Thoát nghèo từ những đồng vốn nghĩa tình

02/11/2006
Thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XVI: mỗi năm giúp 3.000-3.500 hộ thoát nghèo, bằng những việc làm thiết thực, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã góp phần giảm số hộ nghèo năm 2005 xuống còn 6,2%, so với năm 2001 giảm ½.

Mới ngoài 30 tuổi nhưng chị Phạm Thị Thắm (hội viên chi hội phụ nữ xóm 1 1 - xã Khánh Công - huyện Yên Khánh) đã có một "cơ ngơi" tương đối khang trang, đoàng hoàng so với điều kiện sống của người dân ở địa phương. Nhìn vào "cơ ngơi" nhà chị, có dịp gặp và trò chuyện cùng vợ chồng chị ít ai biết được, chỉ cách đây chục năm, gia đình chị thuộc diện hộ nghèo, nghèo đến độ nhiều khi còn đứt bữa. Năm 1998, chị Thắm tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ với hy vọng chi hội và chị em giúp đỡ, giới thiệu thêm những kinh nghiệm làm ăn. Được vay 2 triệu đồng từ quỹ của chi hội và của anh em bạn bè, gia đình chị sắm chiếc công nông để anh chuyên chở vật liệu, phục vụ nhu cầu của người dân trong xóm, trong xã và đã dành dụm được ít vốn. Chị mạnh dạn vay các nguồn vốn từ chi hội, Hội phụ nữ xã và Ngân hàng chính sách xã hội cộng với vay mượn thêm 50 triệu đồng đầu tư vào xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn với quy mô lớn. Với đàn lợn siêu nạc, lợn lai, lợn đẻ khoảng trên, dưới 100 con, mỗi năm gia đình chị xuất bán được 3 lứa, trung bình mỗi lứa 6 tấn lợn hơi . . . Đến nay, không chỉ thoát nghèo, chị Thắm đang vươn lên làm giàu và đầu tư vốn để xây dựng thêm khu chuồng trại chăn nuôi, đào ao thả cá . . . Trường hợp thoát nghèo như chị Thắm chỉ là một trong tổng số 6.011 hộ phụ nữ nghèo được các cấp Hội phụ nữ tỉnh Ninh Bình giúp đỡ, xoá nghèo trong nhiệm kỳ 2001 - 2006 theo Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ IX về mục tiêu giúp cho 5.000 phụ nữ nghèo thoát nghèo và góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1,5%/năm.

 

Đối với Hội LHPN tỉnh, "Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế” là một trong những chương trình công tác trọng tâm được Hội LHPN các cấp trong tỉnh thực hiện bằng nhiều hoạt động thiết thực: giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ, phụ nữ nghèo đứng chủ bằng vốn vay, tập huấn kiến thức chuyển giao KHKT, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giúp đỡ ngày công, cây trồng, con giống . . .Trong các hoạt động XĐGN của Hội LHPN các cấp, hoạt động vay vốn phát triển kinh tế đóng vai trò tương đối quan trọng. Hội LHPN đã đứng ra tín chấp với các Ngân hàng vay vốn cho hội viên. Trong 5 năm qua, doanh số cho vay của Hội LHPN các cấp đạt 678,9 tỷ đồng và đã có 220.000 lượt phụ nữ, trong đó có 40% phụ nữ nghèo vay. Để đảm bảo an toàn vốn vay, giữa Hội LHPN các cấp và Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) kết hợp chặt chẽ từ khâu thành lập nhóm vay vốn đến việc giải ngân, hướng dẫn sổ sách, kiểm tra việc thực hiện dự án, đôn đốc trả vốn, lãi. Các tổ phụ nữ vay vốn hàng tháng thu lãi nộp cho Ngân hàng theo hợp đồng uỷ thác giữa Hội LHPN và Ngân hàng CSXH. Đồng thời, theo lịch quy định, hàng tháng Ngân hàng làm việc tại xã để thu vốn. Do có sự phối hợp chặt chẽ nên nguồn vốn vay được sử dụng đúng mục đích. Tính bình quân, mỗi xã có doanh số cho vay đạt 1- 1,2 tỷ đồng, một số xã Khánh Trung, Khánh Công (Yên Khánh) đạt 6-7 tỷ đồng/xã. . . Bên cạnh hoạt động trợ giúp của Hội LHPN các cấp, các hội viên phụ nữ còn xây dựng các nhóm phụ nữ tiết kiệm, giúp nhau ngày công, cho vay vốn, công cụ sản xuất không lấy lãi . . .

 

Chỉ tính riêng trong năm 2005 toàn tỉnh đã thành lập được 506 nhóm phụ nữ tiết kiệm với 8.122 người tham gia, đưa tổng số nhóm phụ nữ tiết kiệm lên 2.494 nhóm với tổng số tiền tiết kiệm là 18.785 triệu đồng. Đối với các nhóm phụ nữ tiết kiệm, chị em không chỉ đơn thuần nộp tiền tiết kiệm để quay vòng nguồn vốn phát triển kinh tế, mà qua đó,còn trao đổi kinh nghiệm làm ăn, những thông tin về kinh tế thị trường, tham quan các mô hình làm kinh tế giỏi. . . Điển hình trong phong trào này là Hội LHPN xã Khánh Công (huyện Yên Khánh). Cùng với các nguồn vốn được vay với mức lãi suất ưu đãi, hội viên tích cực đóng góp xây dựng quỹ chi hội, thành lập các nhóm phụ nữ tiết kiệm. Trung bình, mỗi chi hội có nguồn quỹ từ 5-7 triệu đồng, chi Hội nhiều nhất đạt mức 10-12 triệu đồng. Đến nay không chỉ số hộ gia đình phụ nữ thuộc diện hộ nghèo trong toàn xã giảm mà nhiều chị đã có thêm nghề mới cải thiện đời sống. Đặc biệt, ở Khánh Công còn thành lập CLB tạo việc làm cho phụ nữ xã với lực lượng nòng cốt tham gia ban chủ nhiệm CLB là chủ các tổ hợp để giúp chị emtìm việc làm, đào tạo nghề. Hơn 50 thành viên tham gia CLB và nhiều người trong số họ đã có việc làm tại các tổ thêu ren, may công nghiệp…

 

Trải qua nhiệm kỳ Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ IX, đã có 6.001 phụ nữ vươn lên thoát nghèo, đạt 120,5% chỉ tiêu Đại hội đề ra, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh từ 12,23% năm 2001 xuống còn 6,2% năm 2005.
Phan Hiếu (Ninh Bình)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video