Saudi Arabia: Giá dầu xuống thấp, nữ quyền lên cao

01/11/2017
Bắt đầu từ việc cho phép phụ nữ lái xe, Saudi Arabia vừa có hàng loạt cải cách nhằm thích nghi với kỷ nguyên hậu dầu mỏ và nâng cao danh tiếng của nước này về vấn đề bình đẳng giới.

Chỉ trong vài năm trở lại đây, khi "rốn dầu" của cả thế giới liên tục phải vật lộn do phải ảnh hưởng của giá "vàng đen" giảm, các quốc gia giàu có tại khu vực đã buộc phải nghĩ tới các kế hoạch đa dạng hóa nền kinh tế, thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Chính từ đây, những nhận thức rất mới về vai trò của nữ giới đối với xã hội và nền kinh tế đã được "cởi trói".

Saudi Arabia, một trong những quốc gia giàu có bậc nhất nhưng cũng bảo thủ bậc nhất, đối với phụ nữ cũng không nằm ngoài xu thế. Mới đây nhất chính là bước đi lịch sử mang tính cách mạng của Saudi Arabia, khi cho phép phụ nữ được ngồi sau vô lăng, chủ động lái ô tô chứ không còn bị cấm đoán như trước nữa. Thế giới ví von Saudi Arabia đang tự phá bỏ những giới hạn của mình để phát triển.

Việc dỡ bỏ luật cấm phụ nữ lái xe được ví như một màn khởi động để phụ nữ Saudi Arabia có thể tự tin đóng góp nhiều hơn đối với nền kinh tế quốc gia này. Nhiều hãng ô tô lớn đã lập tức đổ tiền vào thị trường Saudi Arabia ngay sau quyết định này.

Chưa kể, theo lệnh cấm phụ nữ lái xe kéo dài hàng thập kỷ qua tại nước này, chỉ có công dân và người cư trú là nam giới mới có quyền lái xe. Do vậy, các gia đình ở Saudi Arabia thường thuê tài xế riêng để đưa đón các thành viên nữ trong gia đình tới trường học, công sở và những nơi khác. Theo con số mới nhất, gần 800.000 nam giới, phần lớn là từ các nước Nam Á hiện đang làm công việc lái xe cho phụ nữ ở Saudi Arabia.

Trang mạng Al Arabiya cho biết, trong suốt 4 năm qua, trong chiều đi xuống của giá dầu, Saudi Arabia đã chứng kiến sự đi lên ấn tượng tới 130% số phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động. Theo tính toán, nếu thị trường lao động được bổ sung số nguồn lao động nữ giới trên, kinh tế quốc gia này sẽ tăng 0,9% GDP, tương đương 90 tỷ USD, con số đáng lưu tâm với một quốc gia đang nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Lao động Saudi Arabia đã công bố kế hoạch nhằm giới thiệu 80.000 việc làm mới cho phụ nữ, tập trung vào lĩnh vực dịch vụ như bán hàng thời trang, chăm sóc trẻ em hay nhân viên trung tâm thương mại. Mục tiêu tăng tỷ lệ nữ giới trong nền kinh tế lên 30% chỉ trong 3 năm nữa, gấp đôi con số hiện nay.

Và gần đây nhất, ngày 29/10, nhà chức trách Saudi Arabia thông báo sẽ cho phép phụ nữ vào các sân vận động để xem các trận đấu thể thao kể từ năm tới.

Giới chức Saudi Arabia cũng đang có dự định dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ đến các rạp chiếu phim và khuyến khích cả phụ nữ lẫn nam giới tham gia các hoạt động kỷ niệm, một động thái chưa từng có trước đây ở nước này.

Một động thái khác gây kinh ngạc cho thế giới, Chính phủ Saudi Arabia đã trở thành quốc gia đầu tiên cấp quyền công dân cho một robot nữ mang tên Sophia.

Sophia là robot của công ty Mỹ Hanson Robotics. Trang bị trí tuệ nhân tạo, Sophia có thể giao tiếp với con người và tự học hỏi để nâng cao trí thông minh. Robot Sophia từng thu hút sự chú ý của thế giới khi tham dự hội nghị tại Liên Hợp Quốc.

Saudi Arabia hiện là quốc gia có nguồn vốn đầu tư khổng lồ mang tên Quỹ Đầu tư chung (PIF) với hơn 200 tỷ USD cho lĩnh vực phát triển công nghệ và phát minh. Việc cấp quyền công dân cho cả robot như một lời khẳng định thông điệp đầu tư tương lai, hứa hẹn rằng đây sẽ là vùng đất hứa cho các robot khác.

Trong một diễn biến khác, với nỗ lực nhằm đưa nền kinh tế thoát khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ, Saudi Arabia đã công bố siêu dự án kinh tế khổng lồ trị giá hơn 500 tỉ USD. Khu công nghiệp và thương mại khổng lồ trị giá 500 tỉ USD, còn được biết đến với tên gọi ngắn gọn là NEOM, sẽ nằm tại ngã ba biên giới Saudi Arabia, Jordan và Ai Cập.

Theo Quỹ đầu tư công Saudi Arabia, NEOM sẽ là một trong những động lực kinh tế hàng đầu thế giới. Vị trí chiến lược của nó sẽ nhanh chóng đưa khu vực nổi lên như một trung tâm kết nối châu Á, châu Âu và châu Phi.

Chinhphu.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video