TP. Hồ Chí Minh: Phát huy hiệu quả mô hình “Chợ tạm an toàn” cung ứng kịp thời, đầy đủ nông sản trong mùa dịch Covid-19

28/10/2021
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ lần thứ 4 ở TP. Hồ Chí Minh, nhiều chợ truyền thống, chợ tư nhân trên địa bàn đã phải dừng hoạt động. Vì vậy, Hội LHPN huyện Bình Chánh đã phối hợp xây dựng các “Chợ tạm an toàn” nhằm cung cấp đầy đủ, đảm bảo nguồn hàng hóa cho người dân.
Hoạt động mua bán tại chợ tạm xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh

Kể từ khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng, đặc biệt là các ca bệnh lây nhiễm trong các thương nhân tại các khu chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn huyện. Thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ để đảm bảo kiểm soát và hạn chế việc lây lan dịch bệnh, huyện Bình Chánh đã tạm ngưng hoạt động của toàn bộ các chợ tư nhân, chợ tạm đến chợ truyền thống chưa đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trên địa bàn huyện. Từ đó, Hội LHPN và UBND huyện Bình Chánh đã bàn các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp nguồn hàng hóa và nhu yếu phẩm phục vụ người dân. Bên cạnh đó, phối hợp Sở Công thương tổ chức các chuyến bán hàng lưu động thiết yếu phục vụ người dân song song với các cửa hàng tiện lợi, Co-op food, Bách hóa xanh, Co-op smile liên kết… Hội LHPN các xã, thị trấn phối hợp với UBND xã, thị trấn rà soát, khảo sát xây dựng các “Chợ tạm an toàn” đảm bảo yếu tố phòng, chống dịch an toàn; vận động các nữ thương nhân cung cấp nguồn hàng hóa đầy đủ, kịp thời. Qua đó, các đơn vị đã khảo sát, đề xuất khu vực để thực hiện chợ tạm, đồng thời phân công lực lượng bố trí và thực hiện công tác trực, đảm bảo phòng, chống dịch.

“Chợ tạm an toàn” đảm bảo điều kiện: diện tích rộng, thông thoáng; các gian hàng bố trí phải đảm bảo khoảng cách với nhau, khoảng cách giữa người mua và người bán; có lực lượng trực để kiểm soát lượt mua, khử khuẩn và điều phối người dân đảm bảo khoảng cách; thương nhân đảm bảo sức khỏe, cung cấp nguồn hàng rõ ràng.

Người dân mua thực phẩm tại chợ tạm xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh

Người dân được phát phiếu đi chợ và phân luồng theo ấp đi chợ từng ngày để đảm bảo số lượng người mua. Chợ tạm hoạt động hàng ngày tại các ấp, các thương nhân tham gia hoạt động được mặc đồ bảo hộ, tổ chức giăng dây đảm bảo khoảng cách giữa người mua với người bán và giữ khoảng cách giữa người bán với nhau. Chợ bắt đầu thành lập và đi vào hoạt động từ đầu tháng 8/2021 tất cả các ngày trong tuần từ 7 giờ sáng đến 17 giờ chiều để phục vụ theo lịch luân phiên đi chợ của người dân.

Hội đã phối hợp, xây dựng 4 chợ tạm tại các xã: Qui Đức, Tân Quý Tây, Tân Nhựt, Lê Minh Xuân; vận động 25/40 thương nhân tham gia bán tại các chợ tạm với các loại mặt hàng thực phẩm, rau củ quả… chủ yếu được thu mua từ các hộ nông dân sản xuất trên địa bàn huyện, phục vụ hơn 1.000 người dân đi chợ hàng ngày. Thông qua mô hình chợ tạm đã giúp giải quyết nhu cầu mua thực phẩm của người dân trong thời gian giãn cách, khi các chợ truyền thống ngừng hoạt động. Đồng thời, Hội LHPN các xã đã vận động thương nhân trước đây kinh doanh tại các chợ truyền thống chuyển sang kinh doanh tại các chợ tạm nhằm hỗ trợ kết nối các loại nông sản trên địa bàn huyện giữa hội viên là nông dân với thương nhân, để góp phần giúp người dân tiêu thụ nông sản thực phẩm trong thời gian giãn cách và giúp cho người dân sử dụng thực phẩm an toàn với giá cả phù hợp.

Mỹ Ngọc

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video