Sau 2 năm thực hiện Văn bản liên tịch về uỷ thác cho vay hộ nghèo

24/03/2005
Thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 9/10/2002 của Chính phủ, ngày 10/4/2003, Hội LHPN Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đã ký Văn bản liên tịch số 213/VBLT về việc tổ chức thực hiện uỷ thác cho vay vốn đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Sau 2 năm thực hiện, việc uỷ thác cho vay đã có những chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ nghèo tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, xoá đói giảm nghèo.

Sau khi có Văn bản liên tịch 213, các cấp Hội đã triển khai việc tuyên truyền tới cấp Hội cơ sở, tới phụ nữ. Hội phụ nữ các địa phương đã tổ chức khảo sát phân loại hộ nghèo hàng năm, trên cơ sở đó có kế hoạch giúp đỡ phụ nữ xoá đói giảm nghèo.Để đảm bảo chất lượng hoạt động của các tổ/nhóm vay vốn, Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPNVN đã chỉ đạo các cấp Hội vừa phát triển số lượng, vừa nâng cao chất lượng các tổ/nhóm phụ nữ vay vốn tiết kiệm, lồng ghép với nội dung các chương trình khác của Hội.

 

Trong 2 năm qua ở các tỉnh, thành phố số tổ tiết kiệm và vay vốn đều tăng từ1,5 đến 2,5 lần, trong đó có một số tỉnh tăng khá như Hà Giang, Tuyên Quang, Ninh Bình, Hải Dương, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Bình Phước, Kiên Giang...Trong toàn quốc, số tổ phụ nữ tiết kiệm và vay vốn đã tăng từ 44.000 lên gần 80.000 tổ, với dư nợ xấp xỉ 4.000 tỷ đồng, chiếm trên 30% tổng số hộ và tổng số tiền dư nợ cho vay hộ nghèo của Ngân hàng chính sách xã hội.

 

Các cấp Hội cũng đã lồng ghép việc vay vốn với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế khác như hỗ trợ tạo viêc làm, tập huấn chuyển giao tiến bộ KHKT, hỗ trợ khởi sự và phát triển doanh nghiệp nhỏ, giúp nhau trong sản xuất và đời sống. Đó cũng là cơ sở để giúp chị em sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi và vốn đúng kỳ hạn đã cam kết. Vì vậy đến cuối năm 2004 nợ quá hạn của các hộ vay vốn do phụ nữ nhận uỷ thác chỉ ở mức hơn 1% dư nợ; nhiều tỉnh ở mức dưới 0,5% như: Cao Bằng, Lạng Sơn, Hải dương, Hưng Yên, Thanh Hoá, Quảng Ngãi, Đắc Lắc, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, An Giang...

 

Nhờ được vay vốn, hàng chục nghìn gia đình phụ nữ đã thoát nghèo. Chị em phụ nữ nghèo nắm vững và tin tưởng hơn vào chủ trương đường lối, chính sách của Đảng; vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên; giảm tình trạng đi vay nặng lãi của chị em, nhất là ở vùng sâu, vùng cao.

 

2 năm qua, tuy việc thực hiện Văn bản liên tịch giữa Hội LHPN Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội đã đạt được những kết quả, những thành tích đáng khích lệ song vẫn còn những hạn chế, đó là: việc hướng dẫn triển khai còn chậm; sự phối hợp giữa Hội phụ nữ và Ngân hàng chính sách xã hội một số nơi chưa chặt chẽ, việc tập huấn cho các cấp hội về quy trình thành lập tổ, quy định của Ngân hàng về điều kiện thủ tục vay còn hạn chế; kiểm tra cấp dưới của mỗi ngành chưa thường xuyên nên phát hiện, uốn nắn cũng như động viên cơ sở chưa kịp thời; một số tỉnh nợ quá hạn còn cao.

 

Từ những kết quả và khiếm khuyết trên, thời gian tới để thực hiện tốt Văn bản liên tịch, nhằm thiết thực giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách xoá đói giảm nghèo các cấp hội và Ngân hàng Chính sách xã hội cần làm tốt một số việc sau đây:

 

Một là: Hội phụ nữ và Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh/thành, các huyện/thị cần tổ chức rút kinh nghiệm sự phối hợp hoạt động thời gian qua, kết hợp với việc triển khai công văn Văn bản thoả thuận giữa 2 ngành tạo nên sự nhất quán trong nhận thức, thực hiện đến các tổ phụ nữ .

 

Hai là: Hai ngành cần kết hợp làm tốt công tác kiểm tra, kiếm soát, tập trung giúp các địa phương củng cố các cơ sở, các tổ phụ nữ yếu, những nơi có nợ quá hạn cao; uốn nắn kịp thời những sai lệch, sớm khắc phục những hạn chế trong thời gian qua, động viên khen thưởng kịp thời những địa phương và cơ sở thực hiện tốt.

 

Ba là: Ngân hàng Chính sách xã hội cần có bộ phận hoặc chuyên viên theo rõi tổng hợp sâu hơn về hoạt động uỷ thác cho vay vốn của các đoàn thể để rút kinh nghiệm, hướng dẫn phổ biến cách làm tốt, chỉ rõ những khiếm khuyết và tạo sự thống nhất chung giữa các đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở.

 

Bốn là: Hai ngành cần làm tốt hơn việc định kỳ cung cấp thông tin để việc chỉ đạo, hướng dẫn được sâu sát, kịp thời.

 

Hội LHPN Việt Nam tin tưởng rằng sự phối hợp chặt chẽ của hai ngành sẽ ngày càng phát triển và hoàn thiện, góp phần để mỗi bên thực hiện tốt nhiêm vụ chính trị của mình trong công cuộc đổi mới đất nước.

Nguyễn Thị Hiền

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video