Thụy Điển và những hỗ trợ cho phụ nữ Việt Nam

27/10/2014
Thụy Điển là nước Bắc Âu viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) và phụ nữ Việt Nam, ngoài viện trợ chính thức, Thụy Điển còn có nhiều chương trình, dự án hỗ trợ cho phụ nữ Việt Nam thông qua sự hợp tác của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ.

Trước tiên phải kể đến Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thụy Điển thuộc Bộ Ngoại giao Thụy Điển (SIDA). Từ năm 1987, SIDA là tổ chức đầu tiên hỗ trợ tín dụng nhằm giúp phụ nữ nghèo nông thôn tăng thu nhập và hỗ trợ trang thiết bị cho các cấp Hội. Trải qua 3 giai đoạn và 19 năm thực hiện chương trình hợp tác, SIDA đã hỗ trợ Hội với tổng kinh phí khoảng gần 17 triệu cu-ron Thụy Điển (SEK) trên nhiều lĩnh vực nhằm giúp các cấp Hội và phụ nữ Việt Nam một cách toàn diện. Trong giai đoạn 1987-1994, SIDA đã hỗ trợ trực tiếp cho Hội các dự án về quay vòng vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình và tập huấn giới cho giảng viên một số tỉnh miền núi phía Bắc. Chương trình hợp tác đã góp phần giúp Hội định hướng mở ra mô hình nhóm phụ nữ quay vòng vốn, tiền thân của nhóm phụ nữ tín dụng-tiết kiệm sau này. Trong giai đoạn 1995-1999, SIDA có cách tiếp cận mới qua việc ký kết 2 hiệp định với Hội nhằm hỗ trợ cho phụ nữ Việt Nam. Hiệp định đầu tiên năm 1995 không chỉ cho hệ thống Hội mà mở rộng ra các cơ quan liên quan như Hội Sinh viên, Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam... Hiệp định thứ hai 1996-2000 hỗ trợ trực tiếp cho TW Hội tập trung vào các lĩnh vực phát triển thể chế và nguồn nhân lực; tăng cường quyền năng kinh tế; nghiên cứu chính sách; thông tin tuyên truyền và các hội nghị, hội thảo về các chủ đề liên quan tới bình đẳng giới. Trong Hiệp định cho giai đoạn 2002-2006, với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ Việt Nam, SIDA hỗ trợ cho các hoạt động nâng cao năng lực tổ chức và hệ thống điều hành, kiểm tra giám sát của Hội, đặc biệt chú trọng đến cán bộ phụ nữ cấp huyện và xã. Dự án được thực hiện tại TW Hội và 3 tỉnh Ninh Bình, Quảng Ngãi và Kiên Giang.

Những hỗ trợ của SIDA đã góp phần giúp Hội đổi mới cả về nội dung và phương thức hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu của phụ nữ; tiên phong thí điểm, thử nghiệm mô hình mới; nâng cao năng lực của tổ chức Hội các cấp và cán bộ Hội,. Một điểm nổi bật nữa trong chương trình hợp tác với SIDA là các dự án rất chú trọng thúc đẩy và thu hút sự tham gia và hỗ trợ của chính quyền, các ban ngành đoàn thể khác và đông đảo nhân dân tại địa phương. Ngoài việc hỗ trợ thực hiện các dự án, SIDA còn cung cấp học bổng cho cán bộ Hội tham dự các khóa đào tạo quốc tế ngắn hạn về các thể chế dân chủ và dân chủ cùng tham gia và Quyền con người.

Một tổ chức nữa cũng thân thiết với Hội và phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, đó là Diễn đàn cánh tả quốc tế (LIF) thuộc Đảng Cánh tả Thụy Điển. Từ năm 2005 đến năm 2008, LIF đã hỗ trợ cho Hội thực hiện dự án nâng cao năng lực cho phụ nữ dân tộc thiểu số của một số xã thuộc huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang nhằm giúp chị em tích cực tham gia đời sống chính trị xã hội trong cộng đồng. Ngoài việc hỗ trợ tập huấn, dự án còn tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm giúp xóa mù chữ cho hội viên, phụ nữ; cung cấp kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, giới, chăm sóc sức khỏe, phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em qua biên giới... cho hội viên, cán bộ Hội và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể ở xã, thôn. Qua các hoạt động tập huấn và truyền thông, chị em hội viên, phụ nữ đã tự tin hơn tham gia vào các hoạt động cộng đồng; cán bộ Hội cơ sở được nâng cao năng lực nhằm thực hiện tốt hơn các hoạt động của Hội. Đặc biệt, dự án đã làm thay đổi nhận thức về vấn đề phụ nữ của cán bộ trong các cơ quan chính quyền, đoàn thể tại các xã có dự án. Đây có thể được coi là một mô hình thích hợp để các tỉnh miền núi triển khai hoạt động hỗ trợ cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Những chương trình, dự án do Thụy Điển hỗ trợ cho phụ nữ Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong vòng hơn 20 năm đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của phụ nữ Việt Nam, thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao năng lực của tổ chức Hội, cán bộ Hội các cấp cũng như hội viên, phụ nữ ở các địa phương. Tuy đã kết thúc nhưng các chương trình, dự án này đã trở thành những mô hình hay để các cấp Hội nhân rộng và phát triển. Quan hệ của Hội với những đối tác đầy thiện chí Thụy Điển vẫn tiếp tục được duy trì từ đó đến nay qua nhiều hình thức khác nhau.

Ban Quốc tế, TW Hội

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video