Sẽ còn mãi với thời gian

16/10/2006
Gần 200 hiện vật những nhân chứng lịch sử nâng niu, gìn giữ suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc đã làm rung động trái tim các đại biểu và khách tham dự Triển lãm “Kỷ vật còn mãi với thời gian”

tại Bảo tàng phụ nữ Việt Nam sáng 13/10/2006 nhân kỷ niệm 76 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam.

 

Những vật dụng thô sơ thời chiến, những tấm ảnh chụp nơi chiến trường khói lửa, những dòng nhật ký đã ngả màu thời gian, những lọn tóc cắt vội sau trận sốt rét rừng, chiếc khăn mùi xoa - kỷ vật của tình yêu hoặc người thân tặng trước lúc lên đường ra trận, lá đơn tình nguyện viết bằng máu, chiếc áo vá đẫm mồ hôi, cuốn sổ tay công tác, chiếc độn tóc của người đã nằm xuống….và chiếc đàn ghi ta – “người bạn tâm tình” luôn đồng hành nâng bước chân chiến sỹ, thổi bùng nhiệt huyết các cô gái ngày đêm phá đá mở đường vẫn còn đó – còn nguyên giá trị.

 

Các kỷ vật được trưng bày, triển lãm qua các sưu tập: Lá thư hậu phương, Tấm lòng người mẹ, Kỷ vật của đồng đội, Kỷ vật của các nữ liệt sỹ, Kỷ vật của các Bà mẹ Việt Nam anh hùng là minh chứng lịch sử, thể hiện khát vọng hoà bình, tinh thần đấu tranh anh dũng, ý chí quật cường của người phụ nữ Việt Nam – những người ghé vai “gánh vác sơn hà”, góp phần làm nên những chiến công hiển hách của dân tộc.

 

Triển lãm đưa ta trở lại một thời hào hùng của dân tộc, về những câu chuyện thấm đẫm tình người, sự hy sinh cao cả, tinh thần bất khuất, kiên trung của những người phụ nữ Việt Nam. Đến Triển lãm, người xem không khỏi rưng rưng nước mắt khi được nghe kể về liệt sỹ Lê Thị Ngọc Tiến, Y tá Phòng dân y, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho. Mặc dù bị tra tấn, đánh đập dã man, kẻ thù vẫn không lấy được lời khai của chị về nơi trú ẩn của cán bộ và thương binh. Điên cuồng trước sự kiên gan của chị, ngày 13/4/1972, chúng đã dùng thủ đoạn đê hèn nhất: lôi chị ra sân lột hết quần áo, 12 tên lính, đứa giữ đầu, đứa giữ chân, giữ tay, còn một tên lấy dao mổ bụng moi tim gan chị. Chị đã anh dũng hy sinh trước sự bất lực của kẻ thù và sự xót thương vô hạn của bà con làng xóm. Chiếc cặp tóc mẹ chị tặng từ ngày đầu đến với Cách mạng (năm 1967) chị đang cặp trên đầu đã được bà con chôn theo. 19 năm sau, khi bốc mộ, mẹ chị đã lấy lại và lưu giữ đến tận bây giờ.

 

Còn chiếc độn tóc – báu vật thiêng liêng của một nhà báo đã anh dũng hy sinh là câu chuyện cảm động, bảo vệ đồng đội đến cùng của chị Đoàn Thị Đấu. Được giao nhiệm vụ bảo vệ chị Lê Đoan (Báo phụ nữ giải phóng) khi về công tác tại xã Hậu Mỹ, trong khi đang dự cuộc họp tại ấp Mỹ Trinh, địch đi càn bằng trực thăng, bất ngờ đổ bộ, chị đã khôn khéo đưa chị Đoan trở về hàm bí mật bằng thuyền. Do quá mệt, trên đường đi, chị Đoan bị ngất, mặc dù đang mang thai 7 tháng, chị đã ráng sức cõng chị Đoan về hầm bí mật an toàn. Cảm động trước tinh thần quả cảm của chị Đoàn Thị Đấu, chị Lê Đoan đã tặng lại chiếc độn tóc chị đã làm từ những sợi tóc rụng của mình. Bảy tháng sau, chị Lê Đoan hy sinh.

 

Và còn rất nhiều những hiện vật - những kỷ niệm không thể quên và không bao giờ quên của những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc và những người vẫn còn sống - những nhân chứng trên mọi miền đất nước vẫn còn được lưu giữ và chưa “hội tụ” về đây.

 

Chị Phạm Thị Bình, Trưởng Ban liên lạc Tiểu đoàn nữ bộ đội Trường Sơn tỉnh Ninh Bình - người đã tham gia mở đường 14 - đường Hồ Chí Minh huyền thoại vẫn còn thuộc lòng bài hát “Tình em gửi trọn con đường” cho chúng tôi biết: các chị lưu giữ được gần 200 hiện vật. Chị đã tặng Bảo tàng Trường Sơn, Bảo tàng Lịch sử Quân đội, Bảo tàng Hậu Cần và hôm nay là Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Trong số các hiện vật còn lưu giữ được còn có những chiếc túi nilon được trang bị để đựng quân tư trang, ba lô và đặc biệt là dùng để gói ghém mỗi khi đồng đội hy sinh. Mong muốn của chị là đồng đội của chị trên khắp mọi miền đất nước nếu còn giữ được các hiện vật hãy gửi về đây, góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu mai sau.  

 

Tham dự Triển lãm, bà Helka Ketonen, Chuyên gia Di sản văn hoá và Bảo tàng Văn phòng UNESCO tại Hà Nội xúc động nói: Tôi và những người nước ngoài học được rất nhiều điều bổ ích thông qua Triển lãm này. Tại đây có nhiều bức ảnh và những câu chuyện cảm động, để lại ấn tượng sâu sắc về những người phụ nữ Việt Nam quả cảm, không chịu lùi bước trước khó khăn. Mặc dù trong điều kiện hiểm nghèo nhất, họ vẫn luôn mỉm cười, gương mặt luôn rạng ngời hạnh phúc và hướng tới tương lai. Điều làm tôi ngạc nhiên là họ đã chung sức, chung lòng trong cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ và ở họ toát lên nghị lực và quyết tâm cao.

  

Chiến tranh đã lùi xa hơn ¼ thế kỷ nhưng những đóng góp, cống hiến, hy sinh của các mẹ, các chị, những người phụ nữ Việt Nam giàu lòng nhân ái và quả cảm vẫn còn đó, …chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian.

Đỗ Hoa – Trung tâm Thông tin

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video