Thủy sản - ngành kinh tế mũi nhọn

07/01/2006
Từ một lĩnh vực sản xuất nhỏ bé, nghèo nàn và lạc hậu, ngành thủy sản nước ta đã trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, có tốc độ tăng trưởng cao, có tỷ trọng trong GDP ngày càng lớn và chiếm một vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân.

Nếu như trong những năm 60 của thế kỷ trước, tổng sản lượng thủy sản ở miền Bắc chỉ đạt trên dưới 200.000 tấn thì đến năm 1976 - năm đầu thống nhất đất nước - tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 840.000 tấn và đến năm 1980, kim ngạch xuất khẩu thủy sản cũng mới chỉ đạt được con số khiêm tốn.

 

Từ năm 1981, thủy sản đã là ngành kinh tế đầu tiên được chính phủ cho phép vận dụng cơ chế kinh tế thị trường trong sản xuất, kinh doanh; được phép thoát ly cơ chế bao cấp để thử nghiệm cơ chế 'tự cân đối, tự trang trải', xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm thủy sản vào thị trường 'khu vực 2' thu ngoại tệ để mua máy móc, vật tư, thiết bị đầu tư trở lại cho sản xuất.


Tổng sản phẩm thủy sản hiện chiếm 21% trong nông-lâm-ngư nghiệp và hơn 4% GDP trong nền kinh tế quốc dân. Riêng năm nay, tổng sản lượng thủy sản toàn ngành ước đạt hơn 3,3 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2,6 tỷ USD, tăng hơn năm ngoái khoảng 250 triệu USD.
 
Sau một phần tư thế kỷ hoạt động trong cơ chế thị trường, ngành thủy sản đã từng bước trưởng thành. Điều đáng chú ý là từ năm 1986, khi chính sách đổi mới của Ðảng được thực hiện trong cả nước, thị trường xuất khẩu thủy sản được mở rộng và tăng trưởng với tốc độ rất nhanh. Sự mở rộng thị trường đã kích thích sản xuất phát triển. Có thể nói, thị trường xuất khẩu thủy sản đã mở đường, hướng dẫn cho quá trình chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu nghề trong khai thác hải sản trên biển.

 

Các nghề sản xuất trên biển đã hướng theo các sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Cơ cấu sản phẩm khai thác phục vụ xuất khẩu đã liên tục tăng từ khoảng 5% trong những năm trước đây lên 30-35% trong thời gian gần đây. Thị trường xuất khẩu thủy sản là động lực kích thích sự phát triển nuôi trồng thủy sản. Nuôi trồng thủy sản đã trở thành hướng đi chính của việc chuyển đổi các vùng diện tích sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thành những vùng sản xuất nguyên liệu lớn phục vụ cho ngành chế biến thủy sản xuất khẩu.


Ðể có được kết quả trên, hơn bốn triệu lao động nghề cá, cùng đội ngũ doanh nhân ngành thủy sản đã phải vượt qua bao khó khăn, gian khổ để khẳng định được uy tín hàng thủy sản của Việt Nam trên thị trường thế giới. Hàng thủy sản Việt Nam hiện đã có mặt tại gần 100 nước và vùng lãnh thổ.
 
Cả nước hiện có 439 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, trong đó có 171 doanh nghiệp được xếp vào danh sách 1 xuất khẩu vào EU, 300 doanh nghiệp áp dụng quy trình quản lý chất lượng sản phẩm theo HACCP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường Mỹ, 222 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm vào Hàn Quốc, 295 doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn xuất khẩu vào Trung Quốc...
 
Bên cạnh vai trò nòng cốt của đội ngũ doanh nhân, lực lượng khoa học công nghệ đã có đóng góp to lớn. Từ những năm đầu của thập kỷ 80 của thế kỷ trước, công nghệ sinh sản tôm sú nhân tạo đã được du nhập và phát triển thành công ở miền Trung, sau đó nhân ra cả nước, tạo tiền đề cho phong trào nuôi tôm phát triển, là cơ sở để có được nguồn nguyên liệu chủ yếu cho chế biến, xuất khẩu thủy sản. Đến nay, giá trị tôm xuất khẩu chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản. 
 
Ðồng thời với việc làm chủ công nghệ sinh sản nhân tạo tôm sú, các nhà khoa học thủy sản đã thành công trong việc nhân giống nhiều loài thủy sản quý hiếm, như cá mú, cá giò, cà dìa, cá bớp, cá chẽm, cá rô phi, cá lóc, cua biển, ốc hương, sò, vẹm, tôm càng... Những thành tựu khoa học này là nền tảng để phát triển các sản phẩm thủy sản xuất khẩu.


Hiện nay, Bộ Thủy sản đang soạn thảo Chương trình phát triển xuất khẩu thủy sản tới năm 2010 và tầm nhìn 2020, theo đó năm 2010, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 4 tỷ USD và đến năm 2020 sẽ đạt từ 4,5 đến 5 tỷ USD.

(Theo TTXVN)

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video