có tỉnh Quảng Trị đang tích cực triển khai, thực hiện chủ đề năm với nhiều nỗ lực.

Phụ nữ và trẻ em luôn là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất trong bối cảnh thiên tai và bất ổn. Tuy cuộc sống hiện nay đã được cải thiện hơn nhưng họ vẫn đang đối mặt với nhiều nguy cơ mất an toàn. Phụ nữ và trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, mua bán người, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Vì vậy, một môi trường sống an toàn là điều mà mọi phụ nữ, trẻ em mơ ước. An toàn ở đây không chỉ ở nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc, ngoài xã hội mà còn trong chính gia đình của mình. Họ cũng cần được trang bị kiến thức, kĩ năng ứng phó với biến đổi khí hậu; hạn chế sự tác động của vấn nạn thực phẩm bẩn; những nguy cơ nảy sinh từ môi trường mạng… Chỉ trong môi trường an toàn, phụ nữ và trẻ em mới có thể yên tâm học tập, làm việc, phát huy tài năng, trí tuệ của mình.

- Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh đã có những nỗ lực như thế nào để xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em trên địa bàn, thưa bà?

- Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã quan tâm đến việc xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, được đưa vào chương trình công tác hằng năm của các cấp hội trong tỉnh với nhiều hoạt động, giải pháp cụ thể. Trước tiên, Hội LHPN tỉnh tập trung làm tốt công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ thông qua việc tổ chức các hội thảo, diễn đàn, tọa đàm, hội thi, buổi truyền thông, điểm tư vấn pháp lí lưu động… Từ đây, hội viên phụ nữ được tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật, kĩ năng về phòng, chống bạo lực gia đình, ma túy, tệ nạn xã hội, mua bán người, chăm sóc, bảo vệ trẻ em, an toàn thực phẩm… Hội LHPN các cấp trong tỉnh cũng đã xây dựng các mô hình tại cộng đồng gắn với thực hiện các tiêu chí của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, trong tuyên truyền phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống ma túy, tệ nạn xã hội, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống… Đến nay, toàn tỉnh có gần 300 mô hình, câu lạc bộ thu hút sự tham gia của hơn 10.000 thành viên.

Phát huy vai trò, vị trí của mình, thời gian qua, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Hội LHPN các cấp trong tỉnh tiếp nhận, xử lí đơn thư của hội viên phụ nữ phản ánh nỗi niềm cũng như khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống. Cán bộ hội trực tiếp đến thăm hỏi, hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bạo lực. Không chỉ kịp thời động viên tinh thần chị em, cán bộ Hội LHPN tỉnh còn góp tiếng nói yêu cầu các cấp chính quyền, cơ quan chức năng vào cuộc. Ngoài ra, hội còn vận động sự quan tâm, hỗ trợ từ các chương trình, dự án để xây dựng nhiều công trình phục vụ nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của chị em.

Mới đây, thực hiện chủ đề của năm 2018 là “Phụ nữ với an toàn thực phẩm”, các cấp Hội LHPN tỉnh đã tập trung triển khai nhiều hoạt động góp phần đảm bảo an toàn sức khỏe phụ nữ, trẻ em và cộng đồng trước vấn nạn thực phẩm bẩn. Hội đã đề ra các chỉ tiêu cam kết thi đua là mỗi cơ sở hội chọn một hành động về tuyên truyền, vận động hội viên và gia đình thực hiện sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu dùng thực phẩm an toàn. Cùng với đó, mỗi huyện, thị xã, thành phố nhân rộng từ 2-3 mô hình sản xuất, chế biến, tiêu dùng lương thực, thực phẩm an toàn. Với sự nỗ lực cao, các cấp Hội LHPN tỉnh đã tuyên truyền vận động gần 10.000 hộ kí cam kết sản xuất, kinh doanh chế biến tiêu dùng thực phẩm an toàn; xây dựng được 21 loại mô hình sản xuất chế biến, tiêu dùng lương thực thực phẩm an toàn; phối hợp giám sát công tác quản lí nhà nước về an toàn thực phẩm và kiểm tra về an toàn thực phẩm 114 quán ăn, bếp ăn trường mầm non, quầy quán tạp hóa; hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho hội viên phụ nữ đầu tư sản xuất, chế biến; có giải pháp giải quyết đầu ra cho sản phẩm sạch...

Phụ nữ vùng cao tích cực trau dồi kiến thức, kĩ năng thông qua sách báo-Ảnh: QH

- Từ thực tiễn công tác, đề nghị bà chia sẻ rõ hơn về một số mô hình, hoạt động tiêu biểu được triển khai trên địa bàn góp phần tích cực trong việc xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em?

- Trong quá trình nỗ lực xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn, triển khai, xây dựng nhiều mô hình, hoạt động phù hợp với thực tiễn. Điển hình là chỉ đạo và hỗ trợ việc thành lập các câu lạc bộ điểm “Bà mẹ và trẻ em gái phòng chống xâm hại tình dục” ở 9 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, mô hình điểm “Giáo dục hành động về an toàn giao thông” tại Gio Quang, Gio Linh. Cùng với đó, hội chú trọng xây dựng mô hình địa chỉ tin cậy ở cộng đồng, nhà tạm lánh để bảo vệ phụ nữ khi bị bạo hành. Đến nay, 100% xã phường, thị trấn thành lập địa chỉ tin cậy tại cộng đồng, 4 nhà tạm lánh cho phụ nữ tại các xã gồm: Triệu Đông (Triệu Phong), Hướng Tân, Tân Thành (Hướng Hóa), Mò Ó (Đakrông). Đây là nơi chị em tạm lánh trong thời gian bị chồng bạo hành hay chờ li hôn. Từ khi hoạt động đến nay, nhà tạm lánh đã tiếp nhận và tư vấn cho nhiều phụ nữ bị bạo hành, giúp các chị tĩnh tâm vượt qua sóng gió trong cuộc sống. Ở địa bàn miền núi, Hội LHPN các huyện Hướng Hóa, Đakrông đã phối hợp với tổ chức Plan xây dựng mô hình “Nhóm cha mẹ”, các câu lạc bộ “Trẻ em gái”, “Người cha tốt”, mô hình “Góc bếp sạch”... Cùng với đó, chị em ở vùng cao còn xây dựng các mô hình “Vườn rau dinh dưỡng”, “Chăn nuôi lợn quay vòng” với sự hỗ trợ từ Tổ chức Cây hòa bình Việt Nam tại Quảng Trị, tổ chức Plan, hay mô hình “Tiết kiệm xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh” cho phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn đã được chỉ đạo triển khai trên địa bàn toàn tỉnh; mô hình xây dựng nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn khi bão, lũ. Thông qua các mô hình này, cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân địa phương được chia sẻ về kinh nghiệm, kiến thức, kĩ năng về nuôi dạy con, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng giới ...

- Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ có những hướng đi, cách làm gì góp phần xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em, thưa bà?

- Với chủ đề “Năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em”, Trung ương Hội LHPN Việt Nam mong muốn phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp hội và hội viên phụ nữ, vận động sự vào cuộc của các cấp, các ngành và toàn xã hội thực hiện an toàn cho phụ nữ, trẻ em. Trong quá trình triển khai, thực hiện chủ đề năm, Trung ương Hội yêu cầu từng địa phương, đơn vị chủ động nội dung, lĩnh vực về an toàn cho phụ nữ và trẻ em để xây dựng kế hoạch triển khai tại địa phương, đơn vị.

Trên cơ sở đó, Hội LHPN tỉnh đã lựa chọn tiếp tục thực hiện nội dung về an toàn thực phẩm làm vấn đề chỉ đạo thống nhất chung trong toàn tỉnh, tiếp nối sự thành công sau khi thực hiện chủ đề của năm 2018. Đây là vấn đề nóng đang cần tiếp tục thúc đẩy thực hiện gắn với an toàn về sức khỏe, giống nòi và hỗ trợ phát triển kinh tế. Đồng thời với nội dung về an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động về an toàn cho phụ nữ trẻ em trong gia đình. Các nội dung còn lại sẽ do các đơn vị, địa phương lựa chọn theo đặc điểm từng địa phương, đơn vị. Đối với hai huyện miền núi Hướng Hóa và Đakrông, Tỉnh hội yêu cầu chú trọng đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Chỉ tiêu mà chúng tôi đặt ra là mỗi cơ sở hội có ít nhất một mô hình, hoạt động hiệu quả về an toàn cho phụ nữ, trẻ em.

Cùng với đó, các cấp Hội LHPN tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về các vấn đề đặt ra hiện nay ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ, trẻ em; cung cấp kiến thức, trang bị kĩ năng cho phụ nữ và trẻ em; rà soát, xây dựng, kiện toàn các mô hình phù hợp với từng địa phương, đơn vị gắn với nội dung kí kết giao ước thi đua năm 2019; nâng cao năng lực cho cán bộ hội; nghiên cứu, giám sát, phản biện, đề xuất chính sách, bảo vệ phụ nữ và trẻ em; đẩy mạnh phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong từng đối tượng, lĩnh vực; tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”…

- Xin cảm ơn bà!

Theo: http://baoquangtri.vn/QT

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video