Quỹ Dân số Liên hợp quốc và Hội LHPN Việt Nam trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ sinh sản

25/10/2004
Được thành lập năm 1969, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) bắt đầu trợ giúp Việt Nam từ năm 1978.

Tính đến hết năm 2000, trải qua 5 chu kỳ hợp tác, tổng trị giá tài trợ của UNFPA cho Việt Nam là 111 triệu USD, trong chu kỳ 6 (2001-2005) tổng ngân sách UNFPA cam kết tài trợcho Việt Nam là 27 triệu USD. ở 3 chương trình quốc gia đầu tiên, UNFPA chủ yếu tập trung hỗ trợ các phương tiện và dịch vụ cho công tác kế hoạch hoá gia đình và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Các lĩnh vực hỗ trợ khác là các cuộc tổng điều tra dân số năm 1979 và 1989, các hoạt động thông tin-giáo dục-truyền thông, thu thập số liệu, xây dựng chính sách và các động thái dân số. Từ sau Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển được tổ chức tại Cairo 9/1994 các chiến lược của UNFPA về hỗ trợ cho lĩnh vực dân số và phát triển đã thay đổi được thể hiện ở nửa cuối Chương trình Quốc gia thứ 4 và đặc biệt là ở Chương trình Quốc gia thứ 5 và 6. Trong giai đoạn này sự hỗ trợ của UNFPA tập trung vào 3 lĩnh vực chính: sức khoẻ sinh sản, chiến lược dân số và phát triển và truyên truyền vận động.

 

Sự hỗ trợ của UNFPA cho Hội LHPN VN (Hội) cũng nằm trong khuôn khổ các chiến lược hỗ trợ của UNFPA cho Việt Nam. UNFPA là một tổ chức hỗ trợ lớn, lâu đời và liên tục nhất của Hội trong lĩnh vực kế hoạch hoá gia đình/sức khoẻ sinh sản. Bắt đầu quan hệ hợp tác với Hội từ năm 1983, tính đến nay UNFPA đã liên tục tài trợ trực tiếp cho Hội thực hiện 7 dự án, với tổng kinh phí là 2.519.413 USD. Đó là các dự án:


1. VIE/84/P05 -Hỗ trợ cho công tác huấn luyện vận động KHHGĐ (1984-1987)


2. VIE/88/P12 -Hỗ trợ cho công tác huấn luyện vận động KHHGĐ (1988-1991)


3. VIE/91/P01 -Nâng cao địa vị phụ nữ thông qua các hoạt động KHHGĐ và tăng thu nhập (1991-1993)


4. VIE/93/P09 -Hỗ trợ các hoạt động dân số của phụ nữ thông qua các nhóm phụ nữ (1993-1996)


5. VIE/95/P02 -Hỗ trợ các nhóm phụ nữ sức khoẻ sinh sản/tín dụng và tiết kiệm (1995-1997)


6. VIE/97/P11 -Đẩy mạnh bình đẳng giới và trách nhiệm của nam giới trong sức khoẻ sinh sản (1998-2000)


7.VIE/01//P12/PN -Hỗ trợ TW Hội LHPN Việt Nam thực hiện Chiến lược Dân số và Chiến lược chăm sóc sức khoẻ sinh sản (2002-2005)

 

Các dự án do UNFPA tài trợ cho Hội đều mang tính tiên phong trong thử nghiệm mô hình và mở rộng quy mô địa bàn hoạt động. Điều đó thể hiện qua sự phát triển phương pháp tiếp cận đối tượng từ cách tiếp cận đại trà các nhóm đối tượng là bà mẹ sang nhóm phụ nữ KHHGĐ/tín dụng-tiết kiệm trong P01, nhóm cặp vợ chồng và nhóm phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong dự án P09, nhóm phụ nữ SKSS, tín dụng và tiết kiệm trong P02, nhóm bình đẳng giới dành cho phụ nữ, nam giới và nhóm cha mẹ với trẻ vị thành niên trong P11. Các mô hình hoạt động cũng luôn phát triển từ đơn thuần tuyên truyền vận động KHHGĐ sang kết hợp hỗ trợ tăng thu nhập, cung cấp dịch vụ và tư vấn KHHGĐ, nâng cao nhận thức Giới và SKSS.... Chuyển sang chu kỳ 6 (2001-2005), trong khuôn khổ dự án P12, UNFPA tập trung giúp Hội nâng cao năng lực tuyên truyền vận động, truyền thông nhằm chuyển đổi hành vi Dân số vàSKSS qua đó nâng cao bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS.


Các mô hình của các dự án trên đều đã được áp dụng không những chocác dự án khác của Hội mà còn cho chương trình dân số quốc gia và dự án của một số các đoàn thể khác. Tính tiên phong cũng được thể hiện qua việc xây dựng các bộ tài liệu tuyên truyền và đào tạo cho các cấp Hội từ TW đến cơ sở chi tiết, dễ hiểu và phù hợp với từng nhóm đối tượng. Một số tài liệu của các dự án trên được nhân bản để sử dụng không những cho chương trình dân số quốc gia mà còn được một số tổ chức quốc tế áp dụng cho các dự án khác tại Việt Nam.


Các hoạt động đào tạo cho huấn luyện viên, các hội thảo, các chuyến thăm quan nghiên cứu và việc thực hiện các hoạt động khác thuộc khuôn khổ các dự án do UNFPA tài trợ đã giúp nâng cao năng lực cho cán bộ Hội các cấp về các kỹnăng quản lý, lập kế hoạch, biên soạn tài liệu, kỹ năng huấn luyện, tuyên truyền vận động... đồng thời nâng cao kiến thức của cán bộ Hội về CSSKBMTE/KHHGĐ, SKSS, tín dụng, giới trong SKSS...Chính vì vậy, các dự án do UNFPA tài trợ có tính bền vững cao và được nhân rộng ra địa bàn mới.


Sự hợp tác liên tục và hiệu quả giữa UNFPA và Hội đã góp phần quan trọng đạt các mục tiêu về dân số/KHHGĐ/SKSS của Việt Nam và nâng cao địa vị kinh tế và xã hội cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam. Để ghi nhận đóng góp to lớn đó của UNFPA, TW Hội LHPN VN đã trân trọng trao tặng phần thưởng cao quý nhất của Hội- Huy chương “Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ’ cho một số vị đại diện và chuyên gia của UNFPA tại Hà Nội. Tháng 10/2003, Hội LHPN VN đã vinh dự được đón Tiến sỹ Nafis Sadik-Đặc phái viên đặc biệt của Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS tại Châu á, nguyên Tổng Giám đốc Điều hành của UNFPA-tại Văn phòng TW Hội. Nhân dịp này, Hội đã trao tặng Huy chương của Hội cho Tiến sỹ để công nhận sự đóng góp to lớn của Tiến sỹ đối với các hoạt động dân số của Hội và của nhân dân Việt Nam. Hội LHPN VN luôn trân trọng duy trì và phát triển mối quan hệ hợp tác với UNFPA trong các chu kỳ hợp tác tới vì lợi ích của phụ nữ và nhân dân Việt Nam.

Ban Quan hệ - Quốc tế

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video