Sơn La: Phụ nữ Chiềng Khoi “Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” cho hiệu quả kinh tế cao

03/06/2021
Với phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên, công lao động, giống, phân bón, giảm; dễ dàng chăm sóc, ít phải sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh mà năng suất còn tăng hơn 20% so với phương pháp cấy và bón phân truyền thống.
Nhờ tận dụng quang hợp ánh sáng nên lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, hạn chế được phát sinh của sâu bệnh hại lúa

Điểm sáng của Hội Phụ nữ huyện Yên Châu

Nhằm hỗ trợ hội viên phụ nữ nâng cao năng suất, hiệu quả trồng lúa, góp phần xây dựng nông thôn mới, năm 2018, Hội LHPN huyện Yên Châu (Sơn La) đã lập đoàn công tác cử 10 cán bộ phụ nữ đi huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ học tập kinh nghiệm mô hình “Cấy lúa hiệu ứng hàng biên”. Sau khi triển khai thí điểm, nhận thấy ưu điểm vượt trội của phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên so với phương pháp truyền thống trước đây, Hội LHPN huyện Yên Châu đã vận động chị em phụ nữ hội viên trong toàn huyện phát triển nhân rộng mô hình.

“Từ  09 hộ ở 3 xã cấy thí điểm ban đầu với diện tích 4.780 m2 , đến năm 2021 đã có 417 hộ ở 8/12 xã trong huyện tham gia mô hình “Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” với tổng diện tích 354.850 m2 (>35,48 ha). Trong đó, Hội Phụ nữ xã Chiềng Khoi nổi lên là điểm sáng hăng hái triển khai áp dụng mô hình một cách bài bản, có sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả với 280 hội viên tham gia và diện tích 300.000 m2  (30 ha) - chiếm hơn 84,5% diện tích áp dụng mô hình của toàn huyện”, chị Quàng Thị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Châu, phấn khởi nói.

Trao đổi qua điện thoại, chị Mè Thị Điện (Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chiềng Khoi) nhớ lại, sau khi đi học tập kinh nghiệm mô hình “Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” về, chị triển khai áp dụng ngay ở thửa ruộng 200 m2  của gia đình vụ chiêm năm 2018. “Đây là thửa ruộng duy nhất chưa cấy chị dành để lại từ trước khi đi thăm quan học tập mô hình. Còn các thửa ruộng của bà con trong xã đều đã cấy xong, do gần nguồn nước từ hồ Chiềng Khoi nên bà con thường cấy sớm hơn gần nửa tháng so với các xã trong huyện”, chị Điện giải thích.

“Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” là cấy thưa để biến mọi khóm lúa trong ruộng đều thành khóm ven bờ

Là người trực tiếp tham gia mô hình ngay từ những ngày đầu, và chứa đầy tâm huyết khi vận động chị em hội viên cùng tham gia mô hình, chị Điện cho biết: Điểm đặc thù của phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên là cấy thưa để biến mọi khóm lúa trong ruộng đều thành khóm ven bờ. Mỗi mét vuông chỉ cấy 8-16 khóm tùy đặc điểm riêng của từng giống về chiều cao, dạng hình tán lá, sức đẻ nhánh… thay vì cấy 40-50 khóm theo các phương pháp thông thường. Cứ hai hàng lúa sông hẹp cách nhau 15 cm lại đến sông lớn cách nhau một khoảng 40 cm.

“So sánh qua các năm triển khai cấy lúa hàng biên cho thấy có nhiều ưu điểm vượt trội so với phương pháp cấy lúa truyền thống”, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chiềng Khoi khẳng định. Theo chị, việc cấy lúa hiệu ứng hàng biên rất đơn giản, có ưu điểm tận dụng tối đa ánh sáng chiếu trực tiếp vào gốc, thân, lá của lúa; kích thích lúa đẻ nhánh sớm, khỏe, hạn chế được phát sinh của sâu bệnh hại lúa; tiết kiệm đáng kể chi phí giống, phân bón, công cấy, công chăm sóc; cho nhiều bông to, hạt mẩy, tỷ lệ hạt lép giảm rõ rệt.

Tại hội nghị tổng kết mô hình “Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” năm 2018, Hội Phụ nữ huyện Yên Châu cũng khẳng định, ưu điểm cấy lúa theo phương pháp mới sẽ tiết kiệm gần 50% chi phí về phân, giống, công chăm sóc, gieo trồng trên cùng một đơn vị diện tích, trong khi sản lượng vẫn ổn định và có phần cao hơn trước. Ngoài ra, do cây phát triển chủ yếu nhờ quang hợp ánh sáng nên hạn chế được sâu bệnh, cho cây chắc khỏe, bông lúa to hơn, hạt thóc mẩy hơn.

Chia sẻ về bí quyết vận động bà con phát triển diện tích cấy lúa hiệu ứng hàng biên, Chủ tịch xã Mè Thị Điện cho hay, ban đầu Hội phụ nữ xã chọn 10 cán bộ nòng cốt trực tiếp tham gia mô hình để làm quen phương pháp cấy lúa mới, bước tiếp theo là mời các cán bộ, hội viên tham quan và trực tiếp kiểm định kết quả mô hình vào giai đoạn lúa bắt đầu đẻ nhánh và khi chuẩn bị thu hoạch.

“Được tận mắt thấy phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt so với phương pháp cấy trước đây. Trên cùng một diện tích, nhưng công lao động, giống, phân bón, đều giảm đáng kể; dễ dàng chăm sóc, ít phải sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh mà năng suất còn tăng hơn 20% so với phương pháp cấy và bón phân truyền thống, nên đông đảo hội viên tin tưởng đăng ký tham gia mô hình” – chị Điện hào hứng kể.

Sức lan tỏa của mô hình

Ai có dịp về thăm xã Chiềng Khoi mới cảm nhận được sức lan tỏa của mô hình được thể hiện rất rõ qua từng thửa ruộng, cánh đồng bởi ưu điểm và hiệu quả kinh tế nổi trội của phương pháp cấy mới mang lại. Nhiều chị em ban đầu chỉ cấy thử nghiệm 200 m2 – 500 m2, nhưng sau một vài vụ đã nhanh chóng phát triển diện tích cấy theo phương pháp mới của gia đình. Tiêu biểu như hội viên Mè Thị Chinh, Mè Thị May, Lừ Thị Bốn (bản Tủm), Lò Thị Bình, Hoàng Thị Lan (bản Na Đông), Lò Thị Kim, Lò Thị Mai (bản Mé)… đã hăng hái tham gia mô hình “Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” từ năm 2019 và đến nay đã phủ kín 100% diện tích của gia đình. Một số hội viên nghèo của xã như chị Mè Thị Bình (bản Mé), Cầm Thị Hạnh (bản Tủm)… cũng tích cực tham gia, nhờ vậy đã có đủ gạo ăn quanh năm, không còn cảnh thiếu đói như trước.

Đông đảo chị em trong xã đến tham quan và trực tiếp kiểm định kết quả mô hình khi chuẩn bị thu hoạch lúa

Chị Mè Thị May (50 tuổi) người dân tộc Thái ở bản Tủm kể, trước đây lúa cấy dày, hay bị sâu bệnh, bông ngắn, nhiều hạt lép nên vụ nào cũng thiếu 1-2 tháng phải đi làm thuê để mua gạo ăn, nhưng từ năm 2019, gia đình tham gia “Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” vừa cho nhiều bông to, hạt chắc mẩy, lại bớt công lao động (cấy, làm cỏ, bón phân), giống cũng hết ít hơn. Nhờ đó mấy năm nay, gia đình chị gồm 6 khẩu không những đủ gạo ăn mà còn dư để nấu rượu, nuôi gà cải thiện và cho con gái lấy chồng ở Bắc Yên mang về ăn.

Được biết từ vụ chiêm năm 2020 trở đi, Hội phụ nữ xã Chiềng Khoi tiếp tục phát triển diện tích cấy lúa hiệu ứng hàng biên kết hợp với áp dụng bón phân dúi nhả chậm. Đây là phương pháp bón phân mới có ưu điểm là bón một lần duy nhất cho cả vụ lúa mà không cần bón thêm bất kỳ loại phân nào khác. Đồng thời, giúp cứng cây lúa, hạn chế sâu bệnh, cải tạo đất, kích thích cây lúa đẻ nhánh, tiết kiệm công lao động, giảm lượng phân bón, tăng năng suất và chất lượng lúa.

Theo chị Điện, hiệu quả kinh tế của bón phân dúi nhả chậm là: lúa phát triển tốt và đều, chi phí phân bón giảm 1/3 so với dùng phân bón khác, giảm 1/2 công lao động (thay vì phải bón 3-4 lần khi sử dụng phân bón khác).

Với những ưu điểm đó, mô hình “ Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” kết hợp với áp dụng bón phân dúi nhả chậm được đông đảo chị em phụ nữ trong xã hăng hái triển khai nhân rộng dần qua từng vụ. Đến vụ chiêm xuân 2021, đã có 280/684 hội viên Hội phụ nữ ở 6/6 thôn bản của xã tham gia nhân rộng mô hình “ Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” với diện tích là 30 ha, chiếm 50% tổng diện tích cấy lúa trong toàn xã và gần 16 tấn phân dúi nhả chậm được đông đảo hội viên sử dụng.

Hiện nay, những thửa ruộng cấy theo phương pháp mới kết hợp với bón phân dúi nhả chậm đang trĩu bông, chín vàng chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch. Theo đánh giá của chị Mè Thị Điện, mặc dù bị ảnh hưởng do thiếu nước trong thời kỳ đẻ nhánh, nhưng nhìn chung các thửa ruộng đều đảm bảo năng suất, chất lượng hơn hẳn so với những chân ruộng cấy theo lối truyền thống. Đây là động lực thu hút đông đảo chị em phụ nữ trong xã tin tưởng tiếp tục mở rộng diện tích trong thời gian tới.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai nhân rộng mô hình, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Mè Thị Điện cho biết: Tư tưởng ngại thay đổi, chưa quen với phương pháp cấy lúa mới vẫn còn ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều hội viên và bà con nhân dân. Đặc biệt, phương pháp “ Cấy lúa hiệu ứng hàng biên” kết hợp với bón phân dúi nhả chậm, yêu cầu các chân ruộng phải thường xuyên có nước, trong khi trên địa bàn xã vẫn còn nhiều diện tích canh tác lúa thiếu về nguồn nước tưới cũng gây khó khăn cho việc triển khai áp dụng mô hình.

ĐCSVN

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video