Tảo hôn là một hình thức bạo lực chống Phụ nữ

28/12/2010
Theo IPS, the Washington post cũng như nhiều phương tiện thông tin khác, ngay đầu tháng 12, 2010 vừa qua Thượng viện Hoa kỳ đã nhất trí thông qua Đạo luật “Bảo vệ các em gái trên toàn thế giới bằng cách ngăn ngừa tảo hôn”. Các tổ chức bảo vệ quyền lợi của Phụ nữ đang ráo riết vận động và hối thúc Hạ viện Mỹ sớm thông qua Đạo luật này vào cuối năm nay.

 Jennifer Redner, cố vấn của Liên minh Quốc tế vì Sức khỏe Phụ nữ (IWHC) chuyên theo dõi mọi vấn đề trong chính sách đối ngoại của Hoa kỳ liên quan đến quyền và lợi ích về sức khỏe của phụ nữ và em gái, đã nói rằng,đạo luật này là cơ hội để chấm dứt tình trạng tảo hôn đang lan tràn trên thế giới, một vấn nạn có thể làm tiêu tan mọi nỗ lực nhằm đạt được Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ LHQ cũng như đạt hiệu quả cao trong các chương trình phát triển của Mỹ ở nước ngoài.

 

Chẳng hạn, ở rất nhiều nước phát triển và đang phát triển, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở các em gái tuổi teen là do những tai biến liên quan đến việc mang thai và sinh con. Đối với số các em gái từ 14 tuổi trở xuống, nguy cơ bị tử vong do mang thai hoặc sinh con là cao gấp 5 lần so với phụ nữ tuổi từ 20-24.

 

Tảo hôn cũng có thể đẩy các em gái vào nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV/AIDS. Một nghiên cứu về các em gái tuổi từ 15 -19 ở Kisumu, Kenya đã phát hiện ra rằng gần 33% các em gái đã kết hôn có dương tính với HIV, so với 22,3% ở số cùng tuổi không kết hôn nhưng có quan hệ tình dục.

 

Trả lời phỏng vấn của phóng viên IPS (LHQ) về việc tảo hôn có ảnh hưởng đến tương lai của các em gái như thế nào, bà nói: “Không quan trọng là tảo hôn xảy ra ở đâu, nước phát triển hay đang phát triển, nó đều ảnh hưởng đến nhân quyền và sức khỏe của các em gái. Trên thế giới, có hơn 60 triệu các cô gái tuổi 20 – 24 đã kết hôn trước 18 tuổi – Họ thường là phải tuân theo sự sắp đặt của bố mẹ và thường lấy người đàn ông lớn tuổi hơn rất nhiều và họ không được phép từ chối.

 

Tảo hôn thường xuyên dẫn đến tử vong trong khi mang thai và sinh con. Các cô dâu trẻ cũng thường hay bị bạo lực giới, và cũng rất hay mắc các căn bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục, kể cả HIV. Mọi em gái đều có quyền được lựa chọn và có cơ hội để chọn cách sống cho riêng mình. Đạo luật này sẽ giúp các em gái trên thế giới thực hiện được điều này.

 

Về câu hỏi, Hoa kỳ sẽ vận dụng Đạo luật này ra thế giới thế nào, bà nói: Đạo luật “Bảo vệ các em gái trên toàn thế giới bằng cách ngăn ngừa tảo hôn” có một số điều then chốt, tất cả những điều đó hợp lại sẽ tạo ra hàng loạt các công cụ và hỗ trợ nhằm đấu tranh với các vụ tảo hôn và kết hôn ngoài ý muốn.

 

Thông qua các báo cáo nhân quyền, Bộ trưởngngoại giao Hoa kỳ sẽ lập báo cáo về thực trạng trong lĩnh vực này tại các nước có vi phạm. Sau đó sẽ gửicông hàm đến chính phủ, nơi mà Mỹ cho rằng có vi phạm nhân quyền.

 

Hiện tại, Hoa kỳ đang đầu tư hàng tỷ Đô la Mỹ qua các chương trình hỗ trợ phát triển ở nước ngoài, như y tế, giáo dục và xóa nghèo – phần lớn là thông qua USAID. Trong các khu vực thường hay có hiện tượng tảo hôn, việc áp dụng các điều khoản đạo luật này cần phải được đưa vào nội dung của các chương trình, dự án hiện Hoa kỳ đang thực hiện.

 

Mới đây, Hoa Kỳ, thông qua USAID, hỗ trợ một số chương trình nhằm cùng với các cộng đồng xã hội tập trung tháo gỡ vấn đề này và bảo vệ nhiều hơn số em gái khỏi bị tảo hôn, khi chúng chưa được chuẩn bị đầy đủ về thể chất và tinh thần. Cho đến nay vẫn chưa có một chiến lược hay kế hoạch hành động đủ tầm nào để giải quyết vấn đề này một cách toàn diện. Do vậy, một phần quan trọng của đạo luật này là kêu gọi Nhà trắng xây dựng một chiến lược để chấm dứt tình trạng tảo hôn.

 

Trả lời về việc gần đây có nhiều quốc gia đã có quyết định tăng độ tuổi tối thiểu có thể kết hôn lên 18, bà nói:

 

Các nước đã định ra tuổi tối thiểu để kết hôn và đang tăng cường hiệu lực của quy định này cần phải làm việc với các tổ chức, cộng đồng để tìm ra các giải pháp lâu dài. Việc trao đổi, làm việc với các bậc cha mẹ, các nhà lãnh đạo cộng đồng là rất quan trọng để chấm dứt nạn tảo hôn và làm thay đổi các quan niệm và những giá trị đối với các em gái. Tăng độ tuổi kết hôn tối thiểu là việc làm cần thiết, nhưng đó không phải là điều kiện cần duy nhất để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh chống tảo hôn.

 

Khi phóng viên cho rằng chấm dứt nạn tảo hôn là một việc làm cực kỳ khó khăn, bởi cho rằng đó là một phần của đời sống riêng tư và có sức ép truyền thống, bà cho rằng: “ Tảo hôn và cưỡng ép kết hôn là một hình thức bạo lực chống phụ nữ. Tư tưởng bạo lực chống phụ nữ cũng là một phần của cuộc sống riêng tư và do vậy tư tưởng này cần được ngăn chặn.

 

Chúng ta tin mỗi phụ nữ và em gái đều có quyền được sống khỏe mạnh và công bằng, và khi có bất kỳ hình thức bạo lực nào chúng ta - như là một cộng đồng quốc tế thống nhất - phải có trách nhiệm làm việc với các cộng đồng xã hội để làm thay đổi các hủ tục và thái độ làm ngơ hoàn toàn hoặc có biểu hiện rõ ràng bỏ qua những hành vi vi phạm nhân quyền.


Rất nhiều gia đình hiện vẫn coi con gái là gánh nặng kinh tế, một số còn trọng nam kinh nữ. Rất nhiều cha mẹ lo lắng sợ con mình có thai trước khi cưới xin do vậy họ coi việc cho cưới sớm là một cách làm an toàn nhất, trong khi trên thực tế thì hoàn toàn ngược lại. Muốn làm thay đổi quan niệm và những hủ tục lâu đời trong dân chúng thì cần phải giáo dục, trong đó có các chương giáo dục tình dục toàn diện, đề cao quyền và lợi ích của các em gái và bình đẳng giới, kể cả quyền từ chối không kết hôn sớm. Cần có nhiều hình thức giáo dục, đào tạo đa dạng như tạo dựng cho các em gái tài sản, có địa vị kinh tế và xã hội nhất định để các em có thể tự mình có những lựa chọn cho việc kết hôn.


Các tổ chức ở Châu Á, Phi và Mỹ latin đang cùng với các cộng đồng địa phương làm việc để giúp ngăn ngừa hoặc xóa bỏ nạn tảo hôn và cưỡng hôn. Ví dụ, tại Cameroun và Nigeri, các đối tác của IWHC đang khích lệ và cổ động cho các chiến dịch vận động loại bỏ tảo hôn đối với các lãnh đạo địa phương và các tổ chức, đoàn thể xã hội. các vị lãnh đạo địa phương nhấn mạnh những lợi ích dành cho sức khỏe và nhân quyền của các em gái nói riêng và cả cộng đồng nơi họ đang sống nói chung. Thông qua giáo dục và nâng cao nhận thức, các cộng đồng đang dần xoát bỏ hủ tục lạc hậu này; họ thừa nhận ràng tảo hôn cướp đi khả năng của em gái bước vào hôn nhân và trưởng thành một cách an toàn.”

 

LHQ, tháng 12, 2010 (IPS)

 

Lương Thành dịch

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video