Tin hoạt động

13/08/2019
- Quảng Ninh: Giao lưu Phía sau nỗi đau da cam
- Hà Nam: Giao lưu Sáng kiến truyền thông “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”
- Ninh Thuận: Chung tay phòng, chống mua bán người
- Quảng Ninh: Giao lưu Phía sau nỗi đau da cam

Nhân dịp kỷ niệm 58 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (1961 - 2019) và Ngày vì nạn nhân da cam ở Việt Nam 10/8, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh tham gia phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Quảng Ninh cùng các sở, ngành, đoàn thể tổ chức chương trình giao lưu Phía sau nỗi đau da cam.

Bà Vũ Thị Thu Thủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các cơ quan phối hợp tổ chức, các ban, ngành của tỉnh và trên 100 đại biểu là vợ, mẹ, con các nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) đại diện cho hơn 3.000 phụ nữ có chung nỗi đau da cam trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã tham dự chương trình.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng xem phóng sự truyền hình để hiểu thêm về những phụ nữ là vợ, mẹ các NNCĐDC với những vất vả trong quá trình chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam là chồng, con mình. Trước những hoàn cảnh khó khăn nhưng họ vẫn luôn cố gắng trong cuộc sống, sẵn sàng chịu những đau thương mất mát, thầm lặng chăm sóc, dành những gì tốt đẹp nhất mà mình có được cho những người thân là NNCĐDC.

Bà Nguyễn Thị Hà, thôn Nhuệ Hổ, phường Kim Sơn, thị xã Đông Triều bày tỏ khi tham gia chương trình: "58 năm đã trôi qua, thế nhưng thảm họa da cam vẫn còn ám ảnh mỗi người dân Việt Nam. Mỗi người mỗi hoàn cảnh, mỗi nỗi đau đến tận hôm nay những nỗi đau đó vẫn còn hiện hiện, không chỉ với thế hệ thứ nhất mà còn là thế hệ thứ 2, thứ 3. Nỗi đau da cam cứ dai dẳng bám lấy các nạn nhân".

Trường hợp bà Nguyễn Thị Son, xã An Sinh, thị xã Đông Triều, niềm vui ngập tràn khi chồng bà đi bộ lành lặn trở về. Ông bà có với nhau 2 người con cao ráo, khỏe mạnh. Thế nhưng càng lớn, trí tuệ của các con bà giảm sút. Một người dần ốm yếu rồi nằm liệt. Người con trai còn lại đến năm gần 40 tuổi thì đổ bệnh thường xuyên bị ngứa ngáy, gãi đổ máu thâm đen lại. Gia đình nhiều lần đưa con đi khám nhưng không tìm ra bệnh mà chỉ biết rằng do chất độc da cam phát ra. Đã nhiều năm nay mình bà là chỗ dựa tinh thần, là trụ cột lo kinh tế lo chăm sóc cho chồng và các con của mình".

Tại Hội nghị các đại biểu đã bày tỏ sự cảm thông sâu sắc với nỗi đau của các nạn nhân da cam và gia đình họ đang phải gánh chịu; tri ân các mẹ, các chị, các em đang ngày đêm hy sinh bản thân mình để chăm sóc, yêu thương những người thân của mình bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

Tỉnh Quảng Ninh hiện nay đang quản lý và triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và ưu đãi hàng tháng cho hơn 14 nghìn người có công với cách mạng, với kinh phí trên 14 tỷ đồng/tháng, trong đó có gần 5.000 người hưởng chính sách liên quan đến chất độc hóa học.

Để ghi nhận công lao to lớn của các mẹ, các chị những người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, nạn nhân chất độc da cam, TW Hội NNCĐ DC/dioxin Việt Nam đã tặng Kỷ niệm chương Vì nạn nhân chất độc da cam cho 15 phụ nữ tiêu biểu, trao 2 bằng tri ân Tấm lòng vàng Vì nạn nhân chất độc da cam, 2 biểu tượng Hành động vì nạn nhân chất độc da cam cho 4 tổ chức, doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho nạn nhân chất độc da cam trên địa bàn tỉnh.

Dịp này, 25 cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã trực tiếp ủng hộ các nạn nhân da cam và các mẹ, các chị có công nuôi dưỡng nạn nhân chất độc da cam khó khăn trên địa bàn tỉnh. Trong khuôn khổ chương trình, bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh cũng đã tổ chức khám bệnh miễn phí cho các đại biểu là vợ, mẹ, con các NNCĐDC.

- Hà Nam: Giao lưu Sáng kiến truyền thông “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”

Chương trình giao lưu do Hội LHPN huyện Kim Bảng tổ chức với sự tham gia của 3 đội gồm các thành viên Ban Chủ nhiệm, thành viên tiêu biểu trong câu lạc bộ (CLB) điểm của tỉnh “Phụ nữ thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng”, CLB “Gia đình hạnh phúc” xã Đồng Hóa, Tân Sơn và Ngọc Sơn cùng đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện Kim Bảng tham gia cổ vũ.

Các đội đã có 3 phần giao lưu chào hỏi giới thiệu về đội, giao lưu tìm hiểu kiến thức thông qua các câu hỏi trắc nghiệm có nội dung liên quan đến chủ đề An toàn cho phụ nữ và trẻ em, trình bày sáng kiến truyền thông liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm, môi trường, bạo lực gia đình và bạo lực học đường. Thông qua hình thức sân khấu hóa, với nhiều tiết mục được chuẩn bị kỹ lưỡng, các kiến thức, truyền thông chuyển tải hay, hấp dẫn, dung dị đã lôi cuốn sự theo dõi, cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Thông qua giao lưu Sáng kiến truyền thông của Hội LHPN huyện Kim Bảng đã tuyên truyền nâng cao kiến thức cho CBHV phụ nữ về xây dựng môi trường an toàn cho phụ nữ và trẻ em (PN&TE), phát huy vai trò của cán bộ, hội viên, phụ nữ cũng như huy động cả hệ thống chính trị cùng xã hội chung tay hành động vì sự an toàn cho PN&TE. Chương trình giao lưu cũng tạo cơ hội để chị em gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, qua đó thể hiện sáng kiến, kỹ năng truyền thông hiệu quả trong công tác tuyên truyền về các vấn đề: An toàn cho PN&TE trong gia đình, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại PN&TE; phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, phòng chống suy dinh dưỡng; chăm sóc sức khỏe cho PN&TE; an toàn cho PN&TE nơi công cộng, trong trường học, nơi làm việc và ngoài xã hội. An toàn trong môi trường mạng, trong lĩnh vực vệ sinh thực phẩm.

- Ninh Thuận: Chung tay phòng, chống mua bán người

Nhằm huy động sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các đoàn thể và toàn xã hội, đặc biệt là của cán bộ, hội viên, phụ nữ tham gia đấu tranh, phòng chống và tố giác tội phạm mua bán người, Hội LHPN tỉnh Ninh Thuận đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh tổ chức phát động hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người” năm 2019. Đến dự Lễ phát động có đồng chí Lê Văn Bình, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo, các đ/c thành viên BCĐ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc tỉnh cùng 300 cán bộ, chiến sĩ Công an; cán bộ, hội viên phụ nữ; đoàn viên thanh niên; cán bộ, công chức, viên chức của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm.

Để chủ động nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người tại địa phương trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh Ninh Thuận chủ động, tích cực tham gia đẩy mạnh công tác truyền thông phòng ngừa tội phạm mua bán người, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ, báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên về phòng chống mua bán người nắm được chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống mua bán người; phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm và những việc cần làm để tham gia kịp thời phát hiện, xử lý thông tin, phối hợp cùng các cơ quan chức năng xử lý các vụ việc liên quan đến mua bán người phát sinh trên địa bàn; công tác trợ giúp pháp lý, cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho nạn nhân bị mua bán...
Thu Hương, Hải Thịnh, Nguyễn T Lý

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video