Tháng Hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS: Tư tưởng thoải mái nên “át” hết cả bệnh!

30/12/2010
Năm 2006, được sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và Phát triển (COHED), câu lạc bộ (CLB) Nha Trang Xanh ra đời. Từ đó đến nay, CLB Nha Trang Xanh trở thành mái nhà chung - nơi vun đắp, giúp đỡ và chia sẻ những yêu thương của những người bị nhiễm HIV/AIDS và người thân của họ...

Chúng tôi tìm đến CLB Nha Trang Xanh - mái nhà đầy yêu thương của những người chẳng may nhiễm phải căn bệnh HIV/AIDS tại số 85 đường Hồng Bàng, TP. Nha Trang, Khánh Hòa. Chị Phạm Thị Mai Thanh - Chủ nhiệm CLB tiếp chúng tôi với nụ cười tự tin, lạc quan và thân thiện. Quả thực, nếu không gặp chị ở đây chắc chúng tôi chẳng thể ngờ chị đã mang mầm bệnh chết người này từ 6-7 năm nay...

Nhiễm bệnh từ chồng, mãi khi vào bệnh viện sinh con chị mới phát hiện mình bị nhiễm. Tuy nhiên, được sự chia sẻ và cảm thông của gia đình, lại tham gia sinh hoạt tại CLB ngay từ ngày đầu nên chị Thanh rất hiểu biết về những kiến thức tự chăm sóc bản thân, hay phòng chống lây nhiễm cho người thân và luôn “vững vàng” về tư tưởng. Trò chuyện với chúng tôi, chị Thanh cười lạc quan: Mình chẳng dùng thuốc gì cả, chỉ tham gia sinh hoạt đều tại CLB, tư tưởng thoải mái nên “át” hết cả bệnh đi đấy.

Theo chị Thanh, ngay từ những ngày đầu thành lập, CLB Nha Trang Xanh đã thu hút được 15 thành viên đến sinh hoạt thường xuyên; nơi đây nhanh chóng trở thành tổ ấm của các thành viên.

Các chị đến đây không chỉ để được yêu thương, động viên, chia sẻ trong những lúc khó khăn nhất, mà còn được tham gia nhiều hoạt động sinh hoạt cộng đồng, tiếp thêm sức mạnh để sống vui vẻ, hòa đồng với tất cả mọi người trong xã hội. Đồng thời, đến với CLB, các chị còn được tư vấn tình hình sức khỏe, được cấp và hướng dẫn uống thuốc ARV- một loại thuốc giúp tăng thể lực và sức đề kháng cơ thể.

Tiếng lành đồn xa, ngày càng có nhiều người tìm đến CLB để được tư vấn, chăm sóc sức khỏe và sinh hoạt, nhiều người thân của họ cũng tìm đến đây để có thêm kiến thức về kinh nghiệm chăm sóc, bảo vệ và cách phòng chống lây nhiễm về căn bệnh quái ác này.

Không dừng lại ở việc ngồi chờ các bệnh nhân đến để tư vấn, các thành viên trong CLB còn tìm đến từng gia đình, từng khu dân cư để tìm hiểu, tiếp cận với những người bị nhiễm HIV/AIDS để tư vấn, chia sẻ những khó khăn, hướng dẫn họ đến khám và nhận - uống thuốc ARV. Đồng thời, chăm sóc những nạn nhân đã đến giai đoạn cuối, bị gia đình xa lánh.

Chị Thanh cho biết, có những trường hợp bị bệnh viện trả về, gia đình lại không nhận, các chị bàn nhau đưa người bệnh về nhà một thành viên và hằng ngày thay nhau đến chăm sóc. Đồng thời, tìm đến gia đình nạn nhân thuyết phục họ đón người nhà về chăm sóc, có trường hợp mãi tới khi nạn nhân gần mất, gia đình mới cho đưa về nhà...

Bên cạnh việc tư vấn sức khỏe, kiến thức, chỗ dựa tinh thần cho những người nhiễm HIV/AIDS, các thành viên CLB Nha Trang Xanh còn tham gia sinh hoạt tại các CLB Giáo dục Đồng đẳng; hằng ngày tiếp cận, tuyên truyền giúp công tác phòng chống HIV/AIDS cho nhóm đối tượng mại dâm, ma túy - nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng, xã hội.

Song song với các hoạt động trên, chị em tham gia CLB, con em của những người nhiễm HIV/AIDS còn được đào tạo nghề tranh thêu mỹ thuật Cross Stitch. Sau khi đào tạo, các chị nhận hàng về gia công.

Năm 2007, chị em trong CLB đã tổ chức triển lãm 200 bức tranh thêu nghệ thuật do chính những thành viên trong CLB thêu và đã gây được sự chú ý trong và ngoài tỉnh Khánh Hòa. Một số bức tranh còn được giới thiệu tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, do một số định kiến, kỳ thị xã hội nên những sản phẩm do các thành viên làm ra rất khó tiêu thụ. Trước tình hình đó, các chị đã hợp đồng với một doanh nghiệp tại Lâm Đồng nhận hàng về thêu hưởng tiền công. Đồng thời, các thành viên trong CLB đang xây dựng ý tưởng sẽ tự mua nguyên vật liệu, tự “sáng tác” mẫu mã, thêu tranh và tự bán, tiêu thụ sản phẩm để giải quyết những khó khăn về vật chất, giúp chị em tham gia CLB có điều kiện lo cho cuộc sống gia đình.

Được biết, sau khi dự án tài trợ của COHED kết thúc (năm 2007), kinh phí hoạt động của các thành viên trong câu lạc bộ rất hạn hẹp. Trước đó, các chị được hỗ trợ khoảng 700-800 ngàn đồng/tháng; nhưng hiện nay mỗi chị chỉ được hỗ trợ 400 ngàn đồng/tháng nên rất khó khăn trong việc sinh hoạt cũng như hoạt động. Tuy nhiên, các chị vẫn cố gắng duy trì hoạt động của CLB, hiện mỗi tháng, các chị vẫn tiếp cận, tuyên truyền, hỗ trợ cho khoảng 50 đối tượng bị nhiễm và người thân của họ.

Theo baovanhoa (HM)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video