Thuốc chữa bệnh khớp cho người có bệnh lý dạ dày - tá tràng

18/01/2006
Bệnh lý dạ dày - tá tràng đi cùng bệnh khớp đều ảnh hưởng rất nhiều đến việc lựa chọn chế độ điều trị cho bệnh nhân. Do vậy, việc vạch ra chế độ điều trị hợp lý đối với bệnh nhân có bệnh khớp nhưng lại kèm theo bệnh lý ở đường tiêu hóa là vấn đề quan trọng, vì nó không làm tăng nặng bệnh lý ở dạ dày - tá tràng.

Các bệnh lý dạ dày - tá tràng rất phổ biến trong nhân dân, có thể xuất hiện trước khi bệnh nhân mắc bệnh khớp. Tuy nhiên ở nhiều bệnh nhân khớp, sau một thời gian mắc bệnh lại xuất hiện thêm bệnh lý dạ dày - tá tràng, thường là hậu quả tác dụng phụ của thuốc khớp trên đường tiêu hóa.

 

Các loại thuốc khớp gây tổn thương dạ dày - tá tràng

 

Có rất nhiều thuốc được dùng trong ngành khớp học để điều trị các bệnh thấp khớp. Đó là các loại thuốc chống viêm không steroid, thuốc corticosteroid, được sử dụng rộng rãi để điều trị các đợt viêm khớp cấp. Ngoài ra để kiểm soát các bệnh khớp mạn tính, các bác sĩ còn dùng các thuốc chống thấp tác dụng chậm, thuốc ức chế miễn dịch... Tuy nhiên một điều cần lưu ý là rất nhiều thuốc khớp có thể gây nên bệnh lý tiêu hóa ở mức độ khác nhau. Đầu tiên phải kể đến hàng chục loại thuốc chống viêm không steroid (CVKS), trong đó aspirin đã được sử dụng hơn 100 năm nay. Tiếp theo là các thuốc chứa corticoid như prednisolon, medrol, dexamethason... Trong số các thuốc chống thấp tác dụng chậm thì chloroquin, methotrexat nổi tiếng là các thuốc an toàn, tuy nhiên chúng cũng vẫn có tính kích thích dạ dày, gây buồn nôn, đau dạ dày. Một thuốc chống gút đặc hiệu là colchicin lại có tính độc cao trên đường tiêu hóa có thể làm cho bệnh nhân bị tiêu chảy cấp tính, thậm chí đến một chục lượt trong ngày.

 

Khi sử dụng thuốc khớp, đặc biệt là các thuốc CVKS, thường gặp nhất là các tác dụng nhẹ như buôn nôn, cảm giác chán ăn, đau thượng vị, tiêu chảy, táo bón. Có thể gặp các biến chứng nặng nề như loét dạ dày - tá tràng, thủng đường tiêu hóa. Một số cơ địa dễ có biến chứng tiêu hóa do dùng thuốc CVKS là tiền sử loét cũ, người nghiện rượu, người có tuổi, bệnh nhân dùng thuốc chống đông.

 

Ảnh hưởng bệnh lý dạ dày - tá tràng lên chế độ điều trị bệnh nhân khớp

 

Các bệnh nhân khớp mắc bệnh lý tiêu hóa thường hay bị buồn nôn, nôn, đau bụng. Do vậy bệnh nhân ngại uống thuốc, thậm chí từ chối uống thuốc. Bệnh lý tiêu hóa như viêm loét dạ dày - tá tràng, tiền sử cắt một phần dạ dày do loét làm hạn chế lượng thuốc hấp thụ qua niêm mạc đường tiêu hóa, khiến cho thuốc không có đủ nồng độ trong máu và làm giảm tác dụng của thuốc. Một số thuốc lại có thể gây rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, ăn khó tiêu khi đó việc dùng thuốc có thể gây nhiễm độc cho cơ thể. Điều quan trọng là một số thuốc lại có thể làm trầm trọng thêm các tổn thương đường tiêu hóa, gây loét dạ dày - tá tràng, viêm đại tràng chảy máu, xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày, thủng ruột... thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

 

Các biện pháp điều trị bệnh nhân khớp có bệnh lý dạ dày - tá tràng

 

Nguyên tắc chung là phải đồng thời kết hợp điều trị bệnh khớp và bệnh lý dạ dày - tá tràng.

 

Trong trường hợp bệnh nhân khớp bị loét dạ dày - tá tràng đang tiến triển thì tuyệt đối không được dùng các thuốc CVKS. Trong giai đoạn này vấn đề điều trị bệnh lý dạ dày - tá tràng được ưu tiên hàng đầu. Để kiểm soát các triệu chứng khớp có thể dùng các thuốc giảm đau, giãn cơ, thuốc an thần, thuốc chống thấp tác dụng chậm, vật lý trị liệu... Bệnh nhân có thể được chỉ định tiêm corticoid tại khớp sưng đau, hay dùng thuốc CVKS loại bôi như voltarel emulgen.

 

Trường hợp khác là bệnh nhân khớp có tiền sử bị bệnh lý dạ dày - tá tràng hay hiện tại đang có triệu chứng dạ dày như đau thượng vị, buồn nôn, nôn. Đó là nhóm bệnh nhân khớp có nguy cơ dạ dày - tá tràng rất cao. Khi đó phải lựa chọn loại thuốc CVKS ít gây ảnh hưởng đến dạ dày - tá tràng nhất như celebrex. Tuyệt đối không kết hợp các thuốc CVKS với nhau, vì không làm tăng hiệu quả mà chỉ tăng tác dụng phụ. Cần chọn đường khác như đường tiêm, đường đặt hậu môn, bôi ngoài da... Dùng liều tối thiểu có hiệu quả, không vượt liều tối đa. Cũng cần bắt đầu ngay dùng thuốc bảo vệ dạ dày. Có thể uống các thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày vào giữa các bữa ăn (sau ăn 1-2 giờ) như phosphalugel, các thuốc chống toan như zantac, famotidin, lazocolic, omeprazole (mỗi tối uống 1 viên trước khi đi ngủ). Ngoài ra cũng cần phải theo dõi và xử lý kịp thời các tai biến dạ dày - tá tràng có thể xảy ra trong quá trình dùng thuốc.

 

Tóm lại, việc phát hiện sớm các tổn thương dạ dày - tá tràng ngay từ trước khi dùng thuốc khớp, việc lựa chọn thuốc khớp và chế độ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân cũng như tích cực theo dõi tác dụng phụ trên dạ dày - tá tràng của các thuốc khớp cho phép nâng cao độ an toàn của thuốc trên đường tiêu hóa. Đặc biệt cần lưu ý ưu tiên lựa chọn các thuốc ức chế chọn lọc COX-2 như celebrex, mobic, bnalgesin ở những đối trượng bệnh nhân có nguy cơ cao.

Theo Sức khỏe đời sống

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video