Triển vọng mới của kinh tế thủy sản

07/01/2006
Sau một thời gian gặp nhiều khó khăn, trong năm 2005 vừa qua, ngành Thủy sản Bình Định đã có bước phát triển trở lại, tổng giá trị sản xuất toàn ngành đạt 909,3 tỉ đồng, tăng 6,6% so với năm 2004. Đây là tín hiệu vui cho ngành kinh tế đầy tiềm năng này.

* Tín hiệu vui

Năm 2005, ngành Thủy sản Bình Định đã có bước phát triển đều ở cả 3 lĩnh vực: khai thác, nuôi trồng và chế biến. Trong khai thác, tuy gặp phải khó khăn vì chi phí tăng cao, nhất là về nhiên liệu, nhưng ngư dân đã tìm cách khắc phục, bằng cách đầu tư chiều sâu, tập trung nâng cao công nghệ khai thác và bảo quản sản phẩm; xây dựng mô hình cộng đồng trong khai thác… để vươn ra khơi xa khai thác hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Công Bình, cán bộ theo dõi việc khai thác đánh bắt của Sở Thủy sản tỉnh, cho biết: "Hầu như 80% tàu thuyền có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại ở Bình Định đều vươn ra đánh bắt ở các ngư trường ngoài tỉnh, như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh…. Đây là những ngư trường giàu tiềm năng, nên hiệu quả mang lại khá lớn".

Bà Trần Thị Thu Hà - Giám đốc Sở Thủy sản: Chúng tôi đã tiến hành khảo sát nắm lại tình hình ở các lĩnh vực, và bước đầu cũng đã có giải pháp để đẩy mạnh phát triển trong thời gian đến. Trong đó, nuôi tôm sẽ phát triển theo hướng bền vững, bằng cách phát triển sản xuất đi đôi với việc phục hồi hệ sinh thái, bảo vệ môi trường các vùng nước. Đối với những vùng chưa đủ điều kiện, dịch bệnh còn xảy ra nhiều, sẽ chuyển sang nuôi các đối tượng khác như cua, cá rô phi đơn tính, cá chua, hàu… Tăng cường hoạt động đánh bắt xa bờ bằng các đội tàu có công suất lớn, trang thiết bị hiện đại và nhân rộng mô hình cộng đồng trong khai thác, để đem lại hiệu quả cao hơn… Song song đó, ngành sẽ hỗ trợ các DN đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường cũng như xây dựng thương hiệu và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa…

Trong nuôi tôm, một số mô hình cho hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt là tại các vùng nuôi được đầu tư hạ tầng tương đối hoàn chỉnh như: Công Lương (Hoài Mỹ - Hoài Nhơn), năng suất bình quân đạt 3,5 tấn/ha; vùng nuôi tôm trên cát ở Phù Mỹ đạt năng suất
4-5 tấn/ha/vụ. Ngoài ra, mô hình nuôi tôm cộng đồng cũng đã đem lại hiệu quả tích cực. Nhờ thực hiện tốt mô hình này mà ở Hoài Mỹ, Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), Phước Thắng, Phước Sơn (Tuy Phước) nhiều ao nuôi đạt năng suất 3-5 tấn/ha/vụ, thu lãi từ 50-200 triệu đồng.

Tại các vùng nuôi tôm trong tỉnh, qua khuyến cáo của ngành Thủy sản và hiệu quả của các mô hình thí điểm, bước đầu đã xuất hiện mô hình nuôi tôm xen các đối tượng khác như: cua, cá, nhuyễn thể…nhằm cải thiện môi trường, hạn chế dịch bệnh. Đây là giải pháp thiết thực, tạo điều kiện sản xuất bền vững, góp phần phục hồi cân bằng sinh thái. Một số vùng nuôi tôm ở Tuy Phước, TP Quy Nhơn… trước đây người nuôi tôm luôn bị thua lỗ vì dịch bệnh tôm nuôi, nay đã có thu nhập trở lại, tuy không bằng thời hoàng kim của nghề nuôi tôm, nhưng cũng đạt hiệu quả khá nhờ thực hiện mô hình nuôi xen.

Với hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu, bên cạnh các sản phẩm và mặt hàng truyền thống, các DN cũng đã triển khai sản xuất thêm một số sản phẩm mới, cũng như quan tâm hơn đến việc xây dựng thương hiệu, tìm hiểu thị trường. Nhờ vậy, tuy gặp phải khó khăn về nguyên liệu, nhưng trong năm 2005 tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Bình Định đạt 23 triệu USD, tăng 4,1% so với năm 2004.

* Vẫn còn nhiều thách thức

Nhìn chung ngành Thủy sản Bình Định hiện nay vẫn còn những cản ngại lớn. Trung bình mỗi năm năng lực tàu thuyền của tỉnh tăng 5,02% về công suất và 4% về số lượng, nhưng cơ sở hạ tầng nghề cá phát triển rất chậm. Hệ thống cảng cá và bến cá tuy có đầu tư nâng cấp, nhưng vẫn chưa theo kịp thực tế, chỉ đáp ứng được 70% số lượng tàu thuyền của tỉnh ra vào neo đậu. Ngoài ra, các công trình hỗ trợ thiết yếu khác như: cầu tàu, khu sơ chế, kho bãi, hệ thống xử lý nước thải, cung cấp nước ngọt và kho lạnh chứa hàng… vẫn chưa được quan tâm xây dựng hoàn chỉnh. Ngay cả các địa điểm dành cho tàu neo đậu tránh trú bão, hệ thống luồng lạch, cửa biển… cũng là một trong những vấn đề cần phải xem xét.

Về nuôi trồng thủy sản, tình hình dịch bệnh trong nuôi tôm vẫn xảy ra, nhưng chưa có giải pháp căn cơ để hạn chế. Năm 2005, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh ở Bình Định chiếm đến hơn 50% diện tích thả nuôi. Nguyên nhân chính là do trình độ của người nuôi còn thấp; công tác quy hoạch và quản lý, tổ chức sản xuất còn manh mún, chưa tập trung được sức mạnh cộng đồng để phòng trừ dịch bệnh nhằm sản xuất có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các vùng nuôi còn yếu kém, đặc biệt là vấn đề thủy lợi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững của vùng nuôi thâm canh.

Ở hoạt động chế biến thủy sản xuất khẩu, việc đầu tư công nghệ chưa đồng bộ, bên cạnh những trang thiết bị mới, một số DN vẫn còn thiết bị cũ sử dụng đan xen hoặc do thiếu vốn phải mua thiết bị đã qua sử dụng. Nguồn nguyên liệu để phục vụ cho hoạt động chế biến cũng không đáp ứng đủ nhu cầu. Bởi vậy, bên cạnh sự cạnh tranh gay gắt của các đơn vị trong và ngoài nước, rào cản về nguyên liệu và công nghệ đang là thách thức mới cho các DN xuất khẩu thủy sản ở Bình Định.

* Mở hướng tương lai

Tuy vẫn còn những cản ngại, nhưng dựa trên những dấu hiệu khả quan, ngành Thủy sản Bình Định đưa ra mục tiêu nâng giá trị xuất khẩu thủy sản lên 27 triệu USD vào năm 2006. Để thực hiện được mục tiêu này, trước mắt ngành đã có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động nuôi trồng, khai thác và chế biến.

Năm 2005, tổng sản lượng hải sản khai thác trên toàn tỉnh đạt 107.000 tấn, tăng 9,4% so với năm 2004, trong đó có đến 77% sản lượng khai thác ở vùng biển xa bờ. Cá ngừ đại dương trong năm qua cũng được mùa lớn, tổng sản lượng khai thác được 3.800 tấn, tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2004.

Trong nuôi trồng, sẽ triển khai nuôi theo hướng đa dạng hóa loại hình và đối tượng như: tôm trên cát, tôm công nghiệp, nhuyễn thể, rong sụn, tôm càng xanh, cá chim trắng…. nhằm hạn chế dịch bệnh phát sinh.

Các DN chế biến cũng sẽ đa dạng hóa các mặt hàng, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, chủ động tìm kiếm thị trường, nhằm đưa sản phẩm thủy sản của Bình Định nhích gần hơn với yêu cầu của thị trường thế giới. Ngoài ra, ngành cũng sẽ tổ chức lại các chợ cá, bến cá, khắc phục tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây ảnh hưởng đến việc thu mua nguyên liệu của các DN.

Các hoạt động dịch vụ như: đóng sửa tàu thuyền, cung ứng nhiên liệu, trang thiết bị phục vụ đánh bắt, nuôi trồng và chế biến cũng sẽ được cân đối hợp lý nhằm tạo sự hậu thuẫn vững vàng cho các lĩnh vực cùng phát triển…

Mục tiêu đã được xác định, kế hoạch đã được vạch ra, vấn đề còn lại là sự nỗ lực của toàn ngành để thực hiện hoàn thành mục tiêu nói trên.

Ngọc Thái

TÂM ĐIỂM

CÁC ĐỀ ÁN

Video