Thêm nhiều phụ nữ đi làm, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước để đạt được bình đẳng giới

22/04/2010
Theo một báo cáo mới của Văn phòng Lao động quốc tế (ILO) thì mặc dù có nhiều dấu hiệu về sự tiến bộ của bình đẳng giới trong vòng 15 năm qua, vẫn còn có khoảng cách lớn giữa nam và nữ xét về cơ hội và chất lượng việc làm.

Báo cáo có tên là “Phụ nữ trong thị trường lao động: những tiến bộ và các thách thức” cho thấy mặc dù hơn một thập kỷ đã trôi qua sau Hội nghị thế giới lần thứ 4 về Phụ nữ tại Bắc Kinh thông qua cương lĩnh toàn cầu hành động vì bình đẳng giới và nâng cao quyền năng cho phụ nữ, định kiến giới vẫn ăn sâu trong xã hội và thị trường lao động.

 

Báo cáo của ILO cũng chỉ ra rằng tỉ lệ tham gia của lao động nữ đã tăng từ 50.2 đến 51.7% trong khoảng từ năm 1980 đến 2008, trong khi đó tỷ lệ nam giới lại giảm nhẹ từ 82.0 xuống 77.7%. Kết quả là khoảng cách giới trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động đã được thu hẹp lại từ 32% xuống 26%.

 

Sự gia tăng lượng lao động nữ có thể thấy ở hầu hết các nước, trừ ở 2 khu vực đó là Trung và Đông-Nam Âu (không thuộc Khối Liên minh Châu Âu), và khối thịnh vượng các quốc gia độc lập và Đông Á, với con số lớn nhất có thể thấy được ở Mỹ La tinh và Ca-ri-bê. Tại hầu hết các khu vực, dù tỷ lệ tăng đã giảm dần trong những năm gần đây. Trong khoảng thời gian những năm 80 và đầu những năm 90 thì con số phụ nữ tham gia vào lĩnh vực kinh tế là lớn nhất.

 

Tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các công việc được trả công tăng từ 42.8% vào năm 1999 đến 47.3% vào năm 2009, và sự tham gia vào các loại công việc không ổn định giảm từ 55.9% xuống 51.2%.

 

“Trong khi có nhiều lĩnh vực đã được cải thiện kể từ Hội nghị Bắc Kinh và có thêm nhiều phụ nữ lựa chọn đi làm, thì họ vẫn không được hưởng những thành quả như nam giới trong thị trường lao động” Bà Sara Elder, cán bộ của Bộ phận Xu hướng việc làm của ILO, tác giả chính của báo cáo đã nói, “Chúng ta vẫn thấy có nhiều phụ nữ hơn nam giới làm các công việc được trả lương thấp và không ổn định, vì đây là loại công việc chỉ dành riêng cho họ hoặc bởi vì họ cần một vài công việc gì đó để có thể giúp họ cân bằng giữa công việc và trách nhiệm gia đình. Nam giới không phải đối mặt với những sức ép này”.

 

Báo cáo cũng chỉ ra rằng có 3 lĩnh vực cơ bản tồn tại sự mất cân bằng giới trong công việc. Thứ nhất, gần nửa dân số nữ (48.4%) trên 15 tuổi không tham gia hoạt động kinh tế, so với con số 22.3% ở nam giới. Ở một vài khu vực, tỉ lệ phụ nữ tích cực tham gia hoạt động kinh tế thường là dưới 4 nữ so với 10 nam giới. Thứ hai, phụ nữ muốn làm việc thì gặp khó khăn hơn nam giới trong tìm kiếm việc làm. Và thứ ba, khi phụ nữ tìm được việc làm, họ nhận được lương thấp hơn nam giới ở cùng vị trí.

 

“Thị trường và các chính sách lao động cần phải hòa hợp với mô hình về bình đẳng giới hơn, mô hình này cần phải phù hợp và xây dựng lên các giá trị và sự khác biệt cho cả nam và nữ” Bà Elder cũng nói “cần phải thúc dẩy sự tiến triển nhanh và rộng hơn về bình đẳng trong các cơ hội nghề nghiệp và việc làm”.

 

Báo cáo của ILO đã cho biết tác động ban đầu của khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng đến các lĩnh vực nam giới chiếm ưu thế, ví dụ như tài chính, sản xuất và xây dựng, nhưng tác động của nó cũng đã lan rộng đến các lĩnh vực khác, bao gồm lĩnh vực dịch vụ nơi mà phụ nữ tham gia đông đảo hơn.

 

ILO ước tính rằng tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trên toàn cầu đã tăng từ 6.0% vào năm 2007 đến 7.0% vào năm 2009, cao hơn so với tỷ lệ tương tự ở nam giới tăng từ 5.5% đến 6.3%. Tại 4 trong 9 khu vực thì tỷ lệ thất nghiệp nam giới lại tăng nhiều hơn so với nữ giới. Vào năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp nữ giới thì cao hơn nam giới ở 7/9 khu vực, và tại Trung Đông và Bắc Phi thì sự khác biệt cao hơn với khoảng cách về tỉ lệ thất nghiệp giữa nam và nữ tới 7%.

 

Báo cáo cũng nói rằng trong khi lao động nam và nữ thì bị ảnh hưởng như nhau bởi khủng hoảng liên quan đến mất việc thì tác động về giới thực sự của cuộc khủng hoảng này vẫn chưa xuất hiện.

 

“Từ các cuộc khủng hoảng trước chúng tôi biết rằng lao động nữ mất việc làm thường khó khăn hơn trong việc trở lại làm việc khi kinh tế phục hồi” Bà Elder nói. “Đó là lý do tại sao cần thiết phải đảm bảo bình đẳng giới không chỉ là mục tiêu của chính sách nhất thời thường bị bỏ qua trong giai đoạn khó khăn. Bình đẳng giới nên được xem như là phương tiện để thúc đẩy sự tăng trưởng và việc làm hơn bị coi là gây ra chi phí hoặc cản trở”.

 

Bà Jane Hodges, giám đốc của Văn phòng bình đẳng giới của ILO, nhận thấy rằng 15 năm kể từ Hội nghị Bắc Kinh đã đưa ra các bài học quan trọng về cái gì là tốt cho lao động nữ và bình đẳng giới. Bà nói rằng nghị quyết về “Bình đẳng giới cho các công việc tốt”, được thông qua vào năm 2009 tại Hội nghị của ILO, sẽ chỉ dẫn cho những nỗ lực của ILO hướng tới một thị trường lao động trong đó tất cả phụ nữ và nam giới đều có thể tham gia một cách tự do và năng động, bao gồm các nỗ lực để tạo điều kiện tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ thông qua phát triển doanh nghiệp, giải quyết vấn đề tiền công không như nhau giữa nam và nữ, đẩy mạnh bảo trợ xã hội cho tất cả và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong các diễn đàn xã hội.

Ban Quốc tế biên dịch – theo ILO

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video