Quảng Trị: Nhóm tiết kiệm và cho vay thôn, bản giúp phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao kỹ năng quản lý tài chính

20/06/2022
Nhằm nâng cao quyền kinh tế của phụ nữ nông thôn, được sự hỗ trợ của Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Quảng Trị đã triển khai Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số” thông qua thúc đẩy các nhóm tiết kiệm và cho vay thôn, bản (VSLA) tại 4 xã thuộc hai huyện Đakrông và Hướng Hóa.
Ảnh minh họa

Mô hình hoạt động nhóm VSLA theo hình thức cổ phần tài chính, sau hơn một năm triển khai thực hiện đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực trong việc thay đổi tư duy tiết kiệm, nâng cao quyền tự chủ kinh tế, cải thiện cuộc sống và vị thế của phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ở vùng dân tộc thiểu số miền núi.

Chị Hồ Thị Thương, Chủ tịch Hội LHPN xã Tà Long, huyện Đakrông cho biết: Trên địa bàn xã Tà Long hiện đã thành lập/kiện toàn được 12 nhóm VSLA hoạt động với công cụ hỗ trợ của phần mềm quản lý nhóm TIZO do Tổ chức CARE tài trợ, nhờ đó việc công khai các khoản đóng góp cổ phần, khoản vay và lãi…được thực hiện dễ dàng, minh bạch hơn. Qua theo dõi, năm 2021 bình quân các nhóm, mỗi chị em tiết kiệm được 5 đến 7 triệu đồng, tạo thói quen tiết kiệm trong hội viên. Bên cạnh đó, đây là kênh huy động vốn nhàn rỗi hiệu quả ở thôn, bản thông qua mua cổ phần và các khoản vay thuận tiện cho bà con đầu tư phát triển sinh kế, giáo dục… Đặc biệt, mô hình này giúp chị em phụ nữ vùng dân tộc thiểu số nâng cao kỹ năng quản lý tài chính, dần thay đổi thói quen quản lý chi tiêu trong gia đình vốn trước đây do các ông chồng quản lý. Nhiều chị có đám cưới con đã tìm đến nhóm tiết kiệm và cho vay thôn bản vay tiền sau đó trả dần nên rất tự tin về vị thế của phụ nữ trong gia đình.

 Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số” do Tổ chức CARE tài trợ triển khai tại 4 xã Lìa, Thuận (Hướng Hóa), Tà Long, Hướng Hiệp (Đakrông) năm 2021 đã có 33 nhóm gồm 518 thành viên tham gia với tổng số tiền tiết kiệm hơn 217 triệu đồng/98 triệu đồng cho vay. Mô hình hoạt động hoàn toàn độc lập và tự chủ theo quy chế do chính các thành viên này xây dựng nên. Các hoạt động của mô hình là tự tiết kiệm thông qua hình thức mua cổ phần và số tiền tiết kiệm này sẽ được đầu tư dưới dạng các khoản vay mà các thành viên có thể vay lại.

Qua thực tiễn cho thấy đây là một mô hình phù hợp với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, tạo cho chị em có thói quen tiết kiệm, tạo được nguồn vốn tại chỗ cho nhau vay khi cần thiết, qua đó giúp gắn kết tình cảm, sự hỗ trợ, giúp nhau trong hội viên phụ nữ.

Trước nhu cầu lớn về vốn vay của thành viên, ngoài nguồn vốn từ chị em đóng cổ phần ở các kỳ sinh hoạt, Hội LHPN tỉnh đã khai thác 310 triệu đồng từ dự án “Tăng cường quan hệ hợp tác vì sự phát triển công bằng và toàn diện của đồng bào DTTS” do CARE tài trợ để hỗ trợ vốn cho 31 nhóm (10 triệu đồng/nhóm).

Theo đánh giá của các cấp Hội, điểm nổi bật của mô hình VSLA là vận hành đơn giản, không tính toán nhiều, rất phù hợp với phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia, giúp chị em mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, cải thiện đời sống; tạo cơ hội để chị em chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau về quản lý tài chính, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong gia đình, thúc đẩy bình đẳng giới; tạo ra nguồn vốn vay thường xuyên, liên tục, dễ dàng, thuận tiện cho hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ tại địa phương.

 

Quảng Trị là một trong 15 tỉnh được Tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam tài trợ thực hiện Dự án “Thúc đẩy tài chính toàn diện vì phụ nữ dân tộc thiểu số”. Đây là dự án hỗ trợ về kỹ thuật, trong đó Tổ chức CARE hỗ trợ Hội LHPN về nội dung, kỹ thuật xây dựng mô hình “Tiết kiệm và cho vay thôn, bản” tại cơ sở.

Thanh Hải

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video