Tây Sơn: Phát triển du lịch gắn với khai thác giá trị di tích, danh thắng

07/01/2006
Tây Sơn là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch văn hóa. Tuy nhiên, tiềm năng này vẫn như nàng công chúa chưa có đôi đũa thần để đánh thức. Làm thế nào để phát huy tiềm năng này, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện trong thời gian tới ?

* Tiềm năng

Tây Sơn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử và văn hóa có giá trị. Trong tổng số 32 di tích lịch sử cấp quốc gia của tỉnh thì riêng Tây Sơn đã chiếm khoảng 1/3. Trong đó, ngoài hệ thống các tháp Chàm như Dương Long, Thủ Thiện... thì vùng đất này cũng là nơi lưu giữ những di tích gắn liền với công nghiệp của nhiều danh tướng như Quang Trung, Võ Văn Dũng, Bùi Thị Xuân, Mai Xuân Thưởng... Đặc biệt là điện thờ Tây Sơn Tam kiệt gắn với Bảo tàng Quang Trung nơi lưu giữ các hiện vật liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn và Huyện đường Bình Khê, nơi thân sinh Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc từng làm tri huyện trong những năm 1909-1910 và Bác Hồ (khi ấy còn là anh thanh niên Nguyễn Tất Thành) đã từng đặt chân đến đây thăm cha trước khi tiếp tục hành trình đi tìm đường cứu nước.

Ngoài các di tích lịch sử, khu du lịch sinh thái Hầm Hô là một danh thắng đẹp, cũng là nơi đóng quân của phong trào Cần Vương - Mai Xuân Thưởng chống Pháp. Một điều khá thuận lợi là các di tích, danh thắng này của Tây Sơn có thể gắn kết thuận lợi với hệ thống các điểm du lịch khác. Chẳng hạn, từ Tây Sơn có thể lên Vĩnh Thạnh thăm công trình hồ Định Bình, rồi đi theo đường mới lên tham quan vườn cam Nguyễn Huệ, ghé thành đá Tà Kơn và các điểm du lịch sinh thái ở Vĩnh Thạnh. Từ Tây Sơn cũng có thể đi An Nhơn, mà điểm dừng chân là các làng nghề truyền thống và di tích thành Hoàng Đế. Hay cũng có thể gắn các di tích ở Tây Sơn với các di tích liên quan đến phong trào Tây Sơn ở vùng thượng đạo (An Khê).

* Chưa có đôi đũa thần

Trong những năm qua, huyện Tây Sơn cũng đã có một số động thái tích cực nhằm tạo nên một "cú hích" cho ngành du lịch phát triển. Chẳng hạn, từ năm 2003 đến nay, trước yêu cầu bức xúc về quản lý khai thác Khu Du lịch sinh thái Hầm Hô, huyện đã cùng với Công ty Cổ phần Xây dựng 47 liên doanh thành lập Công ty Cổ phần Du lịch Hầm Hô thu hút khách du lịch. Ngoài ra, tỉnh cũng đã đầu tư mở rộng khuôn viên Bảo tàng Quang Trung.

Dẫu vậy, tiềm năng lớn về du lịch của Tây Sơn hiện vẫn chưa được khai thác tốt. Tiềm năng ấy như nàng công chúa vẫn còn ngái ngủ. Đáng chú ý nhất là cơ sở hạ tầng cho du lịch vẫn chưa được đầu tư tương xứng với tầm vóc và giá trị của nó. Cả thị trấn Phú Phong mà chỉ có một khách sạn nhỏ. Các di tích chưa được đầu tư nhiều, nhất là hạ tầng. Địa phương thì cho rằng mình nguồn lực có hạn, kinh nghiệm quản lý chưa nhiều. Còn các công ty du lịch thì cũng mới chỉ dừng ở mức khai thác một số di tích đã được đầu tư.

* Để thu hút 1 triệu khách du lịch trong 5 năm tới

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tây Sơn lần thứ XVIII đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2010 tổng giá trị thương mại, dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng 42% giá trị các ngành sản xuất chính của huyện. Để khai thác tốt các tiềm năng du lịch, Tây Sơn sẽ tăng cường đầu tư bằng nhiều hình thức. Trước hết là đẩy mạnh thông tin quảng bá, tiếp thị, liên doanh liên kết và xúc tiến du lịch; gắn các điểm du lịch của huyện với các tuyến của tỉnh và của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Đồng thời, cũng đẩy mạnh công tác quy hoạch tổng thể cho hoạt động du lịch, song song với việc tiếp tục đầu tư, tôn tạo, nâng cấp các danh thắng, di tích lịch sử - văn hóa, khôi phục các làng nghề truyền thống, làng võ, phục vụ nhu cầu tham quan và hưởng thụ của du khách...

Song song với đầu tư nâng cấp, huyện cũng đã xác định là sẽ vận dụng thật tốt chính sách khuyến khích nhằm tạo điều kiện cho nhân dân, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển kinh doanh du lịch; hình thành một số sản phẩm lưu niệm mang tính đặc thù, hệ thống lưu trú khách du lịch nhà nghỉ, khách sạn, điểm vui chơi - giải trí... nhất là xây dựng một số dịch vụ phục vụ tại Khu Du lịch sinh thái Hầm Hô, Bảo tàng Quang Trung, tháp Dương Long, nhà tưởng niệm Bùi Thị Xuân, Võ Văn Dũng gắn với Khách sạn Phú Phong để phục vụ khách du lịch. Phấn đấu trong 5 năm tới thu hút khoảng 1 triệu lượt khách.

Ngoài sự nỗ lực của địa phương, hẳn nhiên, Tây Sơn cũng cần có sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh, nhất là trong việc nâng cấp cơ sở vật chất và tôn tạo các danh thắng để đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của du khách. Huyện cũng mong muốn tỉnh xem xét công nhận Tây Sơn nằm trong hệ thống các điểm du lịch trọng điểm của tỉnh và của khu vực miền Trung - Tây Nguyên, và đồng ý để huyện cùng với một số đơn vị thành viên xúc tiến thành lập Công ty cổ phần xe buýt vừa phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân cũng như đưa đón khách du lịch.

Khải Nhân

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video