Thiết thực chăm lo hội viên phụ nữ

08/03/2016
Nhiều năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP Hồ Chí Minh đã có những cách làm hay, sáng kiến độc đáo nhằm thu hút chị em gia nhập, cùng nhau giúp Hội phát triển bền vững. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động nhằm huy động nguồn lực thực hiện công tác chăm lo cho hội viên phụ nữ là một cách làm thiết thực, ý nghĩa và là hoạt động xuyên suốt của Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh trong thời gian qua.

Có thực mới vực được đạo

Nhiều năm qua, phụ nữ thành phố đã xây dựng được đội ngũ cán bộ hội các cấp nhiệt tình, trách nhiệm, có kỹ năng, kinh nghiệm tập hợp hội viên. Nhưng dù có nỗ lực, việc phát triển hội viên vẫn chỉ đạt 75% số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên. Có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu vẫn là do mưu sinh, chị em đi làm cả ngày, không có thời gian dành cho các phong trào hội. Nhiều chị ngại tham gia vì sợ ảnh hưởng thu nhập của gia đình, chăm sóc chồng con. Một số chị em ở độ tuổi sinh nở, nuôi con nhỏ, chưa quan tâm tới công tác xã hội. Do vậy, hội viên phần lớn là cán bộ, công chức nghỉ hưu. Hiểu được điều đó, nhiều năm qua, Hội LHPN thành phố đã có nhiều sáng kiến, hoạt động thiết thực để thu hút hội viên.

Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh Tô Thị Bích Châu chia sẻ: Một trong những cách làm thiết thực và hiệu quả là thu hút mọi nguồn lực để có tiềm lực chăm lo hơn nữa tới nhiều hội viên. Xã hội càng phát triển, phụ nữ càng khẳng định vị thế, vai trò của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Nếu hoạt động hội đơn điệu, chỉ tập trung việc cho vay vốn, tạo việc làm thì rõ ràng quyền lợi mà Hội mang lại chưa đủ sức hấp dẫn. Chỉ khi nào hội viên cảm nhận được Hội là ngôi nhà chung, được thụ hưởng những lợi ích, quyền lợi thật sự, thì lúc đó, họ gia nhập hội là ở lại, không còn tình trạng thích thì tham gia, không thích thì bỏ.

Hội LHPN thành phố đã chỉ đạo các cấp hội vận dụng phương châm “đối tượng nào, mô hình đó”, thành lập nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB) phù hợp với từng tầng lớp phụ nữ. Không chỉ cố gắng giảm hội họp, xuống từng chi, tổ hội, đưa tất cả các chương trình về cơ sở, các cấp hội còn hướng tới mọi thành viên trong gia đình hội viên bằng nhiều hoạt động, như xây tặng mái ấm tình thương, chăm lo Tết cho người nghèo, tổ chức các buổi sinh hoạt linh động vào các buổi tối, trao Quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai...

Năm năm trở lại đây, khi ngân sách Hội LHPN Việt Nam, từ thành phố “rót” về cộng với tiền hội phí, Hội LHPN thành phố nhận được là gần 8,4 tỷ đồng thì số tiền huy động xã hội hóa lên tới 21,2 tỷ đồng, đủ cho thấy những nỗ lực trong công tác huy động xã hội hóa của thành hội phụ nữ nhằm chăm lo, gắn kết, nâng cao đời sống cho hội viên của mình.

Chủ tịch Hội Tô Thị Bích Châu cho biết: “Đó là cả một hành trình không mệt mỏi để xây dựng chữ tín. Khi đồng tiền được sử dụng đúng mục đích, các tổ chức, cá nhân được tham gia, chứng kiến, họ sẽ thấy niềm tin của họ đã được trao gửi đúng địa chỉ. Bên cạnh đó, một mình Hội không thể cáng đáng hết được, chúng tôi tích cực phối hợp tốt với các ban, ngành, đoàn thể để có thể thực hiện tốt nhất các chính sách an sinh - xã hội của thành phố”.

Từ năm 2008 đến nay, đã có gần 570 nghìn lượt phụ nữ nghèo được các cấp Hội hỗ trợ vốn, cây, con giống phát triển kinh tế với tổng trị giá gần 1,25 nghìn tỷ đồng. Tư vấn, hướng nghiệp cho hơn 112 nghìn chị em, giới thiệu việc làm cho 85 nghìn hội viên. Năm qua, 854 "mái ấm tình thương" được trao tặng phụ nữ nghèo, phụ nữ khuyết tật, trị giá hơn 27 tỷ đồng, vượt 500 căn nhà so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ thành phố lần thứ 9 đề ra.

Những hành động cụ thể

Từ những năm 90 của thế kỷ trước, Hội LHPN quận 5 đã có sáng kiến lấy tên nhà cách mạng Nguyễn Thị Minh Khai làm tên của quỹ học bổng chăm lo trẻ em nghèo hiếu học trên địa bàn quận. Nhận thấy hiệu quả, Hội LHPN thành phố đã phát triển quỹ ở tất cả các cơ sở hội toàn thành phố. Còn nhớ, tại buổi lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Quỹ học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, bác sĩ Trần Bình Gấm (Bệnh viện Nhân dân Gia Định), cô bé bán khoai năm nào, nhờ nhận được học bổng mà đỗ ba trường đại học. Chị nói trong nghẹn ngào: “Khi học lớp 5, gia đình tôi rơi vào cảnh nợ nần chồng chất, phải bán nhà, một mình mẹ nuôi năm chị em ăn học. Nếu không nhận được học bổng, không biết cuộc đời của tôi bây giờ đã trôi về đâu”. Đến nay, chương trình đã trao gần 230 nghìn lượt học bổng tặng học sinh, sinh viên với số tiền lên tới 102 tỷ đồng. Bên cạnh việc cấp học bổng, các cấp hội đã vận động 100% số trẻ em độ tuổi đến trường, vận động con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn tới các lớp phổ cập và lớp học tình thương, giúp các em học nghề miễn phí. Hội còn trợ vốn, vận động xây dựng mái ấm tình thương cho gia đình có con em được nhận học bổng.

Nguyên Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh Đinh Thị Bạch Mai, người gắn bó và có công xây dựng, phát triển Quỹ cho biết: “Sự tiếp sức của người lớn không gì ý nghĩa hơn là gieo vào các em hạt mầm yêu thương, chia sẻ, để các em mang hạt mầm ấy đi vào đời, tiếp tục truyền yêu thương, sự tử tế đến những người chung quanh. Đó là giá trị bền vững và nhân bản nhất trong suốt 25 năm qua mà Quỹ học bổng đã thắp sáng, nuôi dưỡng. Để có được kết quả ấy, là nhờ sự lãnh đạo sát sao của Hội Phụ nữ thành phố, sự quan tâm, chăm lo của các má, dì, hội viên, đặc biệt trân trọng những tấm lòng hảo tâm tới từ các quý cơ quan, đơn vị, các nhà hảo tâm”.

Cùng cán bộ Hội Phụ nữ phường 4 (quận Tân Bình) xuống thăm gia đình hội viên Nguyễn Thị Phương vừa được trao "Mái ấm tình thương". Căn nhà ba tầng còn thơm mùi vôi vữa nằm ngay đầu hẻm, diện tích chỉ chưa đầy bốn mét vuông. Bà Nguyễn Thị Hồng, mẹ chồng chị Phương, năm nay 84 tuổi cho biết, con dâu bà làm xe ôm, con trai làm phụ hồ, công việc cả hai bấp bênh cho nên gia đình bà “được” xếp vào hộ cận nghèo. Chủ tịch Hội Phụ nữ phường 4 Nguyễn Thị Thủy Tiên kể: “Thật không tưởng tượng nổi, giữa thành phố còn cái chòi như vậy. Vốn là rẻo đất thừa được mua lại của người hàng xóm, không có tiền xây, gia đình chị Phương kiếm gỗ, thân cây về gác lên thành mấy gác xép, đủ chỗ ngủ cho tám thành viên trong gia đình. Nhà không có đồ đạc gì cả. Tầng một có cái ghế da cũ xin đâu đó về cho nội nằm. Lần đầu tiên tới khảo sát, trèo lên gác xép em đã bị ngã từ trên đó xuống”. Bà Hồng móm mém kể thêm: “Thế mà cũng ở trong cái chòi ấy hơn chục năm đấy. Trời nắng, mặt trời rọi vào tận mặt, ban ngày không thể nằm trong nhà, phải ra ngoài hiên hàng xóm ngồi nhờ. Trời mưa, ướt từ đầu tới chân. Tết năm nay là cái Tết to nhất trong đời, vì được ở trong căn nhà đẹp thế này. Giờ nhắm mắt, xuôi tay cũng vui lòng”. Câu chuyện dở dang thì chị Phương chở xong chuyến hàng, chạy vội về, rưng rưng nước mắt: “Cuộc sống khó khăn, vất vả nên chả biết đến hội hè gì. Mấy năm trước, được các chị cán bộ tới vận động gia nhập hội, ban đầu tôi cũng băn khoăn dữ lắm. Gia nhập rồi mới thấy mình nhận được nhiều lợi ích. Không chỉ được hỗ trợ 40 triệu đồng xây dựng mái ấm tình thương, đứa con thứ hai đã ba lần được nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai. Nhờ đó, nó là đứa con duy nhất trong ba đứa được tới trường”.

Gia đình chị Phương chỉ là một thí dụ điển hình được Hội Phụ nữ chăm lo. Niềm vui càng nhân lên gấp bội khi gia đình chị được trao nhà vào đúng dịp Tết cổ truyền dân tộc. Với mục tiêu không để hội viên phụ nữ nào không có Tết, tổng cộng các cấp hội đã vận động chăm lo gần 83 nghìn trường hợp. 4,4 nghìn suất quà được trao, trị giá gần 23 tỷ đồng.

Nhận để tri ân

Nhiều năm qua, Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Ngày hội phụ nữ vì cộng đồng, nhằm phát huy tinh thần tương thân, tương ái, huy động các nguồn lực xã hội chăm cho lo người nghèo và các đối tượng thuộc diện chính sách. Đến nay, ngày hội diễn ra đồng loạt tại 322 phường, xã thuộc 24 quận, huyện với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Trong ngày hội, tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố, hội viên tham gia vệ sinh khu dân cư, thu gom rác, nạo vét cống rãnh, xóa các bảng quảng cáo rao vặt trái phép, vận động không buôn bán, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, hạn chế sử dụng túi ni-lông, bảo vệ môi trường, phát tờ rơi về vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng tránh bệnh tay-chân-miệng, sốt xuất huyết. Tổ chức trao tặng mái ấm tình thương, thẻ bảo hiểm y tế, tặng quà các gia đình chính sách, mổ heo đất tiết kiệm, nấu bữa ăn ngon cho người già, tổ chức khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc, cắt tóc miễn phí cho gia đình có con em là bộ đội đang công tác tại biên giới, hải đảo, nữ thanh niên, nữ cựu tù chính trị. Chỉ tính riêng Ngày hội phụ nữ vì cộng đồng năm 2015 số tiền được trao tặng là hơn bốn tỷ đồng.

Nhiều năm qua, người dân thành phố không còn xa lạ với hình ảnh các dì, các chị cán bộ hội, nữ thanh niên cứ dịp cuối tuần lại xuất hiện trên các tuyến đường, tuyến hẻm, khu phố, điều hành tổng vệ sinh đường phố. Khi lại là những “diễn viên” trong các vở kịch được dàn dựng ngay trong các khu nhà trọ, khu vực đông dân cư, tuyên truyền cổ động bảo vệ môi trường, thu hút đông đảo hội viên và người dân tham gia bảo vệ và giữ gìn môi trường. Hai năm liền, Hội LHPN thành phố vinh dự nhận Giải thưởng Môi trường của TP Hồ Chí Minh và Bộ Tài Nguyên và Môi trường. Hội còn phối hợp Sở Công thương, Sài Gòn Co.op; Tổng công ty Thương mại Sài Gòn xây dựng 80 cửa hàng liên kết hội phụ nữ và gần 1.500 điểm bán hàng bình ổn giá tại chợ và địa bàn dân cư. Đây là hoạt động thiết thực hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình bình ổn thị trường của thành phố. Từ chương trình, không chỉ hội viên phụ nữ, mà đông đảo người dân, nhất là đối tượng gia đình nghèo, chính sách trên toàn thành phố cũng được hưởng thụ, góp phần không nhỏ vào thực hiện chính sách an sinh - xã hội của thành phố mang tên Bác.

Theo: Đặng Thanh Hà, http://www.nhandan.com.vn/(MH)

TÂM ĐIỂM

Video