Tiền Giang: Nhiều hoạt động giúp chị em phụ nữ phát triển kinh tế gia đình

28/03/2021
Thời gian qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh Tiền Giang đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp chị em hội viên phát triển sản xuất, mở mang ngành nghề nông thôn, giải quyết việc làm để tăng thu nhập, vượt khó thoát nghèo và xây dựng cơ nghiệp bền vững.
Hội viên đan sản phẩm bàng xuất khẩu ở xã Tân Hòa Thành.

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh chú trọng liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang trợ giúp vốn ưu đãi thông qua các dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, mở mang thương mại - dịch vụ nông thôn trong hội viên phụ nữ đồng thời nhân rộng các mô hình tiết kiệm vay vốn, nuôi heo đất gây quỹ hội giúp nhau phát triển kinh tế gia đình do Hội tổ chức; quan tâm đào tạo nghề cho chị em phụ nữ cũng như chuyển giao khoa học - kỹ thuật nông nghiệp, khôi phục và phát huy các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, nhân rộng các mô hình Hợp tác xã, Tổ hợp tác thu hút chị em vào con đường làm ăn tập thể kiểu mới có nhiều ưu việt theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Toàn tỉnh đã thành lập được 961 Tổ tiết kiệm và vay vốn ủy thác vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang với trên 36.000 hộ vay, tổng dư nợ trên 926 tỷ đồng. Đồng thời, hàng năm, các cấp Hội còn phối hợp cùng các ngành hữu quan tổ chức hàng trăm lớp đào tạo những ngành nghề phù hợp với chị em phụ nữ như: Nấu ăn, may mặc, kết hoa vải, đan lát, chăn nuôi, trồng trọt... thu hút hàng ngàn lượt chị em phụ nữ tham dự. Qua đó, tạo tiền đề để chị em lựa chọn và phát triển ngành nghề lập thân, lập nghiệp và giảm nghèo nông thôn.

Theo ghi nhận của các cấp Hội, sau dạy nghề có đến gần 83% chị em học viên tìm được việc làm ổn định phù hợp với năng lực, sở trường và nguyện vọng của mình kể cả làm việc tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn

Đáng chú ý, hàng năm, vào Ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10), Hội LHPN tỉnh đều tổ chức Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp - kết nối thành công với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn như: Triển lãm, giới thiệu và bán các sản phẩm mang đặc trưng vùng, miền tại Tiền Giang do bàn tay khéo léo, sự cần cù lao động và khối óc thông minh, sáng tạo của chị em hội viên phụ nữ các địa phương trong tỉnh sản xuất, tổng kết và trao thưởng những ý tưởng sáng tạo của chị em đạt giải trong Hội thi Phụ nữ khởi nghiệp...

Ngoài ra, trong khuôn khổ các hoạt động hỗ trợ chị em nghèo phát triển kinh tế gia đình, đến nay, Hội LHPN tỉnh còn thành lập được 10 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp, 21 Tổ hợp tác, 428 Tổ liên kết ngành nghề do chị em phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, thu hút hàng chục ngàn thành viên. Nhờ vậy, góp phần vào việc phục hồi, phát huy những ngành nghề truyền thống địa phương như: Đan lục bình, may mặc, se nhang, làm túi xách, bó chổi, đan bàng... tạo ra những sản phẩm có giá trị tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu mà chị em phụ nữ đóng vai trò hết sức tích cực.

Đơn cử như tại xã Tân Hòa Thành (huyện Tân Phước) nằm trong vùng Đồng Tháp Mười. Đây là xã thuần nông, đa phần nhân dân sống nhờ vào sản xuất nông nghiệp, kinh tế hộ nhiều khó khăn, thách thức. Trong điều kiện như thế, Hội LHPN xã Tân Hòa Thành đã tập hợp chị em hội viên phụ nữ khôi phục nghề đan giỏ đệm, túi xách và các sản phẩm từ cây bàng bản địa, tạo việc làm, giảm số hộ nghèo, tăng hộ khá và giàu trong hội viên phụ nữ.

Bà Nguyễn Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành cho biết, xã đã thành lập được 03 Tổ liên kết phụ nữ đan bàng thu hút hàng trăm chị em hội viên với mức thu nhập tăng thêm khoảng 03 triệu đồng/tháng nhờ tận dụng được thời gian lao động nông nhàn. Các sản phẩm giỏ, nón, đệm bàng nhờ liên kết sản xuất đang chiếm lĩnh thị trường trong ngoài nước.

Ngoài mô hình Tổ liên kết phụ nữ đan bàng, Hội LHPN xã Tân Hòa Thành đã duy trì 08 Tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo nông thôn, 15 Tổ góp vốn xoay vòng, 06 nhóm tiết kiệm tín dụng... thu hút hàng ngàn hội viên tham gia. Tổ liên kết đan bàng ấp Tân Quới (xã Tân Hòa Thành) do chị Nguyễn Thị Nga làm tổ trưởng hiện đã thu hút trên 30 lao động là những chị em phụ nữ nghèo khó trong xóm ấp. Sản lượng mỗi năm 36.000 sản phẩm cung ứng thị trường gồm: Nón, giỏ, túi xách, manh, đệm bàng... Thu nhập bình quân mỗi lao động từ 02 - 03 triệu đồng/người/tháng. Hàng năm, Tổ đạt doanh thu 350 triệu đồng và lợi nhuận 140 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ, hiện nay, việc làm ăn của Tổ đang rất thuận lợi bởi nhận được sự ủng hộ của các cấp, các ngành và người dân địa phương. Còn trong thời gian tới, Tổ tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo lúc nông nhàn, tăng thêm thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội. Vừa qua, chị Nguyễn Thị Nga, Tổ trưởng Tổ liên kết đan sản phẩm bàng được Quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Hội LHPN tỉnh), gọi tắt là Quỹ MOM trao giải Nhì giải thưởng "MOM - Doanh nhân vi mô tiêu biểu".

Bà Nguyễn Thị Kim Phượng, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, để giúp đỡ hội viên vượt khó thoát nghèo một cách căn cơ, 100% Hội LHPN cấp huyện và cơ sở đều có sổ sách theo dõi, quản lý và đề xuất những biện pháp giúp đỡ hội viên nghèo vươn lên giảm nghèo nông thôn. Trong năm 2020 vừa qua, toàn tỉnh có 11.910 hội viên phụ nữ nghèo trong tổng số 12.759 hội viên nghèo trong diện cần giúp đỡ đã được công nhận thoát nghèo, đạt tỷ lệ 93,3% và 5.518 hộ có chủ hộ là phụ nữ nghèo trong diện giúp đỡ đã được thoát nghèo, đạt tỷ lệ 100%.

tiengiang.gov.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video