Rà soát sách giáo khoa tiểu học dưới góc độ giới

20/12/2009
Ngày 19-12, Bộ GD-ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý dự thảo báo cáo rà soát sách giáo khoa (SGK) tiểu học dưới góc độ giới với sự tham gia của nhiều chuyên gia về giới, những nhà biên soạn chương trình, SGK. Hội thảo đã đưa ra những kết quả nghiên cứu phân tích SGK tiểu học dưới quan điểm giới do Bộ GD-ĐT tiến hành năm 2009 với sự giúp đỡ của Văn phòng UNESCO Hà Nội và Văn phòng quốc tế về giáo dục của UNESCO.

Sau khi tiến hành phân tích một số bộ SGK tiểu học: Sách Tiếng Việt (từ lớp 1 đến lớp 5); sách Toán (1-5); sách Tự nhiên và Xã hội (1-3); sách Khoa học (4-5); sách Lịch sử - Địa lý (4-5); sách Đạo đức (1-5), kết quả nghiên cứu cho thấy, có những hiện tượng trong những SGK có thể gây ra những định kiến về giới.

Trong SGK môn Toán cấp tiểu học, hình ảnh nam giới xuất hiện thường đi với các hoạt động yêu cầu có sức khỏe, phức tạp, đòi hỏi khả năng kỹ thuật, trong khi phụ nữ thường mềm mại hơn và ít có những hoạt động khó khăn hơn. Đặc điểm cá nhân, nghề nghiệp của nam giới thường là khỏe khoắn, mạnh mẽ nam tính, lãnh đạo, sử dụng khoa học kỹ thuật, có khả năng làm việc chăm chỉ, thường chơi thể thao còn phụ nữ thường mềm mại (hoạt động hát, múa), khéo léo, biết cách sử dụng các dụng cụ trong nhà, biết làm việc nhà.

Tương tự, trong SGK môn Tiếng Việt (tiểu học), hình ảnh nam giới/các em trai thường xuất hiện với đặc điểm anh hùng/quả cảm, mạnh mẽ, có thể làm những việc phức tạp và cần có sức khỏe, có kiến thức/thông minh, nghịch ngợm, sáng tạo, lãnh đạo còn phụ nữ/ các em gái thường xuất hiện với vai trò là giáo viên, y tá, thợ dệt, tốt bụng và đáng yêu, sạch sẽ ngăn nắp, yếu… Hoặc các tiêu đề/thành phần bài học về gia đình, trong đó, nam giới làm công việc như phi công, bộ đội, bác sĩ, trong khi phụ nữ chủ yếu chỉ làm việc nhà…

Thực tế này đã gây lo ngại, cách tiếp cận trên có thể ảnh hưởng đến định kiến về giới, gây ra những nhận thức lệch lạc về bình đẳng giới cho các em học sinh. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng, SGK là phương tiện truyền tải nội dung tri thức nhân loại, nội dung SGK đã đảm bảo được tính khoa học. Tuy nhiên, từ thực tế có thể thấy các nhà biên soạn chưa chú ý đến việc lồng ghép yếu tố bình đẳng giới.

Chính vì vậy, kết quả của nhóm nghiên cứu có ý nghĩa lớn trong việc đưa luật bình đẳng giới vào giáo dục trong nhà trường, thực hiện lồng ghép giáo dục bình đẳng giới có hiệu quả. Kết quả này cũng sẽ là tư liệu để nghiên cứu, xây dựng chương trình SGK phổ thông mới năm 2015…

Theo SGGP Online

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video