Tổ phụ nữ chuyên trị bạo hành

08/04/2010
Ông Nguyễn Văn H. (xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM) trước đây thường nhậu say, đánh vợ, nhưng từ cuối năm 2008 đến nay, không còn dám "quậy" nữa. Sui gia của ông H. cũng có tật xấu như ông, nay đã chừa thói bạo hành với vợ. Có sự chuyển biến như trên, phải kể đến công của tổ giám sát và phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ) của Hội PN xã Bình Chánh.

Ngày 22/4/2008, tổ được Hội LHPN xã thành lập, gồm 12 thành viên, đều là cán bộ các chi, tổ Hội của xã. Đến nay, tổ đã can thiệp, hòa giải thành công 12 vụ BLGĐ, giúp các đôi này sống hòa thuận, không lục đục, đánh nhau như trước. Chị Lê Thị Cẩm Nhung - Chủ tịch Hội PN xã, kể: "Tháng 7/2008, Luật Phòng chống BLGĐ bắt đầu có hiệu lực thi hành, nhưng trước đó, chúng tôi đã được triển khai các nội dung của luật này. Đồng thời, lúc đó, Luật Bình đẳng giới cũng đã vận hành được một năm, nhưng ở xã, vẫn còn cảnh "chồng chúa vợ tôi", chồng đi nhậu về rượt đánh vợ con. Làm sao ngăn chặn tình trạng này? Thế là chúng tôi quyết tâm thành lập tổ chuyên giám sát, giải quyết các vụ BLGĐ".

Khi phát hiện có BLGĐ, thành viên của tổ đến gặp riêng nạn nhân, xem vì sao bị đánh, sau đó cùng tổ nhân dân gặp người gây ra bạo hành; song song đó, còn hỏi dò hàng xóm xem ai phải, ai quấy. Biết được nguyên nhân trực tiếp, nguyên nhân sâu xa rồi, tổ kết hợp cùng tổ nhân dân hoặc ban điều hành ấp tiến hành hòa giải, có biên bản, có cam kết của người bạo hành. Với trường hợp tái phạm nhiều lần, tổ đề nghị công an đưa đi giáo dục tập trung. Không chỉ "dẹp" nạn bạo hành, tổ còn gặp riêng người vợ, tâm tình để họ có lối sống và cách ứng xử đúng.

 
Chị Lê Thị Cẩm Nhung, Chủ tịch Hội PN xã Bình Chánh - với "sổ theo dõi BLGĐ"

Ngày 16/5/2008, ông Nguyễn M.T. nhậu say, đánh vợ. Trước đó ba tháng, ông cũng đã có hành vi này. Tổ đã đề nghị công an đưa ông T. vào diện thử thách ba tháng tại địa phương theo Nghị định 163 (quy định về thi hành biện pháp quản lý, giáo dục tại phường, xã, thị trấn) để răn đe, đồng thời theo dõi, tìm hiểu. Tổ nắm được nguyên nhân sâu xa dẫn đến mâu thuẫn của hai vợ chồng ông T.:  ông không chấp nhận việc vợ dẫn người em gái về sống chung, nhưng vì tế nhị mà không nói ra. Tổ đã cử người đến gặp em vợ ông T., khuyên cô này nên đi thuê nhà trọ. Quả nhiên, gần hai năm qua, từ ngày cô em vợ không ở chung nhà, ông T. không còn mượn rượu giải tỏa ấm ức nữa.

Đối với những vụ việc cần cương quyết, tổ không ngại "ra tay". Như trường hợp anh N.V.H. (ấp 3), sau nhiều lần hòa giải, đưa vào diện quản lý giáo dục tại địa phương nhưng vẫn tiếp tục bạo hành vợ con, ngày 12/10/2008, tổ đã đề nghị công an đưa anh này đi giáo dục tập trung. Ông M.N. là sui gia của anh H. vốn cũng là "tay" bạo hành, thấy vậy, không dám bạo hành nữa. Trong quá trình anh H. ở trường trại, Hội PN đã trợ vốn cho chị L. - vợ anh, buôn bán, lại còn trợ cấp học bổng cho con anh chị. Anh H. hồi gia, thấy vợ làm ăn khấm khá, con cái học hành đàng hoàng, vừa nể vợ, vừa mang ơn Hội. Đến nay, đã hơn tám tháng hồi gia, anh bỏ nhậu, cùng vợ sống hòa thuận, hạnh phúc.

Cũng có những trường hợp, thành viên của tổ phải "tháp tùng" kẻ bạo hành về quê điều đình với nạn nhân. Đó là trường hợp anh Q. (ấp 4), đánh vợ thường xuyên, vợ không chịu nổi, bỏ về quê. Q. về quê thuyết phục vợ không xong, phải nhờ dì Nguyễn Thị Kim Xia (tổ phó) về nói giúp. Dì Xia bắt Q. làm cam kết, đồng thời cho Q. hai tháng "thử thách". Sau hai tháng bỏ nhậu, tu chí làm ăn, Q. mới được đoàn tụ vợ con và một năm qua, anh đã bớt nhậu, không đánh vợ con, lại còn tích cực cùng vợ sinh hoạt trong CLB Xây dựng gia đình hạnh phúc của ấp.

Với kinh nghiệm của người tham gia giải quyết nhiều vụ BLGĐ, dì Kim Xia đúc kết: "Muốn giải quyết hiệu quả BLGĐ, cần tìm đúng nguyên nhân gây ra mâu thuẫn và bạo lực, để gỡ đúng "nút thắt". Cán bộ tham gia giải quyết bạo lực phải là người có uy tín, có bản lĩnh và sức thuyết phục. Khi can thiệp chống bạo lực, cần mềm mỏng nhưng cũng phải cương quyết; đồng thời muốn đạt hiệu quả cao, Hội cần phối hợp với công an và các đoàn thể tại địa phương".

Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh - cho biết, với những thành công của tổ, trong năm 2009, Huyện Hội đã chỉ đạo nhân rộng mô hình tổ giám sát và phòng chống BLGĐ ra các xã An Phú Tây, Phong Phú. Trong quý II/2010, Huyện Hội sẽ tổ chức tọa đàm, rút kinh nghiệm và tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các xã khác. 

Ngọc Hồ
www.phunuonline.com.vn

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video