Trẻ thông minh nhưng lười học

01/06/2010
Nhiều nhà tâm lý đã khẳng định một trong những nguyên nhân khiến trẻ ngày nay lười học chính là không có động lực học...

Người mẹ kể:

Nam, con trai tôi, từ bốn tuổi đã bộc lộ sự thông minh, sáng dạ. Thuộc rất nhiều bài thơ, bài hát dài hơi. Phân biệt được các loại màu phức tạp. Đặc biệt biết viết chữ và làm các phép tính cộng trừ nhân trong phạm vi một trăm một cách dễ dàng, nhanh chóng. Chúng tôi vì thế rất kỳ vọng vào cháu. Vào lớp một cháu luôn dẫn đầu lớp về điểm số các môn. Sang lớp hai cháu bắt đầu có biểu hiện chểnh mảng. Đến lớp ba thì cháu tỏ sự chán học thấy rõ. Cô giáo chủ nhiệm cháu phản ánh trong cuộc họp phụ huynh: “Em Nam thông minh nhưng lười học. Hay đến lớp muộn, trong lớp đã không tập trung nghe giảng còn làm ảnh hưởng đến các bạn khác, không chịu làm hết bài tập…”. Ở nhà cũng vậy, cháu chỉ học chiếu lệ khỏi bố mẹ mắng.Ngồi học bài hai tiếng đồng hồ mỗi tối nhưng thời gian luôn bị ngắt quãng bởi việc uống nước, ăn quà, đi vệ sinh. Hôm rồi cháu còn nói dối bố mẹ là được nghỉ học để được ở nhà chơi trò điện tử. Thời điểm xuất sắc của con tôi qua rồi sao?

Nguyên nhân:

Tâm sự của bà mẹ nói trên có lẽ cũng là của nhiều bà mẹ khác có con đang học cấp tiểu học. “Cháu rất có khả năng, nhưng…”, “thằng bé thông minh, mỗi tội…” là cụm từ khá quen thuộc trong các cuộc họp phụ huynh.

Học trước

Nhận thức của con trẻ ngày nay sớm hơn thế hệ trước rất nhiều. Đã thế, để con khỏi bỡ ngỡ, khỏi thua bạn bè trước khi bước vào lớp một nhiều bậc cha mẹ đã cho con học trước. Việc trẻ đã viết đẹp, làm tính thành thạo từ khi chưa đi học là thường gặp. Đó chính là một trong những nguyên nhân khiến trẻ giảm hứng thú với việc học.Làm sao trẻ còn hứng thú nữa khi những điều cô giáo giảng, những bài tập trong sách trẻ đều biết cả rồi. Mỗi giờ học không còn là cái gì đó cho trẻ háo hức, chờ đợi. Để giết thời gian và tỏ vẻ “ta đây biết cả rồi”, trẻ cố tình phân tán vào các việc khác: vẽ linh tinh, trêu bạn bên cạnh, nhìn mây bay ngoài cửa sổ… Việc “biết trước” không chỉ là một trong những nguyên nhân tạo cho trẻ tính mất tập trung, mất hứng thú học hành ngay từ buổi đầu đến lớp mà còn hình thành tính kiêu ngạo nơi trẻ vì cảm giác tự mãn nhất thời.

Không biết học để làm gì

Nhiều nhà tâm lý đã khẳng định một trong những nguyên nhân khiến trẻ ngày nay lười học chính là không có động lực học. Nhận thức về cuộc sống xung quanh ở trẻ ngày nay cũng sớm hơn nhiều. Từ hiện thực cuộc sống trẻ nhận thấy rằng không cứ để có cuộc sống tốt đẹp thì cách duy nhất là học và học.Muốn trẻ chăm chú học nhưng người lớn vẫn chưa thoát ra khỏi cách răn đe bằng những lý luận sáo rỗng như thời trước. Bởi thế trẻ coi việc đến lớp như là một việc làm cho bố mẹ vui lòng và được giao lưu với bạn bè.

Trẻ hiếu động quá

Vì hiếu động quá nên trẻ không tập trung để hiểu bài giảng. Với những trẻ này bắt buộc ngồi yên cả tiếng đồng hồ là một việc quá khó khăn. Nguyên nhân này thật ra không đáng lo lắng lắm vì tính hiếu động sẽ dần dần mất đi khi trẻ lớn lên, có khả năng tự kiềm chế.

Bị chi phối bởi nhiều mối quan tâm khác

Đó là các trò chơi hấp dẫn, là mối quan hệ bạn bè, mối quan hệ với bố mẹ, anh chị em trong gia đình. Khi làm mất lòng một người bạn hoặc ngược lại, trẻ rất buồn và suốt giờ học chỉ nghĩ cách làm thế nào để giải quyết mối xung đột. Ngoài ra thời gian để nghỉ ngơi, vui chơi quá hạn hẹp cũng dẫn đến tình trạng trẻ bị ức chế, mệt mỏi, chán nản khi ngồi học.

Làm thế nào để trẻ thích học?

Đừng tỏ ra quá sốt ruột. Giận giữ, quát mắng, trừng phạt con và tiếp theo là “cắt giảm” các khoảng thời gian vui chơi, thúc ép con vào ngồi vào bàn học là cách mà các ông bố bà mẹ thường làm. Thực ra đó là một sai lầm, nó chỉ làm cho con bạn thêm chán ngán, sợ hãi việc học mà thôi.

“Học, tích lũy kiến thức sẽ cho con thấy cuộc sống thú vị và phong phú thế nào, con sẽ biết giải thích một cách đúng đắn khi đứng trước các tình huống, sự việc, sự vật và không bị người khác qua mặt, coi thường... “ bạn có thể trả lời như vậy (hoặc tương tự) khi con đặt câu hỏi học hành vất vả thế để làm gì trong khi bao nhiêu người khác không học hành đến nơi đến chốn mà vẫn sung sướng, giàu có.

Không cho trẻ “học trước”. Có thể nhắc trẻ xem qua bài học ngày mai để nghe giảng một cách chủ động chứ không nên học trước.

Cho trẻ học những môn mà trẻ có năng khiếu; tìm gặp người giáo viên tốt, biết “đối phó” với những học sinh như trường hợp con bạn, dành cho chúng sự quan tâm đặc biệt; cần thiết có thể chuyển sanglớp,trườngphù hợp với khả năng, cá tính của con bạn hơn, để tìm lại cho nó hứng thú ham học trước đây.

Khích lệ. Khi con bạn đạt điểm tốt bạn tỏ sự hài lòng, vui vẻ bằng những cử chỉ, lời nói. Thỉnh thoảng dành cho con một phần thưởng xứng đáng như cùng đi chơi công viên, đi xem xiếc sau một thời gian con được điểm cao đều đặn…Sự tự hào của bố mẹ là một sự kích thích rất lớn cho trẻ chăm chỉ học hành.

Dành thời gian bên con nhiều hơn để hiểunhững tâm tư nguyện vọng của con. Xem con đang gặp vấn đề gì về tâm lý không rồi cũng tìm cách tháo gỡ. Tâm trạng thoải mái, vui vẻ, khỏe mạnh các em mới có hứng thú và tiếp thu bài học tốt.

Phan Minh

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video