Sự kỳ thị vẫn là rào cản

30/12/2010
Nếu làm tốt công tác dự phòng, tỉ lệ lây nhiễm mẹ con có thể giảm xuống 5% -thậm chí 0%, nhưng chính sự kỳ thị vẫn là rào cản khiến nhiều bà mẹ nhiễm HIV không chủ động tiếp cận dịch vụ. Ông Chu Quốc Ân - Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS - cho biết:

Với tỉ lệ là 0,3%, ước tính mỗi năm có khoảng 4.500 - 5.000 phụ nữ mang thai nhiễm HIV trong cộng đồng. Số thai phụ nhiễm HIV được điều trị dự phòng đều đã tăng lên qua các năm. DPLNMC là 1 trong 9 chương trình chiến lược phòng chống HIV/AIDS ở VN. Hiện nay, các điểm cung cấp dịch vụ Dự phòng lây nhiễm mẹ-con (DPLNMC) đã mở xuống tuyến tỉnh và huyện, lên tới 225 điểm vào tháng 6.2010. Nếu không được can thiệp, cứ 100 bà mẹ mang thai nhiễm HIV sẽ có khoảng 36 cháu bé bị lây HIV từ mẹ. Nếu làm tốt dự phòng lây nhiễm, tỷ lệ lây sẽ giảm xuống 5% thậm chí 0% và mỗi năm có thể cứu được 1.500 cháu bé không bị lây nhiễm HIV từ mẹ. Tuy nhiên, năm 2009, mới chỉ có 1.370 người được điều trị dự phòng. Như vậy, vẫn còn tới 3.000 bà mẹ không tiếp cận được các dịch vụ y tế. Đây là một thực tế mà những người tham gia phòng chống HIV/AIDS cần ý thức.

Sau 5 năm triển khai, 63/63 tỉnh/TP đều cấp thuốc dự phòng cho phụ nữ mang thai, 30 tỉnh/TP cấp sữa, sinh phẩm và dịch vụ trọn gói. Kết quả đầu tư này đã mang lại hiệu quả ra sao, thưa ông?

-  Tôi có thể đơn cử ở TPHCM, tỉ lệ lây nhiễm HIV mẹ-con chỉ còn khoảng 6% - một kết quả mong đợi. Tuy nhiên, sự kỳ thị người nhiễm HIV vẫn là rào cản lớn dẫn đến họ không chủ động tiếp cận dịch vụ. Thậm chí, nhiều người còn chưa biết tới lợi ích của DPLNMC. Mục tiêu của Bộ Y tế là đẩy mạnh các hoạt động can thiệp, nhằm đến mục tiêu năm 2015 sẽ không còn trẻ lây nhiễm HIV từ mẹ. Mục tiêu này được thực hiện sẽ góp phần không nhỏ vào cuộc đấu tranh nhằm đẩy lùi HIV/AIDS. Từ năm ngoái đến nay, đã 2 lần Tháng Chiến dịch dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được phát động, nhằm truyền thông rộng rãi cho người dân biết, nhất là trong bối cảnh dịch HIV/AIDS đang lan rộng ra cộng đồng hiện nay.

Thưa ông, tỉnh Điện Biên đang được nhắc đến như một cơn bão HIV nhưng các hoạt động can thiệp dự phòng lây nhiễm, trong đó có dịch vụ DPLNMC còn quá nghèo, bao giờ mới với được tới mục tiêu chung đó?

- Đúng là Điện Biên đang là một điểm nóng, rất cần được hỗ trợ để phòng chống HIV/AIDS. Mới đây, Điện Biên đã lập đề án can thiệp giảm thiểu tác hại và Chủ tịch tỉnh đang xem xét phê duyệt đề án này. DPLNMC là một phần quan trọng trong đó.

Giá mà được uống thuốc

Nhiều đêm, bà Phương, 60 tuổi ở phường Tân Thanh, TP Điện Biên ôm đứa cháu gái 8 tuổi khóc thầm. Con trai lớn nghiện ma tuý và chết năm 2005 khi mới ở tuổi 32, chưa lập gia đình. Vợ chồng anh Hải - con trai thứ hai cũng lại nghiện và nhiễm HIV. Ngay sau khi phát hiện nhiễm HIV, con dâu và  con Linh - đứa cháu bé bỏng của bà - được chuyển sang phòng riêng. Người ta xì xào nhòm ngó, lườm nguýt... Những người thân nhất đến thăm cũng không ai bế cháu. Sinh con rồi, nhưng vợ chồng anh Hải vẫn tiếp tục sử  dụng và buôn bán ma tuý. Rồi chuyện gì đến phải đến, cả hai người bị bắt và xử tù khi bé Linh được hơn 3 tuổi. Chồng ốm và nằm viện, con nằm trong trại, một mình bà Phương vừa đi đồng nát, vừa chạy đi chạy lại lo hết chồng, đến con, và cháu. Rồi chồng bà, vợ chồng anh Hải lần lượt ra đi, bỏ lại bà và đứa cháu gái đã có kết quả xét nghiệm HIV dương tính. Cháu Linh, từ đó đến nay, đi lớp học nào cũng không có bạn, vì không đứa bạn nào thích gần, mặc dù Linh ngoan và xinh xắn vô cùng. Bà Phương đang là thành viên CLB Hoa Hướng Dương - nơi bà có thể được tư vấn, chia sẻ những thông tin về HIV/AIDS cũng như cách chăm sóc cho cháu. Càng biết nhiều hơn về HIV và việc có thể tránh lây cho trẻ, bà càng tiếc cho cháu mình. Giá mà mẹ cháu được phát hiện sớm, được uống thuốc, có thể cháu bà sẽ có một tương lai tươi sáng hơn!

    Huyền Trang

Xin cảm ơn ông! 

Theo baolaodong online (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video